pnvnonline@phunuvietnam.vn
Si Ma Cai: Chi hội trưởng phụ nữ vận động hội viên vào tổ hợp tác may thổ cẩm
Chị Giàng Thị Chấu, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Lao Chải, xã Sán Chải, đã có 20 năm đam mê với nghề may thổ cẩm
Nhiều hộ có chồng và con cùng tham gia tổ hợp tác may thổ cẩm
"Tôi được tín nhiệm nhiều năm là Chi hội trưởng phụ nữ thôn Lao Chải, có nhiều dịp cùng chị em sinh hoạt Chi hội, chia sẻ, trao đổi về giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con. Song, vấn đề các hội viên lo lắng nhất vẫn là kinh tế gia đình gặp khó khăn, nhất là lúc gia đình có người đau, ốm phải đi bệnh viện khiến không ít chị em suy sụp tinh thần. Với nghề may thổ cẩm của mình đã ổn định từ nhiều năm, giữa năm 2021, tôi quyết định thành lập tổ hợp tác may thổ cẩm và vận động hội viên trong Chi hội tham gia" - chị Giàng Thị Chấu chia sẻ.
Cùng với việc tỉ mỉ, kiên trì bên chiếc máy khâu mỗi ngày, chị Chấu còn tất bật kiểm tra, điều khiển hoạt động của xưởng may thổ cẩm của gia đình. Chị tự hào cho biết: "Rất nhiều hộ có cả thành viên là chồng và các con cùng tham gia và đều là thợ may giỏi. Thậm chí, có vài hộ người chồng còn là thợ may chính trong nhà. Tôi không có sự giúp đỡ của chồng do anh làm cán bộ xã, nhưng ở nhà tôi có sự hỗ trợ của con gái lớn học năm cuối cấp 3. Đồng thời, tôi thuê thêm 2 hội viên làm hàng ngày tại nhà với mình".
Lúc có nhiều đơn hàng, chị Chấu sẽ thuê thêm từ 5 đến 6 chị em hội viên đến hỗ trợ. Chị nào làm giỏi nhất, nhanh nhất sẽ làm được 3 đến 4 xâu hạt, được trả công từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Chị nào làm ít hơn, chậm hơn cũng kiếm được từ 100 - 150 nghìn đồng/ngày công.
Theo chị Giàng Thị Chấu, các thành viên trong tổ có trách nhiệm hỗ trợ nhau bất cứ thời điểm nào, hộ nào nhận được đơn hàng với số lượng lớn, sẽ báo cho tổ trưởng và chia số lượng hàng theo số thành viên từng hộ để hoàn thành đơn hàng đạt chất lượng và đúng kế hoạch. Chị tâm sự: "Trong tổ, tôi thường có đơn hàng đặt với số lượng lớn. Nhờ có tổ hợp tác may thổ cẩm hỗ trợ, tôi không còn quá căng thẳng, lo lắng khi nhận những đơn hàng lớn hoặc gặp lúc đông khách như trước. Ví như, có dịp tôi nhận đơn đặt hàng 20 bộ váy theo mẫu. Tôi sẽ may 5 bộ, còn lại chia cho các tổ viên may giúp, mỗi nhà từ 2 đến 3 bộ để đủ số lượng và kịp trả hàng cho khách đúng hẹn".
Bén duyên với nghề may thổ cẩm từ lúc về nhà chồng
Sinh ra và lớn lên ở huyện biên giới Si Ma Cai, cho đến khi học hết lớp 9, Giàng Thị Chấu vẫn chỉ quen theo bố mẹ lên nương làm rẫy, chăn nuôi để trang trải cuộc sống. Mỗi khi muốn có bộ váy áo đẹp, chị đều phải đợi bố mẹ tích góp đủ tiền mua cho vào dịp đón năm mới. Chưa bao giờ chị nghĩ, mình có thể tự dệt vải may đồ cho bản thân và cả gia đình, còn đam mê với nghề may thổ cẩm suốt 20 năm qua.
Chị bảo: "Tôi bén duyên với nghề may từ khi về nhà chồng, khi ấy em gái của chồng học cấp 3 và may rất giỏi. Từ việc giúp em chồng mang hàng gia công đi chợ bán, ngắm nhìn các hoa văn váy áo đẹp khi khách hàng mua, tôi về bảo cô ấy dạy học may. Lúc may được vài đường chỉ đầu tiên, rồi sản phẩm đầu tiên hoàn thành, tôi bắt đầu hứng thú và dành nhiều thời gian tự học may với mơ ước có nghề ổn định, có thu nhập để cùng chồng yên tâm nuôi các con ăn học".
Khi quyết định đến với nghề may, chị Giàng Thị Chấu đã ra thành phố Lào Cai, cách nhà hàng trăm cây số, để học lớp may sơ cấp trong 3 tháng. Sau khi kết thúc khóa học, chị tiếp tục lên mạng internet học thêm cách thiết kế, cắt may thời trang. "Mỗi lần thiết kế một bộ váy áo mới, tôi phải suy nghĩ nhiều ngày đêm mới hoàn thành 1 sản phẩm. Sau đó, tôi cắt may thử, rồi giới thiệu lên mạng xem khách hàng có thích không? Nếu có nhiều người hỏi mua mẫu đó, tôi lại may thêm nhiều bộ khác theo các size lớn, nhỏ khác nhau để phù hợp với nhiều chị em" - chị Giàng Thị Chấu bộc bạch.
Chị Chấu cho biết, theo xu hướng hiện nay, chị em người Mông thích mặc váy áo có màu sắc sặc sỡ như hồng, trắng, đỏ, xanh, vàng… Lớp bạn trẻ lại thích mặc những bộ váy ngắn hơn, phù hợp đi lại nhẹ nhàng, duyên dáng, vải cũng mềm mại chứ không thô cứng, nặng và dày như trước.
"Hiện nay, trong kho của tôi, bộ váy trắng giống kiểu dáng tiểu thư, công chúa đang bán chạy nhất. Bộ này may bằng chất liệu vải kim sa, hoa văn nhập từ nước ngoài về. Họ thêu hoa văn bằng máy mà giống hệt như thêu bằng tay, nhìn rất trang nhã mà vẫn sang. Chị em có thể mặc trong đám cưới, dịp lễ hội hay chơi Tết đều phù hợp" - chị Giàng Thị Chấu vừa nói, vừa giơ chiếc váy màu trắng nổi bật nhất trong kho hàng sản phẩm của mình.
Các sản phẩm của chị Chấu hiện đang được bán ở một số tỉnh miền núi như Hà Giang, Lào Cai, Đăk Lăk. Giá bán từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/bộ, tùy kèm theo phụ kiện như mũ, vòng cổ, vòng tay….
Muốn tự tay dệt được vải thổ cẩm có hoa văn đẹp như ý mình
Để giữ nghề và phát triển nghề may thổ cẩm của đồng bào dân tộc miền núi, đầu năm 2023, chị Chấu mạnh dạn đầu tư mua máy dệt thổ cẩm với giá hơn 240 triệu đồng. "Muốn thành công thì phải liều thôi, vì tôi muốn tự tay dệt được vải thổ cẩm có hoa văn đẹp, chất lượng như ý của mình và khách hàng. Ngoài số vốn tích lũy của gia đình hơn 100 triệu đồng, tôi đã vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng nghề" - chị Giàng Thị Chấu cho biết.
Lúc mới nhận máy về, chị phải nhờ cậu em đang sinh sống ở huyện Bắc Hà đến hướng dẫn cách vận hành. Bây giờ chị đã làm thành thạo, còn dạy con gái lớn khi đi học về thì hỗ trợ mẹ đứng máy dệt vải. Chị Chấu cho biết thêm: "Máy dệt thổ cẩm này, ngoài phục vụ nhu cầu cung cấp vải cho khách hàng của gia đình chị, còn cung cấp đủ nguyên liệu vải dệt cho các tổ viên trong tổ hợp tác. Nhà nào của tổ viên cũng có 2 máy khâu, nên máy dệt thổ cẩm của tôi cũng phải chạy liên tục mới đủ số lượng sản phẩm cung cấp cho cả tổ".
Để bán được hàng, theo chị Chấu, ngoài khách quen ở thành phố Lào Cai và các tỉnh lân cận, thì gần đây, con gái lớn thường giúp chị quay video giới thiệu sản phẩm trực tiếp trên mạng xã hội như Tiktok, Facebook...
Chị Chấu chiêm nghiệm: "Làm nghề may thổ cẩm đòi hỏi rất kỳ công, từ khâu thiết kế hoa văn, chọn chất liệu vải hay màu sắc phù hợp với người tiêu dùng, nên sản phẩm không thể làm ồ ạt, mà phải tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. Ngoài đam mê với nghề, người làm phải biết thiết kế, học hỏi và cập nhật, nhạy cảm với xu hướng thời trang mới. Hơn nữa, phải thật chịu khó, kiên trì, bởi có lúc phải thức đêm làm may, dệt vải mới kịp trả hàng cho khách.
Là Chi hội trưởng phụ nữ thôn, lại là tổ trưởng tổ hợp tác, tôi rất vui khi tạo đã vận động được hội viên có hoàn cảnh khó khăn có việc làm ở nhà, có thu nhập ổn định. Nhiều hội viên đã trang trải được việc khó, cấp bách của gia đình, yên tâm nuôi dạy con cái ăn học nên người".