Chia sẻ của những người bỏ phố về... giữ quê

16/08/2019 - 17:02
Những con người quyết định bỏ lại phía sau những điều kiện tốt đẹp ở thành phố hay nước ngoài để về xây dựng quê hương như Bùi Kiến Quốc, Giàng Seo Châu, Nguyễn Anh Tuấn… sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam khắc họa trong chương trình ‘Cất cánh’ tháng 8.

Chương trình Cất cánh tháng 8 với chủ đề Giữ quê do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào 20h10 ngày 17/8. Tham gia chương trình có 3 diễn giả: KTS Bùi Kiến Quốc – Người giữ làng, Giàng Seo Châu - Người mở lối làm giàu cho người dân Mản Thẩn và Nguyễn Anh Tuấn – Người đánh thức “trí tuệ làng”.

Có một thực tế là sinh viên sau khi ra trường, người trẻ muốn khởi nghiệp... đa số đều chọn những thành phố lớn để làm nơi thử sức, hòa nhập vào môi trường công nghiệp, năng động và nhiều thử thách. Người người đổ về các thành phố lớn để tìm cho mình một cơ hội phát triển, miếng bánh cơ hội bị chia nhỏ thành từng mảnh, khiến sự cạnh tranh tăng cao. Thậm chí, nhiều người còn không biết mình đến thành phố lớn thế này để làm gì, họ lạc lõng trong chính sự lựa chọn của mình. 

Nhưng những vị khách mời của chương trình Giữ quê lại dám làm điều ngược lại: Bỏ phố về quê. Và họ đã tạo ra những giá trị tốt đẹp, không chỉ cho bản thân mà cho cả những vùng quê,những người dân địa phương nơi họ dừng chân, cho dù đó có thể không phải là quê hương họ.

bi-kin-quc.jpg
KTS Bùi Kiến Quốc 
 

KTS Bùi Kiến Quốc là một Việt kiều – Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Pháp, nhưng lúc nào ông cũng thích giới thiệu mình là một “anh nhà quê Quảng Nam”. Sinh năm 1944, rời Việt Nam từ năm 7 tuổi, sau 40 năm học tập và làm việc tại Pháp, năm 1996, ông trở về Việt Nam gắn bó làng quê Việt.. Năm 2006 ông chứng kiến làng Triêm Tây (Quảng Nam) hàng năm bị xói mòn đi hàng chục mét đất, ông đã đề xuất với chính quyền để cải tạo làng Triêm Tây thành khu du lịch sinh thái. Giờ đây, làng Triêm Tây đã trở thành một công trình thành công với dạng thức điển hình của kiến trúc bền vững – tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cộng đồng, nâng niu văn hóa bản địa và đặc biệt là yếu tố huy động được sức mạnh của cộng đồng.

ging-seo-chu.jpg
Giàng Seo Châu nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016
 

Vị khách mời thứ 2, Giàng Seo Châu, được gọi là người mở lối làm giàu cho người dân Mản Thẩn. Giàng Seo Châu sinh năm 1986, ở vùng quê nghèo khó xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai trong một gia đình thuần nông. Gia đình có 6 anh chị em, bố mẹ không biết chữ, năm lên 10 tuổi anh mới được đến trường học. Sống trong hoàn cảnh gia đình và quê hương khó khăn, anh hiểu rằng, chỉ có học mới giúp bản thân và gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó. Vì vậy, anh quyết tâm vượt qua cả chục cây số đường rừng suốt nhiều năm liền để tới lớp và luôn cố gắng trong học tập. Hiện anh đang là Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.

Năm 2016, Giàng Seo Châu đã chỉ đạo nhân dân thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về diện tích lương thực. Đồng thời, còn tổ chức thực hiện trồng tăng vụ được 20ha rau các loại; xây dựng được hai mô hình trồng cây tam thất với diện tích 4,2ha… Nhờ những đóng góp lớn của Châu, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 ở Mản Thẩn chỉ còn 11,94%, giảm 35,84% so với năm 2012, bình quân mỗi năm giảm 8,96%. Hết năm 2016, xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và trở thành xã đầu tiên của huyện Si Ma Cai thực hiện đạt chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Với tinh thần vượt khó và những nỗ lực đóng góp cho quê hương, Châu trở thành 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.

nguyn-anh-tun.jpg
Nguyễn Anh Tuấn là người mở ra các "Ngôi nhà trí tuệ"
 

Khác với hai câu chuyện trước đó, Nguyễn Anh Tuấn không trở về theo nghĩa vật lý, anh trở về bằng cách giúp đỡ quê hương mình và rất nhiều vùng quê nghèo khác từ xa. Anh “đánh thức trí tuệ làng” và mong muốn thay đổi quê hương bằng con đường giáo dục, mang lại cho lớp trẻ sau này những cơ hội mới.

Nguyễn Anh Tuấn sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo thuộc xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, Nghệ An, một mảnh đất giáp biên giới Việt Lào. Tốt nghiệp đại học và có sự nghiệp vững chắc tại TPHCM, Tuấn khát khao mang kiến thức đến với vùng quê nghèo. Thế là ý tưởng “Ngôi nhà trí tuệ” cho vùng quê nghèo ra đời. “Ngôi nhà trí tuệ” đầu tiên được Tuấn thiết kế ngay trong ngôi nhà của bố mẹ mình tại xóm 7, Cồn Tần, Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An. Ngôi nhà thứ 2 tại xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An. Trong năm 2019, Tuấn dự kiến mở  thêm 3 ngôi nhà khác tại Nghệ An, Huế, Bình Định.

“Ngôi nhà trí tuệ” có các lớp học miễn phí với nhiều môn học cho khoảng 100 học sinh, chia làm hai lớp: 6-9 tuổi và 9-15 tuổi. “Ngôi nhà trí tuệ” được lắp đặt bảng đen, bàn ghế, hệ thống điện chiếu sáng, quạt mát, có nhà vệ sinh, 3 tủ sách với 1.700 đầu sách các loại.

Giáo viên dạy học ở đây là những thầy, cô giáo tình nguyện trong và ngoài huyện Thanh Chương, có cả giáo viên ở Vinh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, thậm chí có cả giáo viên người nước ngoài. Họ tình nguyện đến với tấm lòng của mình, không đòi hỏi thù lao, chi phí đi lại, ăn ở.

Bên cạnh tiếng Anh, “Ngôi nhà trí tuệ” có các lớp học chuyên đề trau dồi kỹ năng sống, giúp các em sớm biết cách định hướng và tự quản trị cuộc đời, biết tối ưu hóa những năng lực của bản thân như: hiểu về lòng nhân ái, các loại hình thông minh, phương pháp học tập hiệu quả, các kỹ năng mềm, giá trị của việc đọc sách và phương pháp đọc sách, lập bản đồ tư duy, kỹ năng tạo động lực, tự thể hiện bản thân; thiết lập mục tiêu, sử dụng thời gian, biết tôn trọng, lắng nghe và khích lệ người khác… Đó là những điều mà học sinh nông thôn ít có cơ hội được tiếp cận.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm