Chặng đường Brexit đầy cam go đối với thủ tướng Anh Theresa May

11/12/2018 - 14:10
Dẫu nước Anh lên kế hoạch sẽ rời Liên minh châu Âu (EU - Brexit) vào tháng 3/2019 nhưng chính nữ thủ tướng Theresa May đang phải đối mặt với một trận chiến cam go trong nghị viện.
Phản ứng của giới nghị sĩ
 
Với Thủ tướng Theresa May, thỏa thuận sơ bộ Brexit là thỏa thuận tốt nhất có thể làm hài lòng được một quốc gia vốn đang bị chia rẽ sâu sắc như nước Anh. Tuy nhiên, thỏa thuận này cần phải có được sự ủng hộ của 320 nghị sĩ trong tổng số 639 nghị sĩ tại mọi cuộc bỏ phiếu ở Nghị viện Anh để được thông qua. Đa số dư luận đều cho rằng, con số này là khó có thể đạt được. Chính bà May đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nước Anh rơi vào một “tình huống nguy hiểm” nếu thỏa thuận Brexit không được Nghị viện Anh thông qua. Một số người suy đoán điều này có thể dẫn đến việc thay đổi chức vụ Thủ tướng Anh của bà May. Nghiêm trọng hơn là sự sụp đổ hoàn toàn của chính phủ hiện tại Anh hoặc thậm chí là một cuộc bỏ phiếu thứ hai để quyết định số phận cuối cùng của Brexit.
 
theresa-may-brexit-3.jpg
Thủ tướng Theresa May tuyên bố tạm hoãn việc đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại quốc hội

  

Nhận thấy khả năng thỏa thuận của mình không được thông qua là rất cao vì hàng chục nghị sĩ của chính đảng Bảo thủ đã đe dọa sẽ chống lại thỏa thuận này, Thủ tướng Anh vừa quyết định tạm hoãn việc đưa thỏa thuận ra bỏ phiếu thông qua tại quốc hội. Quyết định này của bà May đã gây nên phản ứng dữ dội từ các thành viên Công đảng đối lập, thậm chí ngay cả các thành viên đảng Bảo thủ cũng không thể tin nổi điều này. Nhiều ý kiến cho rằng bà May đã dẫm đạp lên nền dân chủ nghị viện.
 
Đây được coi là một thất bại mới với Thủ tướng Theresa May. Sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử năm 2016, bà May đã hết sức chật vật trong việc chèo lái nước Anh rời khỏi EU, đầu tiên là quá trình dai dẳng để đàm phán một thỏa thuận với Brussels và bây giờ là làm sao để thỏa thuận này được quốc hội Anh thông qua.
 
theresa-may-brexit-2.png
Bà May giữ vững lập trường Anh có thể rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019

  

Thủ tướng Anh đang hy vọng việc trì hoãn kế hoạch bỏ phiếu sẽ giúp bà có thêm thời gian tìm kiếm những nhượng bộ khác từ phía EU để làm vừa lòng dư luận nước Anh. Dự kiến, bà May sẽ tham dự một cuộc họp với Hội đồng châu Âu ngày 13/12 để thảo luận về những thay đổi có thể đối với phương án chốt chặn cho vấn đề đường biên giới Ireland. Điều này giúp bà thuyết phục các nghị sĩ Anh rằng những biện pháp liên quan đến đường biên giới Ireland sẽ chỉ mang tính giải pháp tạm thời. Mặt khác, Thủ tướng Theresa May cũng cho biết, chính phủ sẽ thúc đẩy chuẩn bị kịch bản nước Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào trong trường hợp các nghị sỹ Anh tiếp tục phản đối thỏa thuận Brexit.
 
Vấn đề Bắc Ireland
 
Nước Anh lại rơi vào một vòng xoáy bất ổn định mới trước diễn biến đầy kịch tính hiện nay, nhưng cả các nghị sỹ Anh và EU đều không muốn xảy ra kịch bản nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào vì điều này sẽ gây tổn thất cho cả hai bên. Do vậy, khả năng cao lãnh đạo các nước EU sẽ ngồi lại để tìm cách tháo gỡ bế tắc hiện nay của Thủ tướng May đối với phương án chốt chặn để quốc hội Anh có thể thông qua thỏa thuận Brexit.
 
Trước đó, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, thời điểm diễn ra một cuộc bỏ phiếu mới về thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May sẽ phụ thuộc vào thời điểm chính phủ của bà có được những đảm bảo cần thiết từ EU để thỏa mãn Quốc hội. Thủ tướng Theresa May cũng đã khẳng định, Chính phủ vẫn cam kết để Anh có thể rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019.
 
theresa-may-brexit-4.jpg
Thủ tướng Anh Theresa May trao đổi với lãnh đạo EU

  

“Sau khi lắng nghe tất cả những ý kiến trong những ngày qua, một điều có thể thấy rõ là trong khi có một sự ủng hộ rộng lớn cho nhiều khía cạnh quan trọng của thoả thuận này nhưng có một vấn đề, đó là chuyện biên giới Bắc Ireland vẫn còn rất nhiều lo ngại sâu sắc. Vì thế, nếu chúng ta tiếp tục tiến hành bỏ phiếu thì thoả thuận Brexit có thể bị bác bỏ”, bà Theresa May tuyên bố.
 
Bản thân bà May muốn điều khoản liên quan đến Bắc Ireland trong thoả thuận Brexit sẽ không được áp dụng một cách vô thời hạn. Trước đó, trong thoả thuận mà chính phủ của bà May đạt được với EU, thời hạn Bắc Ireland sẽ ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu không được xác định cụ thể mà chỉ ghi là cho đến khi nào Anh và EU đạt được thoả thuận mới về quan hệ tương lai để có thể giải quyết dứt điểm vấn đề này.
 
Chính vì điều khoản này mà đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland, đảng liên minh với đảng Bảo thủ của bà May, đã kiên quyết chống thoả thuận Brexit vì lo ngại Bắc Ireland sẽ phải ở lại vô thời hạn trong liên minh thuế quan châu Âu và sẽ bị tách khỏi Vương quốc Anh.
 
donald-tusk.jpg
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk

 

Phản ứng trước diễn biến bất ngờ từ Anh, hàng loạt lãnh đạo châu Âu đều cho biết, khối này không có ý định đàm phán lại thoả thuận Brexit mới đạt được cuối tháng 11. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố rằng, châu Âu sẵn sàng thảo luận với bà May việc làm sao để hỗ trợ việc thoả thuận Brexit được Nghị viện Anh thông qua nhưng không có chuyện đàm phán lại.
 
Bộ trưởng phụ trách vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau cũng cho hay khả năng không đạt được thỏa thuận Brexit đang ngày càng gia tăng trước những diễn biến mới nhất tại London. Vị Bộ trưởng này cũng khẳng định, không thể có một thỏa thuận Brexit khác khi thỏa thuận hiện tại đã tốt đẹp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm