Từng gặp biến cố dẫn đến việc mắc nợ tiền tỷ, thế nhưng Nguyễn Đình Sơn (27 tuổi, TPHCM) vẫn lan tỏa điều ấm áp cho cộng đồng bằng hành động đi lượm ve chai và lì xì cho người khó khăn.
Những ngày gần đây, video chàng trai trẻ đạp xe dọc trên các tuyến đường Sài Gòn để lượm ve chai, lì xì cho người khó khăn thu hút sự quan tâm lớn trên mạng xã hội. Thế nhưng, khó ai ngờ chàng anh Nguyễn Đình Sơn (27 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) đang mang trên mình một món nợ tiền tỷ vẫn có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.
Về lý do giúp Sơn thực hiện những điều tử tế cho đời, chàng trai trẻ chia sẻ: “Tôi vừa trải qua biến cố, bị lừa khoảng 4,5 tỷ. Thời điểm ấy, tinh thần tôi suy sụp đến mức nghĩ đến cái chết. Thế nhưng, may mắn tôi đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng ấy và nhận thấy mình phải sống lạc quan, yêu đời. Cho đi nhiều hơn, giúp đời nhiều hơn giúp tôi thấy đời mình cũng nhẹ nhàng hơn”.
Tìm hiểu kỹ hơn về biến cố Sơn gặp phải, anh Duy đã từng là sếp cũ của Sơn tại công ty xuất khẩu lao động cho biết, thời điểm ấy, bạn mượn tiền của một vài người, trong đó có tôi để đầu tư vào dự án. Sau đó, Sơn bị lừa và mất hết toàn bộ số tiền đã vay. Hiện tại, Sơn vẫn chưa trả được số tiền đã mượn nhưng tôi tin và cho bạn thời gian để có thể hoàn trả.
Quyết định đạp xe đi lượm ve chai và đem tặng cho những người buôn đồng nát bắt đầu từ sở thích đạp xe và bảo vệ môi trường. Anh Sơn cho biết 2 tuần trước, anh bắt đầu hành trình đạp xe thể dục ở Q. Gò Vấp và các khu vực lân cận nhưng thấy khó chịu vì rác thải không vứt đúng chỗ. Thế nên đi đến đâu, có rác vô cơ không phân hủy được như vỏ chai, vỏ lon… anh sẽ thu nhặt lại.
Lượng vỏ chai ấy, anh không bán mà cho lại các cô, chú lượm ve chai mình có duyên gặp gỡ trên đường. Thấy họ mừng rỡ, anh cũng vui lây. Chính niềm vui của họ, giúp anh muốn tiếp tục làm việc này mỗi tuần.
Bên cạnh việc tặng những vỏ chai nhựa, Sơn thường cho họ bốc những phông bao lì xì may mắn. Sơn cho biết, anh không có nhiều tiền để tặng như mọi người vẫn nghĩ vì anh còn đang mang nợ trên người. Mỗi ngày làm việc này, tôi chỉ tặng một ít tiền xem như món quà tinh thần thôi.
Được biết, ý tưởng xì lì này ra đời vì anh muốn họ cảm thấy điều này đến với mình như một vận may không phải sự thương hại. Anh có quan điểm “của cho không bằng cách cho”, nếu như việc cho đi không tinh tế có thể vô tình làm tổn thương đến họ.
“Tôi luôn bảo với họ rằng, trong những phông bao này có nhiều mệnh giá khác nhau, cao nhất là 200.000 đồng. Thế nhưng, ai cũng sẽ bốc được phông bao lì xì có mệnh giá lớn nhất. Vì tôi muốn họ cảm thấy mình may mắn, đôi lúc, trong cả ngày dài làm việc, đó lại chính là niềm vui duy nhất của họ”, Sơn cho biết.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, Sơn cũng thường ghi lại những hoạt động này nhằm mục đích lưu giữ và lan tỏa điều tử tế đến cộng đồng. Gần đây, những video anh đăng tải thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội. Nhiều người cũng liên hệ anh để gửi những vỏ chai cũ, tiếp lửa cho anh thực hiện những hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng, Sơn chia sẻ.
Những ngày qua, khi nhận được sự quan tâm, ủng hộ của mọi người, Sơn càng có thêm động lực để tiếp tục hành trình này. Chia sẻ về dự định tương lai, Sơn mong muốn mình có thể thực hiện và lan tỏa điều tử tế này ở các tỉnh, thành khác.