“Chìa khóa” xoay ngược câu trả lời “Con không biết”

14/12/2017 - 09:37
Nhiều cha mẹ hỏi con, nói chuyện với con để mong con chia sẻ, nhưng họ nhận được câu trả lời "Con không biết", điều đó đồng nghĩa với việc con không muốn chia sẻ và giao tiếp. Tuy nhiên, vẫn có “mẹo” để khắc phục vấn đề này.
doncon-o-truong.jpg
Cha mẹ phải có cách "moi" thông tin về chuyện trường lớp của con khi con trả lời "Con không biết". Ảnh minh họa

Trước câu trả lời “Con không biết”, nhiều cha mẹ không biết gợi mở thế nào để cuộc nói chuyện tiếp diễn. Nhiều cha mẹ nghĩ là bé không biết gì hoặc trẻ không muốn nói, phớt lờ câu trả lời của bé. Những lần sau, trẻ cũng chỉ sử dụng câu trả lời tương tự cho những câu hỏi bắt đầu với “tại sao”, “như thế nào” hoặc một số từ trong câu hỏi làm trẻ chưa hiểu.

Theo bác sĩ Anh Nguyễn (Vương quốc Anh), việc mở lòng chia sẻ sẽ hỗ trợ tích cực trong việc giao tiếp. Những đứa trẻ được quan tâm và lắng nghe về việc làm, suy nghĩ và quyết định sẽ rất tự tin và ít gặp các vấn đề bạo hành ở trường và xã hội. Vì vậy, muốn bé chia sẻ thông tin chi tiết về ngày học ở trường, cha mẹ hãy thay thế những câu hỏi bắt đầu với từ “tại sao” hoặc “như thế nào” với các câu hỏi chia tiết như sau:

Khi muốn biết chi tiết về ai, cha mẹ nên gợi ý cho bé vài cái tên để gợi nhớ bé và hỗ trợ bé sắp xếp câu trả lời: Ai chơi xây lâu đài cát với con nhỉ? Bé Bi hay bé Na?

Khi cha mẹ muốn biết những thay đổi trong ngày hôm nay, thì bắt đầu với những câu hỏi mang tính chất thay đổi, để bé có thể nhận ra là sẽ kể những thay đổi trong ngày: Cô giáo con mặc áo dài màu gì hôm nay? Cô không mặc áo màu hồng như mọi khi hả con?

Khi cha mẹ muốn giải thích cho bé hiểu việc gì hoặc hiểu một cuộc ẩu đả mà bé đã làm ở trường, thì bắt đầu với món đồ tranh chấp và nêu tên những người bạn tranh chấp của bé (để hiểu điều này, cha mẹ nên hỏi kĩ cô giáo về cuộc ẩu đả này): Con thích chiếc xe tải màu xanh đúng không? Bạn Bi muốn chơi cùng con hay muốn con cho bạn ấy xem thử? (Nếu ngày hôm nay bạn nghe cô giáo của bé phản ánh là bé giành đồ chơi với bạn).

Khi cha mẹ muốn biết về những vết thương xảy ra với bé là do tai nạn hay do ai đó bạo hành, cha mẹ hãy tập trung vào những câu hỏi xung quanh vết thương trước. Khi cha mẹ hỏi những câu hỏi về vết thương và tỏ sự thông cảm, bé sẽ dễ dàng kể cho cha mẹ nghe do đâu bé bị đau, ai giúp bé, và những việc phía sau nữa. Tuy nhiên, cha mẹ nên bình tĩnh, tránh thể hiện sự giận dữ hoặc “đòi nói chuyện với cô” trước mặt bé vì khi cha mẹ làm điều này vô tình đẩy bé vào trạng thái sợ hãi, co người lại và tránh chia sẻ với cha mẹ không chỉ lần này mà cả những lần sau.

Cha mẹ nên thể hiện sự quan tâm như: Con có đau không, để mẹ lấy kem thoa cho con nhé! Con có bị chảy máu nhiều không? Ai gọi cô giáo giúp con? Con có gặp cô y tá không?

con-buon.jpg
Khi con có chuyện buồn, hãy để con được khóc thoải mái. Ảnh minh họa

Nếu cha mẹ muốn trẻ chia sẻ những cảm xúc trẻ trải qua trên lớp, dưới đây là cách gợi mở:

  1. Khi cha mẹ thấy bé rất vui và khuôn mặt bé rạng ngời khi đón bé, cha mẹ hãy kể cho bé nghe về 1 chuyện vui của bạn trước khi hỏi chuyện vui của bé. Sau đó, đợi đến giờ ăn cơm tối, cha mẹ hãy hỏi chuyện vui của con. Điều này sẽ giúp bé mở lòng và cảm thấy thân thiện hơn khi chia sẻ điều gì với mẹ vì mẹ đã chủ động chia sẻ niềm vui của mẹ với bé. Hơn nữa, việc đợi 1 thời gian ngắn mới hỏi lại bé sẽ giúp bé biết cách giữ niềm vui đó lâu hơn, bé cũng có thời gian sắp xếp sự diễn đạt cho mẹ và bé cũng sẽ vui hơn vì: Mẹ không hề quên, hay phớt lờ cảm xúc của bé, mẹ vẫn nhớ và muốn bé chia sẻ. Đó là cách rèn luyện cảm xúc ở đứa trẻ khi gặp niềm vui hạnh phúc, bé cần học cách giữ và lắng nghe câu chuyện của người khác trước.
  2. Khi cha mẹ thấy bé buồn hoặc ít nói khi đón bé, cha mẹ hãy dẫn bé đến nơi mà bé thích như quán ăn, khu vui chơi, nhà sách… Lí do cha mẹ dụ bé đến nơi bé thích không nên là do bé buồn mới đến, chỉ đơn giản là cần giải trí, cần ăn no… Khi đến nơi, cha mẹ dành thời gian cùng chơi hoặc cùng ăn với bé trước. Sau đó, cha mẹ có thể gợi ý bằng những câu chuyện tương tự của mình để bé tìm được sự đồng cảm và chia sẻ. Khi bé buồn, tốt nhất cứ để bé khóc.

Lợi ích của việc hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của trẻ trải qua trên lớp là cách cha mẹ cho bé biết bé không đơn độc khi xa cha mẹ.

Nghiên cứu của Viện Giáo dục Quốc gia Mỹ cho biết: Những đứa trẻ từng bị bạo hành học đường vẫn tiếp tục bị bạo hành dù người gây ra bạo lực đã bị xử lý. Lí giải cho điều này là: Chúng ta chỉ giải quyết hậu quả, mà không cung cấp hoặc trang bị cho trẻ kĩ năng bảo vệ mình, đó chính là sự chia sẻ của trẻ với bạn. Khi trẻ chịu nói chuyện và tâm sự với bạn, bạn sẽ dễ nhận ra vấn đề và những thay đổi trong cảm xúc của trẻ và bạn sẽ giải quyết tốt vấn đề. Những lần sau, bé cũng dễ dàng chia sẻ với bạn và bạn sẽ sớm ngăn ngừa được những điều không mong muốn xảy ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm