pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạo sinh kế cho phụ nữ Dao Tiền qua việc “hồi sinh” nghề dệt thổ cẩm
Nghề dệt thổ cẩm giúp tạo sinh tế cho chị em phụ nữ dân tộc Dao Tiền
Hồi sinh nghề dệt thổ cẩm, tạo sinh kế cho phụ nữ Dao Tiền ở huyện Đà Bắc, Hoà Bình.
Nghề dệt thổ cẩm "hồi sinh"
Xóm Sưng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ của núi rừng Tây Bắc. Đến với nơi đây, du khách sẽ không khỏi thích thú, cuốn hút bởi hoạt động dệt thổ cẩm, nhuộm vải cùng những người phụ nữ trong Tổ hợp tác (THT) thổ cẩm Dao Tiền.
Các sản phẩm thổ cẩm mang nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao Tiền được tạo ra bởi những đôi tay khéo léo, tỉ mỉ của những người phụ nữ ở xóm Sưng. Không chỉ góp phần "hồi sinh" nghề dệt truyền thống mà công việc này còn tạo việc làm cho nhiều nữ lao động người Dao Tiền nơi đây.
Theo chị Lý Thị Hằng, Tổ trưởng THT thổ cẩm Dao Tiền, cho biết, trước đây, bà con xóm Sưng dệt thổ cẩm chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt thường ngày hoặc làm quà tặng. Kinh tế chủ yếu làm làm nương rẫy, chăn nuôi, trồng trọt nên cái nghèo, cái đói đeo bám quanh năm. Mấy năm trở lại đây, nhờ giao thông thuận tiện, mạng xã hội phát triển, du khách biết đến xóm Sưng nhiều hơn, ngày càng nhiều người đến thăm quan, trải nghiệm cuộc sống, văn hoá của người Dao Tiền.
Phấn khởi khi nói về nghề dệt thổ cẩm, chị Hằng chia sẻ rằng, các du khách khi đến với bản Sưng đều tỏ ra thích thú, ấn tượng với các hoạ tiết thêu trên váy áo của phụ nữ Dao Tiền. "Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng liên kết với các hộ gia đình có nghề dệt thổ cẩm, mỗi hộ phụ trách 1 công đoạn, cùng nhau sản xuất các sản phẩm thủ công như: Váy áo, túi xách, khăn quàng… có thêu các hoạ tiết đặc trưng để chào bán cho du khách trong và ngoài nước làm kỷ niệm, đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với những sản phẩm từ nông nghiệp", chị Hằng thông tin.
Chị Hằng chia sẻ thêm, họa tiết trang trí trên váy áo và đồ trang sức của người Dao Tiền chủ yếu là hình sóng nước, đường zích zắc, cây thông, dê, chim... Mỗi họa tiết trên các sản phẩm thổ cẩm đều chứa đựng câu chuyện về cuộc sống, ý nghĩa sâu xa của người Dao Tiền trong việc du canh du cư, tìm cuộc sống tốt đẹp. Hình ảnh hoa văn sóng nước trên chân váy của người Dao Tiền chính là hóa thạch văn hóa, chứ không chỉ đơn giản mang ý nghĩa trang trí.
Còn chị Lý Thị Nhơn cho biết, từ nhỏ, chị em trong xóm đã được các bậc tiền bối truyền lại cho nghề dệt thổ cẩm để tự dệt vải, nhuộm chàm, thêu hoa văn, đường viền, trang trí trên váy áo của mình, phục vụ sinh hoạt hằng ngày cũng như trong các dịp lễ hội. Bởi vậy mà ở xóm Sưng ai cũng thành thạo, lành nghề.
Chị Nhơn chia sẻ thêm, để làm nên một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, phụ nữ Dao Tiền phải chuẩn bị nguyên liệu vô cùng tỉ mỉ. Ví dụ sáp ong dùng để in hoa văn bắt buộc phải lấy sáp của con ong Khoái trên rừng, nếu dùng sáp ong nuôi sẽ dễ bị bong tróc. Quá trình nhuộm nhàm cũng rất mất thời gian, nhanh thì ít nhất 20 ngày, chậm phải mất cả tháng thì vải mới ăn chàm.
"Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo và chuyên tâm mới có tấm vải dệt chỉ đều tăm tắp. Trên mỗi sản phẩm, chúng tôi ứng dụng các kỹ thuật thêu hoa văn vào sản xuất túi xách, mũ vải, khăn quàng cổ, khăn trải bàn... nhằm giới thiệu đến du khách thăm quan, trải nghiệm", chị Nhơn cho biết.
Hướng đi mới trong phát triển kinh tế
Tháng 1/2023, THT thổ cẩm Dao Tiền được thành lập với 12 thành viên, các sản phẩm của THT trở thành hàng hóa độc đáo quảng bá trên các mạng xã hội, được nhiều du khách biết đến. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ việc bán các sản phẩm thổ cẩm đạt trên 100 triệu đồng, chưa kể từ các dịch vụ hướng dẫn du khách trải nghiệm nhuộm vải, dệt thổ cẩm, lưu trú tại địa phương.
Ông Lý Văn Nghĩa, Trưởng xóm Sưng thông tin, trên địa bàn xóm có 77 hộ, với 395 nhân khẩu. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, xóm Sưng đã được đầu tư một số tuyến đường, nhất là tuyến đường từ trung tâm xã Cao Sơn vào xóm Sưng giúp giao thông thuận tiện, phát triển giao thương, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan trải nghiệm, thúc đẩy du lịch cộng đồng.
Theo ông Nghĩa, THT thổ cẩm Dao Tiền đã truyền cảm hứng, thúc đẩy chị em xóm Sưng nỗ lực sản xuất, lao động để cải thiện thu nhập. Hiệu quả kinh tế mà THT thổ cẩm Dao Tiền mang lại có thể còn khiêm tốn. Tuy nhiên, THT cùng các thành viên đã nỗ lực gìn giữ, phát huy được ngành nghề truyền thống của dân tộc mình, giữ gìn bản sắc dân tộc. Quan trọng nhất, THT đã giúp lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương có việc làm ổn định, cải thiện thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ông Nghĩa mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông tại xóm Sưng, sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các "mạnh thường quân" về kinh phí, kinh nghiệm cho bà con xóm Sưng phát triển du lịch cộng đồng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống… tạo sinh kế cho người dân, từng bước ổn định, có cuộc sống đủ đầy.