pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chi hội trưởng tận tâm với công tác Hội
Chị Lý (phải) tham gia bán hàng trong Ngày hội Thanh toán không dùng tiền mặt do Hội LHPN quận 12, TPHCM, tổ chức.
Trở lại công tác Hội sau nhiều năm điều trị ung thư
Chị Lý là người con của vùng đất anh hùng Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Năm 1993, chị vào TPHCM, kiếm sống bằng một tấm bạt trải đất trước chợ Thới An để bán quần áo, giày dép. Sau này chợ xây mới, chị tậu sạp hàng khang trang trong chợ và là Chi hội trưởng đầu tiên của Chi hội Phụ nữ chợ Thới An.
Chị Lý nhớ lại: "Hơn 10 năm trước, chợ rất nhộn nhịp. Tiểu thương tham gia sinh hoạt hội có cả trăm người. Tôi thường tổ chức cho chị em đi giao lưu với tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn để học hỏi nhau cách chào hàng, sắp xếp quầy sao cho bắt mắt và quản lý tài chính. Ở chợ, chúng tôi gom góp mở tủ bánh mì chay tặng bà con lao động nghèo, hỗ trợ quần áo, chi phí tàu xe cho khách bị lỡ đường".
Tai ương ập tới vào năm 2016, con trai của chị qua đời vì tai nạn giao thông. Khi đó con chị mới 18 tuổi, chuẩn bị thi đại học. Cú sốc quá lớn khiến chị Lý suy sụp tinh thần, buôn bán không còn vui vẻ, may mắn như trước. Chị cũng ngừng công tác Hội, chỉ tham gia trong vai trò hội viên.
Vừa vực dậy đôi chút thì đến năm 2021, chị Lý được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng. Đối diện cú sốc thứ 2 này, chị bình tĩnh hơn. Thay vì gò ép bản thân chịu đựng một mình, chị quyết định trở lại sinh hoạt Hội thường xuyên, gặp gỡ trò chuyện cởi mở với chị em. Bên cạnh quá trình điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, những hôm sức khoẻ ổn, chị cùng mọi người trồng cây, dọn dẹp rác, gỡ bảng quảng cáo, rao vặt dán trên cột điện quanh các tuyến đường Lê Thị Riêng, Trần Thị Cờ. Thỉnh thoảng, có chủ vườn rau điện thoại báo tặng mấy luống, chị lại cùng chị em tất tả tới cắt, bó thành từng bó đem về khu phố tặng những hộ khó khăn.
Từ tháng 4/2024, chị trở lại với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 8 (Thới An, quận 12, TPHCM). Hành trình trở lại với hoạt động Hội thật khó khăn nhưng đó là điểm tựa tinh thần, là động lực giúp chị vượt qua biến cố, mạnh mẽ vươn lên.
Thích ứng chuyển đổi số
Phải sang sạp để có tiền điều trị bệnh nên chị Lý chuyển qua bán hàng online, tự mày mò chụp hình, viết bài giới thiệu đăng trên zalo, facebook cá nhân. Khi sức khoẻ được cải thiện, chị livestream bán hàng, nhiều ngày không có đơn nào, cũng chạnh lòng nhưng chị quyết không nản.
Từ giữa năm 2023, chủ mới không kinh doanh, họ cho chị trở lại sạp hàng trong chợ Thới An ngồi bán mà không thu tiền thuê. Kết hợp bán trực tiếp, chị tranh thủ giờ trưa và tối để livestream thêm. Rút kinh nghiệm thời gian đầu có món gì cũng đem ra giới thiệu, giờ chị bán theo kiểu "mùa nào thức nấy", cộng với cách nói chuyện dí dỏm và chân chất nên kinh doanh có phần khởi sắc.
Chị luôn năng nổ, quan tâm các hoạt động xã hội, tận tâm với công tác Hội. Nhiều hoạt động, phong trào đã được chị triển khai hiệu quả. Chị hướng tới chuyển đổi số, tập hợp hội viên phụ nữ trên không gian mạng. Chi hội Phụ nữ khu phố 8 của chị đã vận động kinh phí tặng quà, tập trắng cho 80 học sinh trước thềm năm học mới. Chị Lý còn làm lớp trưởng lớp dạy nghề cắt tóc (miễn phí) do Hội LHPN quận 12 và Trường Trung cấp Lê Thị Riêng phối hợp mở tại phường Thới An. Chị đã chủ động lập nhóm chát zalo thông tin nội dung từng buổi học, quay clip phần giáo viên hướng dẫn thực hành để học viên không thể tới lớp vẫn theo dõi được.
Mong mỏi lớn nhất của chị Lý là sắp tới tiểu thương đồng lòng xây dựng kênh bán hàng trực tuyến chung cho cả chợ Thới An. Những chị em nào chưa thao tác trên điện thoại thông minh thành thạo, chị sẽ livestream chào hàng giúp trong những tháng đầu. Cứ thế, công việc nối tiếp nhau. Với chị Lý, bận rộn với hoạt động xã hội là cách vừa giúp đời vừa giúp mình.