pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn: Chiếc lá cuối cùng
Ảnh minh họa
Thu 34 tuổi, độc thân, làm việc ở một tòa soạn nhỏ. Tạp chí ra mỗi tháng một kỳ nên một người kiêm nhiệm cả mấy việc mà vẫn nhàn. Đồng nghĩa với công việc nhàn là lương thấp. Vài năm nay Thu đi dạy thêm. Tuần ba tối tiếng Anh cho trẻ em.
Công việc hàng ngày cũng không quá bận rộn đến mức không cảm thấy cô đơn, nếu như Thu không bị nhiễm cái không khí chữ nghĩa sách vở ở tòa soạn. Những quyển sách dày cộp đầy những tình cảm, kiến thức được tặng, được sử dụng thoải mái khiến các ngày cuối tuần và các buổi tối không đi dạy của Thu qua đi nhanh chóng.
Tuổi càng cao, thời gian trôi qua càng nhanh. Phụ nữ ngoài ba mươi thấy năm như tháng, thấy tháng như tuần. Thu cũng không phải là ngoại lệ. Đôi khi ngẩn ngơ tự hỏi: Ồ, mình đã ngoài ba mươi, băm mấy nhát rồi ư? Thời gian đi đâu ấy nhỉ? Hồi xưa, cái thời Thu còn trẻ, còn đi kiếm những phòng trọ rẻ tiền nhất và xin làm bất cứ việc gì, miễn là tồn tại được ở thành phố thì Thu cũng từng có người yêu.
Nhưng những mối tình đó nhanh chóng tan vỡ khi tiếp xúc với hiện thực. Những công việc lương thấp, không ổn định. Những phòng trọ mười hai mét vuông, giá điện nước bị tính gấp đôi, gấp ba giá nhà nước quy định.
Chiếc xe đạp cũ hay tuột xích khiến đôi tay luôn lấm lem. Những bộ quần áo, hoặc mua xếp đống ngoài chợ, hoặc may ở tiệm may rẻ tiền nhất, khiến cho người nào mặc chúng cũng trở nên rúm ró, xấu xí, xộc xệch. Tất cả những thứ đó giết chết những tình yêu thời đạo đức xuống giá, kim tiền lên ngôi, hơn cả những tính xấu như đỏng đảnh, ăn chơi, lười biếng, thậm chí là phản bội.
Giai đoạn khó khăn qua đi thì lại đến giai đoạn mất tự do. Gia đình chị gái vào Sài Gòn sinh sống và chữa bệnh vô sinh bằng thụ tinh nhân tạo. Giúp bạn bè còn được, huống chi là chị gái. Chín tháng chị nằm nhà, trong đó có ba tháng phải treo chân, không cử động mạnh, để giữ thai, Thu phải dọn dẹp, cơm nước chợ búa. Hai đứa trẻ sinh đôi ra đời, trở thành cục cưng của cả nhà. Bận rộn với chúng nên anh chị quên mất cả việc dì độc thân không phải là mẹ cũng chẳng phải ô sin...
Ở với anh chị và đưa đón chăm sóc các cháu đến năm hai chín tuổi thì Thu dồn tiền mua được căn nhà bé xíu ở tận trong hẻm xa tít. Thu thấy thế cũng tốt, mình không buôn bán, không chồng con, bon chen nhà to, mặt tiền, đường lớn mà làm gì?
Hai đứa cháu học lớp tiếng Anh của dì. Tối mẹ cháu chở đi, khuya dì chở về. Đôi khi cuối tuần, anh rể về thì các cháu về nhà dì ngủ. Dì ngoài ba mươi, hai cháu tầm tám, chín tuổi, ai không nghĩ đấy là ba mẹ con. Một ngày thứ bảy, đứa cháu gái hỏi: "Dì ơi sao dì vẫn chưa lấy chồng?". Bà dì cười ngượng ngập: "Già rồi ai hỏi mà lấy chứ?". Đứa cháu bảo:
- Mẹ bạn cháu khen dì đẹp, nói sẽ làm mai cho dì.
- À, ừ người ta nói vậy vì dì dạy con người ta.
- Sao dì dạy con người ta mà người ta lại khen dì đẹp?
- À…ừ… chuyện người lớn, trẻ con đừng quan tâm.
- Thế tại sao dì lại không có chồng? Mẹ bảo tại dì hay đọc sách quá nên mới ế đấy.
- Ừ, nhiều lý do lắm!
- Thế dì có tính có chồng để con có em bé không?
- Dì có tụi mày rồi thôi.
- Thế dì sẽ ở với tụi con suốt đời chứ?
- Ừ, quan trọng là chúng mày có chịu ở với dì cả đời không?
- Con sẽ ở với dì cả đời.
- Ừ, thế thì dù cần gì phải có em bé chứ.
Nói qua nói lại mãi rồi thì Thu cũng có bạn trai. Một người bạn trai bí mật. Thu chẳng biết gì nhiều về anh, ngoài cái tên. Anh tên là Phan Thanh Tùng, là một nhà văn làm kinh doanh hay một nhà kinh doanh có thêm nghề viết văn thì Thu không chắc. Truyện của Phan Thanh Tùng đọc nữ tính, nhẹ nhàng, giản dị mà sâu sắc.
Thu quan tâm tới tác giả vì phần lớn các truyện ngắn của anh miêu tả tâm lý của phụ nữ lỡ thì như Thu rất đạt. Hỏi thăm, động viên anh dăm ba câu qua mail đã thành một niềm vui nho nhỏ của Thu. Càng lớn người ta càng cố hạn chế những phiền phức, rắc rối có thể đến từ bên ngoài nên có thêm một người bạn không biết mặt, biết tiếng, lại có thể chia sẻ đôi điều như thế cũng dễ chịu.
Qua cách nói chuyện, Thu đoán anh là người thành đạt, lịch lãm và hài hước, anh lớn hơn Thu tám tuổi. Đàn ông như thế ít nhất cũng một vợ hai con rồi, khỏi cần hỏi han lôi thôi, tốn công. Nhưng mơ hồ trong các truyện ngắn của anh, Thu đọc được sự cô đơn.
Có một lần Thu nhẹ nhàng bóng gió về chuyện: cô đơn đã, đang và luôn là căn bệnh cũng như đề tài của các nhà văn. Nhưng anh lại trả lời: công việc kinh doanh bận rộn quá, lại thêm cái tật ôm đồm khiến anh chẳng có thời gian cô đơn nữa.
Sau đó một thời gian anh lại mail cho Thu nói anh đang ở Nhật Bản, không biết tiếng, không người quen nên mới mắc căn bệnh mà Thu nói tới bữa trước. Anh hỏi Thu có thường có cảm giác đau buồn đó không. Thu trả lời: "Đối với những người bận rộn thì cô đơn có khi không phải là căn bệnh mà là hạnh phúc".
Tùng nói, anh ngạc nhiên là sao Thu lại không là một nhà văn vì rất nhiều câu nói, nhận xét của Thu khiến anh hết sức bất ngờ và thời gian gần đây anh đã nghĩ về Thu rất nhiều. Một câu khen đơn giản nhưng lại khiến trái tim Thu đập rộn ràng. Rất muốn tìm hiểu thêm về anh nhưng tính nhút nhát cố hữu đã ngăn Thu lại.
Suy nghĩ mãi, Thu gửi cho anh một bức ảnh chụp ở hồ sen, khéo léo cho anh thấy hình mình. Chẳng phải khách quan mà nhận xét thì Thu khá dễ thương đó sao. Hình gửi đi rồi, Thu hồi hộp đợi chờ. Mãi chẳng thấy hồi âm. Thế tức là anh không quan tâm tới Thu. Thu lại quay về với những cuốn sách dầy cộp, mới tinh hay có, dở có cùng những câu, những thì trong cuốn sách dạy tiếng Anh và ít liên lạc với anh hơn.
Sài Gòn, một chiều cuối năm. Thu nhìn những vệt nắng cùng những chiếc lá vàng đang nhẹ nhàng rơi xuống khuôn viên nhỏ của tòa soạn, tự hỏi quang cảnh mùa đông Hà Nội năm nay thế nào nhỉ? Lá có rụng hết như trong tác phẩm "Chiếc lá cuối cùng" của O-Henry không? Nhớ đến Hà Nội, Thu lại nhớ tới Phan Thanh Tùng. Đã hai tháng rồi, Thu không nhận được mail của anh. Thật tình cờ, điện thoại của Thu đổ chuông. Số lạ. Giọng lạ:
- Xin lỗi đây có phải là số của cô Lê Thu không ạ?
- Vâng, tôi là Thu đây.
- Tôi là Phan Thanh Tùng. Tôi vừa vào Sài Gòn. Tôi có thể gặp Thu một lát được không?
- Ôi! Dạ... anh... anh đang ở đâu ạ?
- Tôi chờ Thu ở dưới đường.
Cuộc đời vốn dĩ công bằng với tất cả mọi người. Ngồi trong chiếc xe Camry còn lem bụi đường, nhìn trộm mái tóc bồng bềnh, đôi mắt thoáng có nét u ẩn của Tùng, Thu thầm nghĩ: "Đúng là người mà con vẫn thấy trong mơ. Cảm ơn thượng đế đã ưu ái con đến thế".
Một buổi tối, trong quán café Góc Thời Gian vắng vẻ. Tùng nắm lấy tay Thu nhẹ nhàng: Thu à, có điều này anh đã hứa với một người là không nói ra nhưng anh sẽ cảm thấy mình có lỗi nếu giấu em. Thực ra anh không phải là Phan Thanh Tùng, người mà em vẫn liên lạc trước đây... Cô ấy học cùng lớp với anh… Cô ấy mến anh nhưng do nhút nhát hay mặc cảm vì gia cảnh mà cô ấy luôn giấu kín những tình cảm của mình…
Hoàn cảnh đẩy đưa khiến mãi gần hai chục năm sau anh mới gặp lại cô ấy. Cô ấy đã thành đạt và vẫn độc thân, chỉ có điều... Anh không còn tự do nữa... Thời gian cô ấy hay gửi bài ký tên anh là thời gian anh đang làm thủ tục li dị mà không biết cô ấy đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư... Cô ấy rất mến em. Cô ấy cảm nhận được tình cảm của em dành cho Phan Thanh Tùng nên đã gửi ảnh của em cho anh và muốn anh chăm sóc cho em... Cô ấy chính là dây tơ hồng buộc hai chúng ta lại với nhau.
- Trời ơi... Bây giờ, bây giờ… Chị ấy ở đâu?
- Cô ấy đã đi xa, xa lắm rồi em à.
Thu xếp lại những cuốn tạp chí có những bài viết ký tên Phan Thanh Tùng, mà trước đây người chồng đã giữ lại đầy đủ, theo thứ tự đăng, rồi bỏ vào hộp sắt khóa lại. Phan Thanh Tùng có thể là một người giỏi giang và có tâm hồn nhưng anh không thể có được những suy nghĩ của người phụ nữ mang trong mình một tình yêu âm thầm sâu nặng đến như vậy. Vả lại anh cũng không hề có khả năng hay ý định sáng tác nên cái tên tác giả Phan Thanh Tùng với giọng văn vừa tỉnh táo, sâu sắc vừa đằm thắm, xót xa từ nay sẽ không bao giờ xuất hiện trên mặt báo nữa.
Thu không muốn những tác phẩm bình thường nhỏ nhoi, bây giờ đã trở nên hiếm hoi đặc biệt này, sẽ bị thất lạc và mất dạng trong một thời gian ngắn như bao bài viết in trên báo khác. Thu muốn giữ gìn nó như là những tác phẩm lớn, đặc sắc nhất. Hà Nội đang vào Đông nhưng trên hàng cây trước nhà vẫn còn rất nhiều những chiếc lá xanh tốt và có lẽ nó sẽ chỉ úa vàng và rụng khi những chiếc lá kế cận mọc lên. Xét cho cùng thì khái niệm chiếc lá cuối cùng có lẽ chỉ là một ẩn ý văn chương, khi mà luôn luôn sau mỗi mùa Đông trơ trụi, một mùa Xuân xum xuê mơn mởn lại trở về.