pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chỉ đợi bà ngoại tôi qua đời, bác dâu liền vứt hết mọi thứ xuống mương
Trong cái ngõ nhỏ ở khu tập thể nhà máy diêm này không ai là không biết bà ngoại tôi. Bà từng là giáo viên mầm non, hiền lành và vô cùng chu đáo. Từ thế hệ bố mẹ tôi đến con cháu hầu như đứa nào cũng qua tay bà ngoại bón cháo thay tã. Nhiều người thương quý bà như mẹ nuôi, trưởng thành rồi vẫn qua thăm hỏi bà liên tục.
Ấy vậy mà vẫn có người ghét bà ngoại. Đó là bác dâu tôi, người duy nhất khó chịu với bà suốt mấy chục năm trời.
Tôi từng hỏi mẹ và các dì lý do tại sao bác dâu lại luôn gắt gỏng với bà nhưng chẳng ai rõ. Chỉ biết mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của họ rất tệ, bao năm chẳng cải thiện được tí gì.
Sống trong chính căn nhà của mình nhưng bà tôi lại là người phải nhịn nhục con dâu. Lắm khi hàng xóm bức xúc vì bác dâu nói hỗn với bà ngoại, hành xử thô lỗ với bà, nhưng chẳng ai khuyên được bác thay đổi. Đến bác trai cũng không nói được vợ, bất lực đến nỗi đòi ly hôn cả trăm lần rồi mà đều thất bại.
Nói như mẹ tôi là bác dâu “át vía” cả nhà. Bác ấy hơn chồng 2 tuổi, cao, gầy, giọng thì the thé như xé vải. Bác ít nói nhưng một khi đã nói là không có lời lẽ nào nhẹ nhàng. Chẳng ai làm gì bác dâu tôi cũng luôn lộ rõ nét cáu kỉnh trên mặt. Hình như từ lúc biết bác thì tôi chưa từng thấy bác cười.
Gần 40 tuổi bác mới đẻ con đầu lòng. Lúc ở viện về bác nói chỏng lỏn một câu với nhà tôi rằng “Xong nhiệm vụ nhé, từ giờ đừng ai đòi hỏi cái gì nữa”. Mãi sau này tôi nghe mẹ với 2 dì buôn dưa mới biết là bác dâu xuất thân nghèo khó, không có cha, ở với mẹ trong căn lều gần chợ nên tính cách bác từ nhỏ đã ghê gớm khó gần.
Lăn lộn ở khu chợ tạm ven sông bao năm khiến bác dâu ngày càng thô ráp. Ngoại hình bác không xấu nhưng do hoàn cảnh gia đình nên chẳng ai muốn rước. Vô tình gặp bác trai tôi cũng ế nên họ về chung một nhà với nhau. Bà ngoại tôi đón nhận bác rất cởi mở, chưa cưới về đã nói sẽ coi như con gái ruột. Thế mà bác dâu lại tỏ ra ích kỷ, luôn có tâm lý chống đối mẹ chồng và tự nghĩ rằng nhà chồng lấy mình về để làm “máy đẻ”. Mẹ tôi với các dì từng cãi nhau với bác dâu về chuyện đó, kết quả bà ngoại tôi đành lắc đầu mặc kệ.
Bà ngoại cần mẫn ở cạnh chăm sóc con dâu ở cữ nhưng cái gì bác cũng không hài lòng. Bác chê bà tôi già nên vụng, chân tay không sạch sẽ, lúc nào cũng sợ con bệnh tật do bà. Mọi người trong nhà góp ý rằng không nên chê bai bà như thế. Dù sao bà cũng nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ, không tin bà thì tin ai? Nhưng bác dâu chẳng thèm nghe câu nào hết.
Anh họ tôi lớn lên trong sự chiều chuộng vô lý của mẹ. Kết cục từ nhỏ đến lớn anh đã rất hư, hỗn với ông bà và nghịch phá liều lĩnh. Bác trai tôi hiền bao nhiêu thì vợ con bác ghê gớm bấy nhiêu. Bà ngoại dạy cháu toàn bị bác dâu can thiệp. Không cần biết con đúng hay sai, bác dâu luôn bênh con chằm chặp và phản ứng gay gắt với bà. Rồi mâu thuẫn giữa bác với bà ngày càng căng thẳng. Bà nhường nhịn không chấp thì bác càng lấn tới, có lần bác dám đuổi bà đi trước mặt bao nhiêu người.
Bà mắc tiểu đường đã nhiều năm. Thuốc men chạy chữa rất tốn kém nhưng đến giờ thì không chịu nổi nữa. Bà nằm liệt giường 7 tháng rồi, mẹ tôi với các dì thay phiên qua chăm sóc. Mọi người đề nghị lắp camera chỗ phòng ngủ của bà để theo dõi nhưng bác dâu không chịu. Sau đông đảo con cháu gây sức ép nên bác phải nhượng bộ, tuy nhiên bác rất hay rút nguồn cái cam với lý do “tốn tiền điện”.
Bà tôi yếu cần người giúp đỡ, bác dâu ở chung nhưng thờ ơ vô cùng. Nhiều lần cả nhà họp mặt căng thẳng để yêu cầu bác đối xử tử tế với bà ngoại, bác chỉ lạnh lùng nói “Biết vậy” xong thôi. Mẹ tôi với các dì bỏ tiền ra thuê người đến chăm bà thì bác dâu không cho, bác ra yêu sách nếu đem người lạ tới nhà thì phải mang bà ngoại đi chỗ khác.
Nói chung bác dâu khiến nội bộ gia đình bức xúc vô cùng. Mà khổ nỗi không ai làm gì được, bác dâu quá ngang ngược còn nhà tôi thì toàn người lành. Bà ngoại đến gần lúc lâm chung vẫn dặn con cháu bỏ qua cho bác. Bà luôn nghĩ con dâu khổ cực từ buổi lọt lòng nên dù tệ đến đâu thì bà cũng tha thứ. Ít ra bác chưa gây tổn hại gì đến bà, chỉ mỗi cái độc mồm và lãnh đạm thôi.
Bà tôi còn tốt đến nỗi di chúc vẫn để lại một phần tài sản cho bác dâu và anh họ. Riêng cái nhà thì bà để cho 4 người con, cho phép gia đình bác cả ở tiếp nhưng không được bán. Nếu bán phải có sự đồng thuận của 4 người và chia đều cho tất cả. Vợ chồng bác trai phải giữ gìn hương hỏa tổ tiên, trong đó có cả phần bà ngoại nữa.
Bác dâu được tiền thì chẳng ý kiến gì. Nhưng đến ngày bà mất thì bác phó mặc cho con cháu lo hậu sự. Bác gần như không tham gia hỗ trợ cái gì trong đám tang, chỉ mặc áo xô quấn khăn và lơ đễnh nhìn dòng người đông nghịt đến viếng mẹ chồng.
Bác đòi giữ hết tiền phúng điếu để “lo nhiều việc về sau” nhưng cả nhà cùng phản đối. Mẹ tôi cứng rắn nói toàn bộ tiền phúng sẽ do mẹ giữ, dùng cho đám giỗ của ông bà sau này và không ai được lấy tiêu vào mục đích riêng. Bác dâu tỏ vẻ không cam tâm, song sợ bị chỉ trích tham lam nên bác im lặng.
Tôi biết thừa bác muốn ôm khoản tiền phúng ấy về cho con trai. So với toàn bộ con cháu trong nhà thì anh họ tôi khá vô dụng, ăn bám 30 năm trời, thất nghiệp và lười biếng. Biết con hư hỏng nhưng bác dâu lại dung túng cho con ăn chơi phá phách. Tiếng xấu của anh bền vững như vậy nên dĩ nhiên nhà tôi không muốn cho xu nào rồi. Chẳng ai thèm nói ra nhưng tính anh họ tôi y như bản copy của bác dâu vậy.
Tưởng bà ngoại mất thì “sóng gió gia tộc” sẽ ngừng lại. Nhưng mộ bà vừa đắp xong chưa lâu thì bác dâu đã ném sạch đồ của bà ra mương rồi!
Mẹ tôi là người phát hiện ra chuyện động trời ấy. Biết rằng phong tục truyền thống phải bỏ đồ của người đã khuất đi không dùng nữa, song nhà tôi chẳng ai nghĩ bác dâu sẽ mạnh tay như vậy. Dì út xin bà bộ bàn ghế khảm trai quý giá từ lâu rồi, chưa kịp bê về thì đã thấy nó trôi lềnh bềnh dưới mương. Cái bếp từ xịn, bộ bát đĩa sứ xương đắt đỏ của bà cũng nằm gọn ở đáy bùn bẩn.
Mẹ tôi với các dì tức giận lắm. 3 người cùng kéo đến chất vấn chị dâu, nhưng bà bác ghê gớm của tôi chỉ lạnh lùng nói rằng “Cần đồ gì thì xuống mương mà nhặt”. Bác trai cũng phẫn nộ nhưng chỉ biết đứng nhìn, bởi vợ con lén làm chuyện tệ bạc ấy khi bác đi thanh toán nốt tiền đám ma.
Không biết bà ngoại trên trời cao có thấy cảnh chua xót này không nữa. Bà đã cố gắng làm mẹ chồng tử tế đến tận cuối đời. Vậy mà chẳng hiểu sao con dâu lại ghét bỏ bà đến mức như thế…