Rạng sáng 20/11, dù các cuộc đàm phán đã gần đạt thỏa thuận về các điểm chính trong đó bao gồm cả chính sách khí hậu, song vẫn mâu thuẫn gay gắt về chính sách nhập cư. Trong khi các vấn đề về thuế và tài chính công trở nên khó khăn thì mối liên kết phức tạp nhất lại liên quan đến chính sách nhập cư khi CSU đề nghị tăng tiếp nhận 200.000 người/1 năm. Đề nghị này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Xanh.
Việc các chính đảng tại Đức không đạt được thoả thuận hình thành một liên minh chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị nước Đức. Động thái này cho thấy bà Merkel có thể sẽ không tìm kiếm một chính phủ thiểu số với đảng Xanh. Thủ tướng Angela Merkel đã bày tỏ sự tiếc nuối khi đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới thất bại song cam kết sẽ đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay.
Mặc dù tuyên bố sẽ làm hết sức để đưa nước Đức đi đúng hướng trong những ngày tới nhưng bà Merkel cũng thừa nhận, chính trường Đức đang phải đối mặt với những ngày vô cùng khó khăn trước mắt. Quyền lực của Thủ tướng Merkel bị yếu đi sau cuộc bầu cử hồi tháng 9. Khối bảo thủ của bà Merkel giành 32,5 % phiếu bầu, trở thành nhóm lớn nhất trong quốc hội. Nhiều cử tri bất bình với quyết định do bà đưa ra năm 2015 với việc mở cửa biên giới Đức cho hơn một triệu người tị nạn. Họ trừng phạt bà bằng cách bỏ phiếu ủng hộ cho đảng AfD.
Nếu kịch bản bầu cử lại diễn ra đầu năm 2018, tương lai chính trị của bà Merkel sẽ bị đe doạ nghiêm trọng. Theo một cuộc thăm dò dư luận được tờ Die Welt của Đức tiến hành và công bố kết quả hôm 19/11, có đến 61,4% cử tri Đức cho rằng nếu việc thành lập chính phủ Liên minh thất bại thì bà Merkel không thể giữ được ghế Thủ tướng.