Chi phí nuôi dạy con ở Trung Quốc cao hơn cả ở Mỹ và Nhật

Kim Ngọc
02/03/2022 - 08:33
Chi phí nuôi dạy con ở Trung Quốc cao hơn cả ở Mỹ và Nhật

Trẻ em tại sân chơi bên trong khu phức hợp mua sắm ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS/Aly Song

Nghiên cứu mới cho thấy chi phí nuôi con đến 18 tuổi ở Trung Quốc cao hơn ở Mỹ hay Nhật.

Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc cao gần gấp 7 lần GDP bình quân đầu người của nước này, cao hơn nhiều so với Mỹ và Nhật Bản. Theo một nghiên cứu mới đây, điều này nêu bật những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt khi cố gắng giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm nhanh.

Chi phí nuôi con gấp 6,9 lần GPD bình quân đầu người

Viện Nghiên cứu Dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết trong một báo cáo được công bố mới đây rằng chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi ở Trung Quốc vào năm 2019 là 485.000 nhân dân tệ (hơn 1,7 tỷ đồng) đối với con đầu lòng. Với GDP bình quân đầu người năm 2019 là 70.300 nhân dân tệ (hơn 254 triệu đồng), chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi là gấp 6,9 lần GDP bình quân đầu người của Trung Quốc trong năm này.

Báo cáo so sánh số liệu với 13 quốc gia khác ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ, cho thấy Trung Quốc đứng thứ hai trong số tất cả các quốc gia này về chi phí cho việc nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi. Hàn Quốc đứng đầu với chi phí cho việc nuôi con đến 18 tuổi gấp 7,79 lần GDP bình quân đầu người. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc hiện thấp nhất thế giới, là 0,84 vào năm 2020. Trong khi đó, chi phí cho nuôi con ở Mỹ, dựa trên số liệu năm 2015, ở mức gấp 4,11 lần GDP bình quân đầu người trong khi ở Nhật Bản gấp 4,26- dựa trên số liệu năm 2010.

Ở các thành phố lớn của Trung Quốc, chi phí nuôi dạy trẻ thậm chí còn cao hơn: lên tới hơn 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,6 tỷ đồng) ở Thượng Hải và 969.000 nhân dân tệ (hơn 3,5 tỷ đồng) ở Bắc Kinh. Tỷ lệ sinh ở hai thành phố này thậm chí còn thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Một bà mẹ chia sẻ trên Weibo (tương tự Twitter) rằng cô nghĩ chi phí nuôi dạy trẻ ở Bắc Kinh thậm chí còn cao hơn so với báo cáo đề xuất. "Với những tính toán này, tôi khó có thể nghĩ đến chuyện có con thứ hai. Thật ngạc nhiên nếu bất kỳ gia đình nào muốn có con thứ ba".

Chi phí nuôi con ở Trung Quốc cao hơn cả ở Mỹ hay Nhật  - Ảnh 1.

Trẻ em mẫu giáo chào đón Tết Nguyên Tiêu ở thành phố Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc,

Áp lực kinh tế và xã hội do tỷ lệ sinh giảm

YuWa cảnh báo tỷ lệ sinh giảm sẽ "ảnh hưởng sâu sắc" đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế, khả năng đổi mới và gánh nặng phúc lợi của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ cần chi ít nhất 5% GDP hàng năm để tạo động lực cho các cặp vợ chồng sinh thêm con, bao gồm trợ cấp giáo dục, lãi suất thế chấp ưu đãi, giảm thuế, nghỉ thai sản cho cha và mẹ, cũng như xây dựng thêm các trung tâm chăm sóc trẻ em.

Các chuyên gia cảnh báo tình hình dân số già ở Trung Quốc sẽ gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế và an sinh xã hội, trong khi lực lượng lao động giảm cũng có thể hạn chế nghiêm trọng đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong những thập kỷ tới.

Mặc dù các chính sách mới cho phép các gia đình có tối đa 3 con, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm xuống còn 7,52 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2021, mức thấp nhất kể từ khi Cục Thống kê quốc gia bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 1949. Chưa kể trong năm 2020, Trung Quốc có tổng cộng 8,14 triệu cuộc hôn nhân được đăng ký, ít hơn 1,13 triệu so với năm 2019 và là năm thứ bảy giảm liên tiếp kể từ năm 2013.

Kể từ khi chính phủ nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép mỗi cặp vợ chồng có tối đa ba con vào tháng 5 năm ngoái, một số tỉnh và thành phố đã triển khai các biện pháp khuyến khích. Các cặp vợ chồng ở một ngôi làng ở tỉnh Quảng Đông đã nhận được 3.300 nhân dân tệ (gần 12 triệu đồng) mỗi tháng cho mỗi đứa trẻ sinh ra kể từ ngày 1/9/2021. Tháng 7 năm ngoái, thị trấn Phàn Chi Hoa ở tỉnh Tứ Xuyên đã công bố hàng tháng sẽ hỗ trợ 500 nhân dân tệ (khoảng 1,8 triệu đồng) tiền mặt cho các gia đình địa phương sinh con thứ hai hoặc thứ ba cho đến khi tròn 3 tuổi.

Chi phí nuôi dạy trẻ cao ngất ngưởng cũng là lý do khiến Bắc Kinh mạnh tay với dạy thêm, học thêm.

Nguồn: Reuters, Global Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm