Chết lặng với câu chuyện của bà mẹ sinh con tại nhà

16/03/2018 - 20:38
"Em bé đột ngột ngừng thở. Ông bố trẻ đứng câm lặng nhìn chằm chằm vào đứa con gái đang chuyển dần sang màu xanh tím trên chiếc ghế Sofa trước mặt. Đội cấp cứu nhanh chóng hồi sức cho em bé, họ quan tâm đến từng chi tiết màu sắc thay đổi trên khuôn mặt"..
Mấy ngày nay, tại Việt Nam dư luận đang xôn xao trước thông tin mẹ con sản phụ ở TP.HCM tử vong do sinh thuận tự nhiên. Nói về phương pháp này, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo nhưng cũng có không ít bà mẹ ủng hộ. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, người Việt đang hiểu sai về sinh thuận tự nhiên. 

Bác sĩ Trần Văn Phúc, BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, trước khi trả lời câu hỏi, sinh con tại nhà, nên hay không, chị em nên đọc câu chuyện vượt cạn tại nhà của người phụ nữ có tên là Karen King, sống ở hạt Hertfordshire giáp phía Nam thủ đô London của nước Anh.
 
"Tôi đau lắm!”, Karen khóc. Từ sâu thẳm trong lòng, cùng với khuôn mặt méo mó và cơ thể vặn vẹo, cô cất lên những tiếng kêu rạn vỡ.
 
Bà đỡ đã có mặt, nhưng cũng chỉ biết an ủi cô chịu đau và bình tĩnh.
 
Karen cố suy nghĩ, rằng mọi chuyện sẽ ổn. Chỉ một vài ngày nữa, em bé của vợ chồng cô sẽ được ngủ trong những chiếc giỏ hoa. Người chồng ngồi ngay bên cạnh. Anh vuốt tóc và thì thầm vào tai vợ: “Em yêu, nếu có thể anh sẽ đổi chỗ cho em và chịu hết mọi đau đớn”.
 
Karen rên rỉ: “Tôi đang nghĩ cái quái gì nhỉ? Tôi chỉ muốn được gây tê, hoặc được mổ lấy thai ngay lập tức”. Bà đỡ và chồng cô không nghĩ đó là câu nói nghiêm túc, bởi gây tê hay mổ đẻ là tình huống cấp cứu chỉ có thể thực hiện được ở BV.
 
Thời gian ngắn ngủi giữa những cơn đau, Karen lại cảm thấy dễ chịu. Cô vẫn hướng dẫn chồng đi lấy thuốc, chuẩn bị sẵn cái khăn hay chiếc đệm. Trong nhà bếp, rượu sâm banh và bánh Pate đã được làm mát bằng tủ lạnh. Trên gác, nến thơm bao quanh giường, sẵn sàng đón nhận một gia đình hạnh phúc trọn vẹn lần đầu tiên cuộn tròn lấy nhau.
 
Đúng 1 tuần trước đó, Karen khẳng định rất rõ lí do tại sao cô lại chọn cách sinh con ở nhà: “Chúng tôi không phải là những người theo chủ nghĩa Hippie, tức là từ bỏ cách sống tiêu dùng của xã hội công nghiệp, để quay về với cuộc sống thiên nhiên. Nhưng tôi mang thai bình thường. Bản thân tôi không bị bệnh, con tôi cũng khỏe mạnh. Vậy tại sao tôi phải vào BV, nơi mà tôi không quen thuộc, nơi mà tôi không được chăm sóc liên tục và có nguy cơ lây nhiễm các bệnh khác như tụ cầu khuẩn Staphylococcus Aureus kháng Methicillin và cúm lợn?”
photo152032121969415203212196941629957781.jpg
Hình ảnh một đứa trẻ được sinh con thuận tự nhiên được chia sẻ trên mạng xã hội

Karen nói thêm: “Điều tốt nhất là, ngay sau khi sinh tại nhà, tôi có thể tắm trong phòng tắm của riêng tôi, sau đó đi vào giường của tôi với đứa con tôi vừa sinh”.

Bà mụ cùng chồng giúp đỡ Karen nằm chổng mông trên chiếc ghế Sofa, một chân treo trên chiếc đệm, chân kia để dưới nền nhà.

“Bằng sự trung thực nhất có thể, hãy tự nói với bản thân mình, rằng tôi không căng thẳng và đang thư giãn vào lúc này” – tranh thủ giữa những cơn đau, bà mụ hướng dẫn Karen – “Và hãy hình dung, nếu bạn đang ở trong BV, sẽ có tiếng máy kêu bíp bíp, có những người lạ mặt, điều đó sẽ làm cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn rất nhiều”.
 
Sau 3 tiếng đồng hồ chật vật cùng chồng và bà đỡ, Karen sẵn sàng từ bỏ. Cô khẩn thiết cầu xin: “Tôi không thể tiếp tục chịu đựng nỗi đau này. Tôi xin lỗi, xin lỗi tất cả mọi người, nhưng tôi không nghĩ tôi sẽ làm được điều đó. Tôi muốn đến bệnh viện để tiêm thuốc ngay bây giờ hơn là đẻ ở nhà”.
 
“Cô có thực sự muốn điều đó? Tại sao cô không nghe nhạc?” – câu hỏi của bà đỡ thay cho cách giải thích, đó có thể là sự bình tĩnh, hoặc không muốn chấp nhận sự thất bại.
 
Karen không còn hơi sức để tranh luận. Và họ đi đến thỏa hiệp: Nếu sau 2 giờ nữa mà em bé không chịu ra, thì Karen sẽ được đưa đến BV.
 
Thật may mắn, ngay sau đó Karen được nhận thêm sự trợ giúp của 2 nữ hộ sinh, với đầy đủ thuốc men và máy hỗ trợ giảm đau.
 
“Bây giờ chúng ta có thể hát một bài” – sau khi tiêm thuốc giảm đau, bà đỡ động viên Karen cố gắng đẻ bằng một câu nói hài hước. Karen chỉ biết gầm gừ trong cổ họng với lời đề nghị ấy. Còn chồng cô chỉ biết cúi mặt xuống để che giấu một nụ cười.
 
Vào lúc 2 giờ 40 phút, gần như chính xác là sau 4 tiếng đồng hồ kể từ khi gọi bà đỡ, Karen nhổm người lên từ ghế Sofa, giống hệt như nữ thần Gaia. Cô dạng rộng hai chân, ngồi xổm và hất mặt lên phía cao. Có một sự im lặng đột ngột trong căn phòng. Tất cả tập trung vào Karen, trong khi cô ấy toàn tâm toàn lực rặn và chống lại những cơn đau.
 
Lúc 3 giờ 12 phút, đầu em bé xuất hiện. Ngồi phủ phục bên cạnh, chồng Karen lấy tay xoa nhẹ hai bên đùi vợ, xoa cả lên vai và trán. “Này, em yêu! Xin chào, thật tuyệt!”, chồng cô òa khóc.
 
Cùng trên một chiếc ghế Sofa, có một ông bố và một bà mẹ mới, trông họ giống hệt những đứa trẻ con. Họ vui sướng, ngạc nhiên và kinh ngạc. “Ôi trời ơi,” – Karen thở hắt ra – “Tôi không nghĩ tôi có thể làm được điều đó. Xin chào, em bé xin chào! Mama đây con! Baba đây con”.
 
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc. Một tiếng sau khi sinh, bánh rau vẫn chưa chịu bong. Bà đỡ đã tiêm thuốc tăng co bóp tử cung nhưng không hiệu quả. Em bé đang bình thản bú mẹ. Nhưng bầu không khí đã thay đổi, mọi người không còn vui vẻ như khi em mới được sinh ra.
 
Cuối cùng, thêm 1 tiếng đồng hồ nữa, những nữ hộ sinh đã từ bỏ hi vọng. Họ hối hả gọi xe cứu thương và nhân viên y tế. Karen cố gắng chịu đựng những cơn đau, nhưng càng chịu đựng nó càng đau khủng khiếp. Cô chỉ muốn được gây tê ngay lập tức.
 
Đúng 17 phút sau, xe cứu thương xuất hiện. Cửa trước nhà được mở, một luồng không khí lạnh toát cùng các nhân viên y tế ập vào. Họ ngay lập tức kiểm soát tình hình.
 
Karen phải giao em bé cho đội cấp cứu. Trong trường hợp này, cả bố và mẹ không được phép tiếp cận, cũng không được phép vận chuyển cấp cứu cùng nhau. Vì thế mà có một cuộc hoảng loạn thứ hai xảy ra.
 
Em bé đột ngột ngừng thở.
 
Trong phòng khách, ông bố trẻ đứng câm lặng nhìn chằm chằm vào đứa con gái đang chuyển dần sang màu xanh tím trên chiếc ghế Sofa trước mặt anh. Đội cấp cứu nhanh chóng hồi sức cho em bé, họ quan tâm đến từng chi tiết màu sắc thay đổi trên khuôn mặt.
 
Một xe cứu thương thứ 2 được gọi, em bé vừa sinh đang trong tình trạng rất nguy hiểm, cần phải được cấp cứu và chăm sóc ở BV. Một nữ nhân viên y tế kéo bố của em bé ra ngoài, khéo léo giải thích tình trạng, nhưng không dám đề cập trực tiếp đến sự nguy hiểm cũng như khả năng an toàn cho cả mẹ và con.
 
Xe cứu thương lao đi trong đêm. Người bố trẻ cố gắng dán chặt đôi mắt vào đứa con gái của mình, trong một bó nhỏ, được bọc bằng chiếc chăn màu đỏ dày.
 
Chỉ còn lại một mình, người chồng chờ đợi một chiếc xe cứu thương thứ 3 đến đón anh. Chờ đợi và chờ đợi. Cho đến khi xe cứu thương đến, cửa xe chưa kịp mở, anh đã vội lao ra với những bước chạy vội vã...
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm