Tận dụng nguồn rác thải gỗ của địa phương làm thành hương thắp an toàn là sản phẩm chị Đồng Thị Thanh Tùng (tỉnh Thái Nguyên) gửi tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo 2017.
Võ Nhai là một huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên, có đặc điểm thổ nhưỡng thích hợp với việc trồng rừng. Những cánh rừng bạch đàn, keo, tre, mai... là nguồn khai thác gỗ của người dân địa phương để bán cho các cơ sở sản xuất kinh doanh gỗ hay các xưởng đóng mộc. Mỗi vật dụng bằng gỗ sản xuất ra thường để lại số lượng mùn cưa lớn gây ô nhiễm môi trường. Nhận thấy những bất cập của số lượng mùn cưa do các xưởng sản suất để lại, chị Đồng Thị Thanh Tùng đã nảy ra ý tưởng tận dụng những phế thải trong khai thác gỗ để làm nên những que hương thắp trong gia đình mỗi dịp lễ, Tết.
Theo chị Thanh Tùng, chị chọn tận dụng mùn cưa để làm hương vì: Trải dài khắp cả nước, đi đến đâu vào nhà nào hầu như ta cũng thấy những bó hương trên ban thờ tổ tiên của các gia đình. Thắp hương cũng là nét đẹp tâm linh của người Việt. Trên thị trường có rất nhiều loại hương mà bằng mắt thường người sử dụng không thể nhận biết được loại hương nào là tốt, loại hương nào là có hại cho sức khỏe. Nhiều nhà sản xuất hương vì chạy theo cạnh tranh, lợi nhuận đã bất chấp những tác hại khôn lường khi ngâm tẩm hóa chất vào hương dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe người tiêu dùng. Qua nhiều nghiên cứu, chị Tùng đã quyết định tự làm hương an toàn từ những sản phẩm có sẵn tại địa phương.
Chị Thanh Tùng chia sẻ thật lòng: Việc làm ra sản phẩm hương thắp không phải là mới, nhưng điểm mới của đề tài tôi nghiên cứu là sử dụng bột lá hắt, loại lá có rất nhiều ở Võ Nhai để tạo sự kết dính giữa mùn cưa và tăm tre, có tác dụng làm hương cháy chậm. Bên cạnh đó, bột lá hắt còn có tác dụng tạo tàn màu trắng và mùi thơm đặc biệt cho hương. Khi đốt, hương có mùi thơm nhẹ nhàng tự nhiên và hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe. Nguyên liệu để làm Hương thắp bằng mùn cưa trộn bột lá hắt đều được tận dụng từ nguồn phế thải có sẵn tại địa phương, giúp giảm ô nhiễm môi trường.
Để kiểm định rõ hơn về độ an toàn của sản phẩm, chị Đồng Thị Thanh Tùng đã sử dụng 2 phòng thí nghiệm của trường THCS thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai, nơi có đủ cơ sở vật chất để tiến hành thực nghiệm. Lần đầu, chị thử nghiệm trên 40 con gián và lần thứ hai thử nghiệm trên 30 con chuột bạch. Chị chia số con vật thử nghiệm vào hai phòng, một phòng đốt hương liên tục trong một tuần và một phòng để ở điều kiện bình thường. Sau một tuần thử nghiệm, gián và chuột trong hai phòng vẫn khỏe mạnh bình thường như nhau. Đó là bằng chứng cho thấy sản phẩm “Hương thắp bằng mùn cưa trộn bột lá hắt” không có chất độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, an toàn cho động vật và con người.
Đặc biệt, quy trình sản xuất hương khá đơn giản, ai cũng có thể làm thành công sau khi được hướng dẫn qua một lần, có thể sản suất đại trà hay làm cá thể theo từng hộ gia đình. Đây cũng là một công việc hoàn toàn không nặng nhọc, phù hợp với mọi lứa tuổi như các bà, các cụ hay học sinh có thể làm trong lúc nông nhàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các gia đình.
Gửi sản phẩm “Hương thắp bằng mùn cưa trộn bột lá hắt” tham dự Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017, chị Đồng Thị Thanh Tùng mong muốn có thể góp công sức nhỏ bé của mình mang đến một sản phẩm hữu ích, an toàn cho sức khỏe, đồng thời đem lại thu nhập cho các gia đình tại địa phương và bảo vệ môi trường trong sạch.
Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017 do Hội LHPN tổ chức gắn với chủ đề “Phụ nữ tham gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ Việt Nam, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu và Luật phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo bền vững.
Ngày hội sẽ tôn vinh những ý tưởng sáng tạo, sáng kiến của phụ nữ trong lĩnh vực giảm nhẹ RRTT và thích ứng với BĐKH. Ngày Phụ nữ Sáng tạo năm 2017 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào dịp 20/10.