Chàng trai của chuyến xe 0 đồng đêm muộn

Thanh Nga
15/05/2022 - 18:30
Chàng trai của chuyến xe 0 đồng đêm muộn

Nhờ chuyến xe 0 đồng lúc đêm tối của anh Nguyễn Ngọc Đầy, nhiều sinh viên bớt sợ hơn khi trở về trên con đường vắng, nhiều nguy hiểm

Ban ngày chạy xe ôm công nghệ để trang trải cuộc sống, tối đến, anh Nguyễn Ngọc Đầy (TP Thủ Đức, TP HCM) dành thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày để nhận chở khách miễn phí.

Từ đầu tháng 4 đến nay, anh Nguyễn Ngọc Đầy duy trì đều đặn những chuyến xe miễn phí chủ yếu cho sinh viên trên địa bàn TP Thủ Đức, bắt đầu từ 21h30 và kết thúc vào 22h30 thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.

Để tiếp cận và duy trì hoạt động này, anh Đầy chọn cách đăng vào các hội nhóm để mọi người biết đến và đặt trước lịch di chuyển, cụ thể các điểm ở Kí túc xá khu A, khu B, làng Đại học (thuộc Đại Học Quốc gia TP HCM), Đại học Nông Lâm TP HCM, Suối Tiên.

Dù đã công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội nhưng những ngày đầu thực hiện hoạt động, điều anh Đầy nhận lại là những lượt xem bài đăng, không ai để lại bình luận, ngày có một khách đặt xe, anh chạy xe đợi ở điểm đón từ sớm. Anh Đầy cho biết, do nhiều bạn còn chưa tin tưởng, sợ lừa đảo hay có ý đồ xấu nên mới làm điều này.

"Tuần nào cũng phải đăng bài để mọi người không quên hoạt động của mình, chờ các nhóm kiểm duyệt bài đăng cũng lâu, làm việc tốt đúng là không dễ", anh Đầy nói.

Sau vài tuần, nhờ sự phản hồi tích cực của các bạn sinh viên đã trải nghiệm chuyến xe 0 đồng, anh cũng nhận được nhiều cuộc gọi đặt xe hơn, ngày đông nhất là 4-5 cuốc. Đến nay, anh Đầy đã có hơn 20 khách hàng tin tưởng và một số khách quen tuần nào cũng gọi.

Chàng trai của chuyến xe 0 đồng đêm muộn - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Đầy đang gọi xác nhận kĩ thông tin khách hàng trước khi thực hiện chuyến đi

Bạn Nguyễn Thị Minh Thư, sinh viên trường Đại học Kinh Tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, một trong những vị khách đầu tiên trải nghiệm chuyến xe cho biết, lúc đọc được bài đăng của anh Đầy, Thư cũng khá e ngại và lo sợ vì là người lạ, còn chở miễn phí. Nhưng do tính chất công việc của Thư phải làm ca đêm bắt đầu vào lúc 21h30, khung giờ hết xe buýt cũng như khu vực khó bắt xe công nghệ nên Thư quyết định đi thử một lần.

Đến đón đúng giờ, chuẩn bị sẵn mũ bảo hiểm cũng như một vài lời hỏi thăm thân thiện của anh Đầy khiến cho Thư cảm thấy an tâm hơn. Từ lần trải nghiệm đó, giờ Thư đã trở thành khách quen của anh Đầy, một tuần 2-3 chuyến anh Đầy đều có mặt tại kí túc xá Thư ở để đến chỗ làm cách đó 5-6km, "mỗi lần từ quê lên, em đều mang quà bánh tặng anh, nhờ anh mà mỗi tháng em tiết kiệm được một khoản để ăn uống cũng như phục vụ học tập", Thư nói.

Chàng trai của chuyến xe 0 đồng đêm muộn - Ảnh 2.

Có anh Đầy chở đi làm, Thư bớt sợ hơn vì đường khá tối và nguy hiểm

Chia sẻ về hoạt động này, anh Đầy trải lòng, hồi còn là sinh viên năm nhất, vì phải tự trang trải cuộc sống nên chi phí sinh hoạt anh đều phải tiết kiệm tối đa. Lúc đó, Đầy cũng chưa có xe máy, phải đi bộ 6km, mất 2 tiếng từ chỗ trọ đến nơi làm thêm để bớt được một khoản. Nhiều lần, các anh tài xế công nghệ biết chuyện nên cho Đầy đi nhờ. Nhớ mãi niềm vui được giúp đỡ lúc đó, sau này khi làm Grab, chạy được gần 1 năm thì Đầy thực hiện chuyến xe miễn phí với mong muốn lan tỏa điều tích cực, mong muốn cho đi nhiều hơn, "tôi không coi đây là việc thiện nguyện vì hành động này còn nhỏ bé lắm", anh Đầy nói.

Trần Tiến Đạt, sinh viên trường Đại học Nông Lâm lúc xuống xe nắm tay anh cảm ơn rối rít, nhờ anh Đầy mà cậu bạn tiết kiệm được 30 – 40 nghìn đồng mỗi ngày, khoản tiền nếu cậu bạn đặt xe ngoài đi từ trường học về khu kí túc xá, chừng khoảng 3-4km. Nhiều lúc mưa to, anh Đầy cũng sẵn sàng đến chở mình, Đạt nói.

Dù cả ngày dài làm việc mệt mỏi nhưng tối đến, khi chạy xe miễn phí chở các bạn, nhận được sự tin tưởng của nhiều người, điều đó đã tiếp thêm năng lượng cho Đầy.

Hình ảnh chàng trai mặc bộ đồ Grab, mỗi tối đều chờ ở nhà văn hóa sinh viên thuộc Đại học Quốc gia TP HCM sớm hơn giờ hoạt động 1 tiếng để kịp thời đón khách giờ đây đã không còn xa lạ với nhiều người. Những ngày không có ai, Đầy vẫn ngồi đợi, đến 22h30 mới chịu về.

"Khu vực này một số tuyến đường tắt đèn sau 21h, thời gian đầu ngồi đây cũng sợ cướp giật nhưng nghĩ đến việc giúp sinh viên về nhà an toàn đã lấn át đi nỗi sợ đó. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động này, ít nhất là 1 năm", Ngọc Đầy nói.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm