Gạt bỏ yếu tố tâm lý
Thầy Lê Quốc Học, Tổ trưởng tổ Xã hội (Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) đưa ra những lưu ý đặc biệt để ôn thi môn này một cách hiệu quả nhất.
Sĩ tử cần có tâm trạng thoải mái khi ôn thi môn Giáo dục công dân. Ảnh minh họa |
“Các em nên chia thành từng khía cạnh (từng chủ đề) có nội dung gần gũi như gia đình, giao thông, luật pháp, biến đổi khí hậu, môi trường,… để việc học có tính hệ thống. Ôn theo kiểu cuốn chiếu, đến mảng kiến thức nào cần nắm vững và làm chủ mảng kiến thức đó” - thầy Học lưu ý.
Nếu biết cách hệ thống môn học này sẽ không hề khó học, thậm chí còn dễ học hơn nhiều môn khác.
Nếu biết liên hệ, liên kết, kiến thức của Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý có thể giải quyết được nhiều nội dung trong môn Giáo dục công dân.
“Một điều rất quan trọng nữa là học sinh phải chịu khó đọc, xem tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng giúp ích rất nhiều cho môn học” - thầy Lê Quốc Học nhắn nhủ.
Không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm
Còn theo chia sẻ của cô Trần Thị Thu Hương, Trưởng Bộ môn Giáo dục Công dân, Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội), học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản nằm trong chương trình lớp 12.
“Học sinh không nhất thiết phải học thuộc từng khái niệm, định nghĩa mà cần ghi nhớ những vấn đề mấu chốt để biết phân tích, tổng hợp, lý giải, nhận xét, đánh giá các hiện tượng pháp luật trong thực tiễn xã hội và áp dụng trả lời theo yêu cầu của câu hỏi” - cô Hương nhấn mạnh.
Về cách làm bài thi, cô Hương lưu ý học sinh một số điểm chính:
- Cần đọc kỹ đáp án trắc nghiệm và yêu cầu của câu hỏi để xác định được đáp án đúng.
- Sử dụng phương pháp loại trừ để có thể xác định được đáp án nhiễu.
- Vận dụng những kiến thức thực tế và sử dụng phân tích các tình huống để xác định đáp án đúng đối với những câu hỏi tình huống
- Đọc toàn bộ đề, trả lời những câu hỏi dễ và biết chắc chắn đáp án đúng trước.
- Dành thời gian cho những câu hỏi cần tư duy và phân tích tình huống mang tính thực tiễn và dễ nhầm lẫn.