"Chìa khóa" thành công trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện

PV
08/11/2021 - 18:54
"Chìa khóa" thành công trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện

Hoạt động truyền thông, vận động người dân tham ga BHXH tự nguyện. Ảnh BHXH

Công tác truyền thông, vận động người tham gia của ngành BHXH Việt Nam đang có hướng đi đúng và hiệu quả, góp phần đảm bảo việc thực hiện mục tiêu "kép", vừa mở rộng hiệu quả diện bao phủ người tham gia BHXH tự nguyện, vừa đảm bảo đúng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Chính sách BHXH tự nguyện đang được đánh giá là có sự phát triển vượt bậc. Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: từ khi Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH được ban hành, số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng toàn diện bởi dịch Covid-19. Năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 28- toàn quốc đạt trên 277.000 người tham gia. Đến năm 2020, đã có trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu năm 2021 Nghị quyết số 28 đặt ra.

Xác định công tác truyền thông là "chìa khoá" để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông. Trong đó, bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện công tác truyền thông BHXH, các hoạt động truyền thông của ngành BHXH Việt Nam được triển khai chuyên nghiệp bài bản, linh hoạt, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí để kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc.

"Chìa khóa" thành công trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện - Ảnh 1.

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, các hoạt động truyền thông chính sách BHXH của ngành BHXH Việt Nam những năm qua đã bám sát nội dung các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH tự nguyện. Qua đó, công tác truyền thông đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chính sách BHXH tự nguyện đến với các tầng lớp nhân dân và người lao động; góp phần nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân, người lao động trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện; giúp người dân, người lao động nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện đối với bản thân và gia đình, từ đó tự giác tham gia như một nhu cầu tất yếu để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.

Đặc biệt, các hoạt động truyền thông của ngành BHXH Việt Nam luôn được quan tâm triển khai theo hướng chuyên nghiệp bài bản, linh hoạt, thân thiện; trong đó có nhiều điểm nhấn đáng chú ý, cụ thể:

Thứ nhất, công tác phối hợp truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN với các cơ quan thông tấn, báo chí đã có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả tốt. Trong đó có rất nhiều tin, bài, phóng sự, chương trình… phản ánh, làm rõ về lợi ích, tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện giúp người dân, người lao động tự do hiểu và tích cực tham gia; nhiều phóng sự, bài viết được thể hiện sinh động qua các dạng bài báo chí hiện đại (Megastory/Emagazine, Infographic,…) đã giúp các sản phẩm truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN trở nên hấp dẫn, thân thiện và dễ tiếp cận tới độc giả.

"Chìa khóa" thành công trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện - Ảnh 2.

-Đầu năm 2021 đến nay, hơn 20.500 tin, bài, phóng sự, chương trình… được đăng tải/phát sóng về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

- Năm 2020, có khoảng 120 hội nghị, hội thảo, toạ đàm, tư vấn, đối thoại… truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT được tổ chức, thu hút khoảng 24.000 lượt người tham dự.

-Đến nay, có hơn 6.700 kênh truyền thông mạng xã hội Fanpage Facebook, Zalo OA, Youtube của BHXH các tỉnh, thành phố và của cá nhân trong toàn Ngành.

Thứ hai, công tác phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cũng ngày được mở rộng, phát huy hiệu quả quan trọng trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, nhóm người truyền thông được hướng đến là phụ nữ, nông dân, ngư dân, diêm dân, người lao động trong các làng nghề, xã viên hợp tác xã…

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường truyền thông trực tuyến phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại từng địa phương và xu thế truyền thông hiện đại. Theo đó, hình thức truyền thông trên mạng xã hội được chú trọng thực hiện với việc sản xuất, phát hành các sản phẩm truyền thông online (các sản phẩm báo chí hiện đại; các chương trình livestream tuyên truyền BHXH tự nguyện; các viral clip, motion graphic,...).

"Chìa khóa" thành công trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện - Ảnh 4.

Một hình thức truyền thông BHXH

Nhờ những kết quả tích cực nêu trên, trong 10 tháng đầu năm 2021, tuy công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT của Ngành gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng tính đến ngày 21/10, toàn quốc đã có 1,206 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 69% kế hoạch được giao. Những con số này tiếp tục khẳng định rõ nét vai trò "then chốt" của công tác truyền thông chính sách BHXH trong việc phát triển hiệu quả người tham gia BHXH tự nguyện thời gian qua.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm