Chị em bán hàng online lao đao vì bị chặn tương tác

Ngọc Vân
06/08/2020 - 17:59
Chị em bán hàng online lao đao vì bị chặn tương tác

Chị em bán hàng online lao đao vì bị chặn tương tác. Ảnh minh họa

Hạn chế hiển thị các bài bán hàng, chặn tương tác, thậm chí còn khóa nick, chính sách siết chặt của mạng xã hội đã gây ảnh hưởng cho các chị em bán, mua hàng online.

Xem, mua hàng trên Facebook là thói quen của không ít chị em. Nhưng thời gian gần đây, những "tín đồ shopping" online thấy khá bất tiện khi thiếu vắng những bài post đăng bán hàng hiện lên trang cá nhân. 

"Từ rau củ, thịt cá, đến xà bông, mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng…, món gì trên chợ mạng cũng sẵn. Bình thường, chỉ cần lướt chuột tại trang cá nhân thôi cũng có thể mua được món hàng mình cần. Việc mua bán khá nhanh gọn, đơn giản. Tuy nhiên, từ khi Facebook kiểm soát chính sách, các bài đăng bán hàng hiện lên rất ít. Muốn mua gì lại phải lục tung danh sách bạn bè, tìm lại nick của những mối bán quen để đặt hàng, khá bất tiện và tốn thêm thời gian". Chị Lý Kim Minh (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.

Chị em bán hàng online lao đao vì bị chặn tương tác  - Ảnh 1.

Thông báo nhiều chị em nhận được khi đăng bài bán hàng online trên Facebook. Ảnh: N. Vân

Mua bán hàng online đã trở nên quen thuộc, đặc biệt là trong những ngày dịch bệnh, hình thức mua sắm này càng được khuyến khích. Song vào đúng thời gian "vàng" của chị em bán hàng online, Facebook đưa ra chính sách kiểm duyệt, siết mạnh với các bài đăng (post) rao bán hàng hóa, khiến nhiều chị em lao đao.

"Chỉ cần bài đăng có những từ như bán, mua, hàng, order, giá, tiền, ship…, ngay lập tức post đó bị chặn tương tác, rất ít bạn bè có thể đọc được", chị Thu Hà (chủ bếp bánh Nhà Mon) ngậm ngùi. Không chỉ có vậy, những bài đăng có hình ảnh những loại thực phẩm như cá, tôm, cua… cũng bị xem xét là vi phạm chính sách động vật, không được hiển thị. 

Chị Trần Lan Phương (An Dương, Ba Đình, Hà Nội) dùng tài khoản cá nhân trên facebook để bán các sản phẩm từ ngan, vịt. Chị chia sẻ, không hiểu vì vi phạm gì mà bị khóa nick mất 2 tuần. Vì chỉ bán hàng duy nhất trên mạng xã hội, hầu hết các thông tin của khách hàng đều được lưu trong các tin nhắn, bình luận, nên những ngày khóa nick, chị Phương như bị "trói chân, trói tay", không buôn bán gì luôn.

''Dù rất khó chịu vì chính sách kiểm duyệt bày của mạng xã hội, nhưng cũng chẳng thể làm gì được'' - chị Lan Phương giải thích. Vì từ khi dùng tài khoản cá nhân để bán hàng, tôi chưa phải trả đồng nào cho mạng xã hội cả. Mình sử dụng nền tảng của họ để bán hàng, thì mình phải theo luật chơi của họ thôi. Còn nếu thích tự do bán hàng, thì cần phải chạy quảng cáo và trả tiền cho họ.

Chị em bán hàng online lao đao vì bị chặn tương tác  - Ảnh 2.

Facebook là mạng xã hội nhiều người lựa chọn để bán hàng, kinh doanh. Ảnh minh họa

Nhưng trong cái khó, ló cái khôn. Để "qua cửa" kiểm duyệt, vài ngày gần đây, nhiều chiêu lách luật đã được chị em sáng tạo ra, để có thể tiếp tục đăng các bài bán hàng. Ví dụ, dùng các từ có nghĩa tương đương để né thuật toán của facebook như: Dá, zá, g.i.á thay cho từ giá; dùng từ ca (thay cho k, 50k sẽ dùng là 50 ca); bông hoa, cành hoa… thay cho từ tiền. Cẩn thận hơn, nhiều người cho các thông tin bán hàng xuống dưới phần bình luận hay dùng chiêu, sau khi được duyệt bài sẽ thay đổi nội dung, hình ảnh.

"Không biết cách này sử dụng được trong bao lâu, nhưng đây là biện pháp tình thế để bán được hàng, mong người mua cũng thông cảm", chị Đỗ Nga (chủ shop Thời trang Hàn Quốc) phân trần.

Nên tiếp cận đa kênh

Chọn thương mại điện tử là một trong những kênh quan trọng để tiếp cận khách hàng, theo chị Phạm Hương (thực phẩm Sfood), chị em nên tiếp cận và làm quen với bán hàng đa kênh. Thông thường, khi bắt đầu kinh doanh, bán hàng online, nhiều chị em thường lựa chọn Facebook vì đây là mạng xã hội phổ biến, được nhiều người sử dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đã lựa chọn bán hàng online như một công việc mang đến nguồn thu nhập cho gia đình mình, chị em nên chọn bán hàng trên nhiều nền tảng khác nhau. Đặc biệt là trong thời đại thương mại điện tử bùng nổ như hiện nay, chỉ bán hàng trên một nền tảng, độ rủi ro rất cao.

Hiện tại, có khá nhiều nền tảng hỗ trợ online, phù hợp để cá nhân và doanh nghiệp lựa chọn để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Ngoài website, Facebook, nếu chọn mạng xã hội, bạn có thể sử dụng thêm cả Zalo, Instagram. Nếu chọn các trang thương mại điện tử, bạn có thể đưa hàng lên Shopee, VinID, Lazada… Với những người kinh doanh ẩm thực, có thể nghiên cứu thêm Now, Grab Food, Baemin… Sử dụng cùng lúc nhiều nền tảng điện tử để kinh doanh sẽ giúp bạn tăng tiếp cận với khách hàng hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm