Chỉ 1 bữa ăn mà thải ra bao nhiêu rác nhựa

06/08/2019 - 11:03
Mặc dù phong trào "nói không với đồ nhựa" đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới nhưng đối với nhiều bạn học sinh, sinh viên, từ bỏ đồ nhựa có vẻ như vẫn là việc bất khả thi.

Thói quen dùng 1 lần rồi bỏ

Dạo một vòng quanh các trường đại học, trung học, không khó để bắt gặp hình ảnh cốc nhựa, ống hút nhựa, chai nhựa, túi nylon,… vương vãi khắp nơi. Có thể thấy, việc sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần đã trở nên quá phổ biến đối với các bạn học sinh, sinh viên.

 

20190731_092558.jpg
Dễ dàng nhìn thấy rác thải nhựa ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội

 

Mặc dù hiện tại đang là kỳ nghỉ hè, số lượng sinh viên tới lớp không nhiều nhưng lượng rác thải nhựa vẫn rất lớn. Nhất là trong ngày nắng nóng oi bức, những cốc trà sữa, những chai nước giải khát, những cốc nước đậu ngon lành luôn là lựa chọn hàng đầu đối với các bạn trẻ.

Tại hàng quán ven cổng các trường đại học, rất đông sinh viên ngồi ăn vặt và uống nước giải khát. Ống hút, cốc nhựa, thìa nhựa sau khi sử dụng không có người dọn dẹp, vừa mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa gây ô nhiễm môi trường.

 

20190731_162800.jpg
Cốc nhựa, ống hút nhựa... là rác thải phổ biến ở các ký túc xá

 

Ngoài khu vực trường học, ký túc xá hay nhà trọ sinh viên cũng là nơi đồ nhựa ‘lên ngôi’. Nhiều sinh viên có thói quen mua thức ăn sẵn nên việc sử dụng đồ một lần là không thể tránh khỏi.

 

20190731_220337.jpg
Mỗi ngày, sinh viên có 2 lần mua cơm thế này

 

Chủ căng tin tại KTX Mễ Trì (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, dịp hè, ít sinh viên ở nội trú nên mỗi tuần, chị nhập khoảng 200 hộp xốp đựng cơm, nhưng vào năm học thì chỉ 3-4 ngày là hết 200 hộp. Mỗi suất cơm mang đi có hộp xốp, thìa nhựa, túi nylon bọc ngoài, chỉ dùng 1 lần là đem bỏ.

 

20190731_221012.jpg
Mỗi ngày, mỗi sinh viên thải ra khá nhiều rác thải nhựa

 

20190731_111547_003_01.jpg
Suất cơm sinh viên được bọc bởi rất nhiều túi nylon, hộp xốp, cốc nhựa, thìa nhựa

 

Với những sinh viên thuê trọ bên ngoài, đồ nhựa và túi nylon là vật thiết yếu. Bạn Thúy Hậu (Đại học KHXH & NV Hà Nội) chia sẻ: “Rất nhiều đồ dùng trong nhà mình đều từ nhựa: hộp đựng đồ trong tủ lạnh, các chai dầu gội đầu, nước rửa bát.... Đó là những thứ mình biết là không tốt nhưng không thể từ chối, vì nó tiện dụng”.

 

20190731_220036.jpg
Đồ ăn vặt đựng trong hộp xốp được nhiều học sinh, sinh viên yêu thích

 

Bên cạnh đó, dịch vụ giao đồ ăn bùng nổ trong những năm gần đây cũng góp phần kha khá vào việc ‘làm đầy’ bãi rác. Bạn Vũ Hiền (Đại học Luật Hà Nội) kể: “Mình đặt cơm văn phòng. Lúc đến, shipper mang theo 1 cái túi bóng to gồm 2 hộp nhựa đựng canh, 1 thìa, 1 dĩa nhựa, 1 hộp xốp. Một bữa ăn mà thải ra bao nhiêu rác!”.

 

"Chẳng nghĩ sâu xa là nó có ảnh hưởng môi trường hay không”

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại các trường học.

 

20190731_215823.jpg
Cốc nhựa, ống hút nhựa vứt đầy gốc cây ở trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

 

Đầu tiên là do đa số sinh viên chưa thấy được tác hại trực tiếp của rác thải nhựa đối với môi trường sống xung quanh. Nhiều sinh viên còn không bỏ rác đúng nơi quy định chứ đừng nói đến việc thu gom và biết phân loại rác thải. Họ ỷ lại vào đội ngũ dọn vệ sinh, các cô chú lao công ở trường mình.

Thói quen sử dụng đồ nhựa hàng ngày cũng là một điều không thể bỏ qua. Khi đi mua nước uống như trà chanh, trà sữa,… ai cũng thấy dùng ly nhựa 1 lần sẽ tiện lợi hơn là mang bình nước cá nhân theo. Phương Linh (ĐH Hà Nội) cho biết, làm như vậy sẽ cảm thấy yên tâm hơn vì ‘luôn được dùng đồ mới’.

 

rac-thai-nhua.jpg
Với nhiều người trẻ, họ chỉ nghĩ đến sự tiện lợi mà không quan tâm tác hại đến môi trường

 

“Mình hay dùng đồ nhựa vì nghĩ đến sự tiện lợi của nó thôi. Không nghĩ sâu xa là nó có ảnh hưởng môi trường hay không”, Phương Linh thành thực.

Một nguyên nhân khác khiến nhựa bị lạm dụng trong đời sống rất nhiều là bởi giá rẻ. Những cốc nhựa một lần, hộp xốp đựng cơm chỉ 200-300 đồng/cái. Túi nylon cũng chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Điều này khiến các quán nước, quán cơm, quán ăn vặt sinh viên sử dụng thường xuyên để giảm thiểu chi phí. Với họ, lợi nhuận quan trọng hơn bảo vệ môi trường. 

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam, bình quân mỗi gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nylon/tháng. Riêng Hà Nội, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác nhựa và nylon.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm