Qua quá trình giải đề, nhiều giáo viên phản ánh có tình trạng đề thi có độ khó không tương đương nhau. Ví dụ, môn Lịch sử mã đề 319 thì dễ nhưng mã đề 301 và 314 của môn thi này lại khó hơn nhiều.
Bên cạnh đó, nhiều thí sinh phản ánh một số mã đề môn Vật lý có sự sắp xếp câu hỏi không theo mức độ từ dễ đến khó mà lẫn vào nhau gây tâm lý hoang mang khi phần đầu đã gặp ngay câu khó.
Hoặc có tình trạng nhóm câu hỏi khó ở một số mã đề đáp án thường rơi vào một nhóm ký tự, tạo nên tình trạng “hên xui” cho những TS lựa chọn cách khoanh bừa.
Giải đáp các thắc mắc trên, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT đã nói rõ về quy trình đưa ra đề thi và cách “trộn” 24 mã đề khác nhau dựa trên 4 đề thi gốc.
Ông Hồng khẳng định, để xây dựng được các mã đề thi cho kỳ thi chính thức, Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa.
“Khi xây dựng ngân hàng, tất cả các câu hỏi, đề thi được thử nghiệm với chính HS lớp 12, qua đó biết được độ khó dễ của câu hỏi như thế nào chứ không phụ thuộc vào cảm nhận của người ra đề”- ông Hồng cho hay.
Cũng theo ông Sái Công Hồng, để cân bằng độ khó giữa các đề thi, vào khoảng tháng 3 và tháng 4/2017, Bộ chọn mẫu thử nghiệm đề thi trên 50 trường đại diện với khoảng 20.000 HS lớp 12.
“Sau khi hình thành các mã đề thi, nếu có đảo câu hỏi thì đảm bảo quy tắc đảo theo khối với 4 khối khác nhau: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao để đảm bảo đồng đều độ khó - dễ ở tất cả các mã đề và tương đương nhau giữa các mã đề. Vì thế tổng thể đề vẫn đảm bảo có câu dễ, câu khó theo tỉ lệ 60% câu hỏi kiến thức cơ bản và 40% câu hỏi nâng cao”- ông Hồng nói.
Ông Sái Công Hồng cũng cho rằng, sẽ khập khiễng nếu so sánh độ khó giữa các đề mà chỉ có thể so sánh trong ma trận tổng thể bài thi. Cùng một nội dung kiến thức nhưng ở mã đề này rơi vào nhóm câu hỏi dễ, còn mã đề khác lại sử dụng để hỏi thuộc nhóm câu hỏi khó.
Về việc có tình trạng bố trí đáp án nghiêng nhiều về một phía (A, B..) ở phần câu hỏi nâng cao, ông Hồng cho biết việc “trộn” đáp án là do phần mềm tự “trộn” nên không thể can thiệp.
Tuy nhiên, vì lần đầu tiên áp dụng hình thức ngân hàng đề thi theo quy trình quốc tế, ông Hồng thừa nhận chưa có sự “tròn trịa”, các năm tới sẽ cố gắng điều chỉnh dần để các đề thi hoàn chỉnh hơn dựa trên góp ý của dư luận liên quan đến chất lượng đề thi.