Văn Bàn là huyện vùng sâu của tỉnh Lào Cai với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Chị Năm cho biết, trước đây, thu nhập của gia đình chị cũng như các hộ dân ở Khánh Yên Thượng, chủ yếu trông chờ vào lúa ngô và chăn nuôi ở quy mô tự phát và rất nhỏ. Xuất phát từ chủ trương của huyện, ba năm trước, chị được Trung tâm dạy nghề và Dịch vụ việc làm của Hội LHPN tỉnh cho đi học nghề chế biến tương ớt của Mường Khương, một đặc sản nổi tiếng của vùng cao Tây Bắc.
Học xong, chị vào tổ sản xuất tương ớt ở xã để tiến hành làm theo mô hình đã được học nhưng các tổ viên cứ dần bỏ cuộc. Ban đầu có 22 người tham gia nhưng về sau chỉ còn vài người, bởi sản xuất tương ớt không hiệu quả, thu nhập không đủ sống nên ai cũng chán nản. Riêng chị Năm suy nghĩ, đã là nghề mà Hội LHPN tỉnh nghiên cứu để đưa đến phổ cập cho người dân thì chắc chắn đã tính đến hiệu quả rồi, chỉ là người dân chưa hoàn toàn tin tưởng, cũng chưa làm đúng cách hoặc chưa đủ kiên trì nên mới chưa đạt hiệu quả như ý muốn. Nghĩ như vậy, chị Năm vẫn tiếp tục sản xuất tương ớt và bám trụ với hợp tác xã.
Chị kể: “Sau khi học xong, tôi được tập huấn từ khâu trồng ớt đến làm tương. Tập huấn từ năm 2015 đến năm 2018, cán bộ Hội phụ nữ huyện cho chuyển máy làm tương lên xã Hòa Mạc để chị em phụ nữ xã cùng làm, nhưng vận động mãi một số chị em mới chịu trồng ớt, sau đó vận hành máy để làm tương ớt. Việc vận động chị em dân tộc ít người làm quen với cái mới là rất khó nhưng nếu không hướng dẫn họ làm đến cùng thì không thể đưa chị em thoát nghèo được. Vì thế tôi nghĩ, mình làm được thì cũng phải hướng dẫn người khác làm được, nên cứ tiếp tục cố gắng”.
Chia sẻ về những khó khăn ban đầu khi vận động chị em phụ nữ ở huyện Văn Bàn cùng sản xuất đặc sản tương ớt Khánh Yên Thượng, chị cũng cho biết, chị đã liên kết với Hội phụ nữ tỉnh Lào Cai, Hội phụ nữ huyện Văn Bàn để được hỗ trợ máy sản xuất tương ớt, đồng thời nhờ các kênh của phụ nữ tỉnh, huyện tuyên truyền, bán đặc sản tương ớt Khánh Yên.
Tương ớt Khánh Yên Thượng là tương ớt nguyên chất và có đặc trưng riêng bởi ớt trồng ở Văn Bàn cũng là loại ớt cay, thơm, rất đặc biệt. Quả ớt do bà con trực tiếp trồng ngay tại địa phương, không có hóa chất nên khách hàng yên tâm sử dụng.
Tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo
Chị cho biết: “Trước đây chỉ trồng lúa, ngô cho nên cuộc sống gia đình tôi khó khăn lắm. Từ khi chuyển đổi sang làm tương ớt, thu nhập của gia đình ổn định và cao hơn. Không những thế, làm tương ớt còn tận dụng được nhiều lao động và nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà. Vừa tăng thu nhập cho gia đình lại tiêu thụ được nguyên liệu cho bà con xung quanh nhà".
Hiện nay, cơ sở sản xuất tương ớt của chị Năm ở thôn Nà Lộc, xã Khánh Yên Thượng đi vào hoạt động với gần 20 hộ gia đình tham gia. Từ mô hình sản xuất này, nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng ớt, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định và cao hơn. Những chân ruộng trồng lúa kém hiệu quả cũng chuyển sang canh tác cây ớt. Quả ớt không chỉ còn là một loại cây gia vị để phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày mà đã trở thành một loại cây hàng hóa mang lại giá trị kinh tế ổn định cho bà con nhân dân thôn Nà Lộc.
Giờ đây, chị Hoàng Thị Năm không những tự giúp mình làm kinh tế từ việc trồng cây ớt, làm tương ớt mà còn giúp bà con quanh mình học nghề, sống được bằng nghề, làm ra sản phẩm từ nguyên liệu của đặc sản của vùng Khánh Yên Thượng.
Chị Năm chia sẻ, làm ớt rất vất vả vì cay mắt vô cùng, mà không có cách nào làm giảm độ cay khi nghiền. Nhưng rồi cứ làm mà thành quen tay, quen vị cay trong mắt, không những thế, trong tương ớt còn phải có tỏi, mà nhất định là tỏi ta mới ngon, thế nên độ cay mắt càng tăng khi nghiền trộn nguyên liệu.
Được biết, cứ 100kg quả ớt nghiền ra được 100 lít tương, lãi không nhiều nhưng bán hàng đều tay nên kinh tế gia đình cũng cải thiện.
Cũng nhờ Hội phụ nữ xã và tỉnh giúp đỡ nên đầu ra của sản phẩm Tương ớt Khánh Yên Thượng khá đều, nhất là từ khi có thương hiệu, có mã vạch thì lượng tiêu thụ đều ổn. Sản phẩm được các quán cơm, quán phở quanh xã và khách du lịch, khách hàng ở tỉnh Lào Cai, thành phố Hà Nội và cả trong miền Nam tìm mua vì đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.