Chấp nhận khác biệt, khuyến khích sáng tạo trong phát triển giáo dục

BT (Tổng hợp)
19/11/2022 - 21:01
Chấp nhận khác biệt, khuyến khích sáng tạo trong phát triển giáo dục

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: Dương Giang

Chiều 19/11/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).

Tham dự cuộc gặp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, và 60 nhà giáo tiêu biểu.


Báo cáo tại cuộc gặp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ngành giáo dục hiện có gần 27 triệu học sinh, sinh viên; khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo cơ bản đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, các thầy giáo, cô giáo bày tỏ niềm tự hào khi được mang sứ mệnh “trồng người” và tỏ rõ quyết tâm nỗ lực phấn đấu giữ vững bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề; luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo và vì học sinh, học viên thân yêu.

Chấp nhận khác biệt, khuyến khích sáng tạo trong phát triển giáo dục - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: Nhật Bắc

“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo. Thầy cô chính là động lực, trái tim của hệ thống giáo dục”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Các thầy giáo, cô giáo đem đến buổi gặp mặt nhiều câu chuyện không chỉ thắm đẫm tình thầy trò mà còn thể hiện tình người cao cả; cho thấy các thầy giáo, cô giáo không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực. Muốn phát triển con người phải dựa vào giáo dục và đào tạo. Giáo dục là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống giáo dục và đào tạo muốn được vận hành tốt, có hiệu quả cao thì thầy cô giáo là những người đóng vai trò quyết định.

Chấp nhận khác biệt, khuyến khích sáng tạo trong phát triển giáo dục - Ảnh 3.

Cô giáo Ma Thị Hồng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ tại cuộc gặp mặt Ảnh: Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Gia đình, nhà trường và xã hội phải được coi là "tam giác", trụ cột, phải được phối hợp chặt chẽ. Do đó, cần tiếp tục quán triệt phương châm “nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”; chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh; giúp học sinh hình thành nhân cách về tình yêu thương; phát triển giáo dục - đào tạo phải bám sát nguyên tắc chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, phong trào khởi nghiệp; tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.

* Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).

Nguồn: TTXVN, VGP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm