Chiếc xe đạp bị mất

Truyện ngắn của Lam Giang
14/12/2021 - 12:26
Chiếc xe đạp bị mất

Tranh minh họa

Trời nắng to. Cũng chẳng mấy khó chịu vì tôi đang vui. Rất vui là đằng khác. Tôi vừa nhận một khoản nhuận bút, không nhiều nhưng là công sức mình làm ra chứ không phải là khoản "trợ cấp" hàng tháng bố mẹ vẫn gửi.

Tôi tính mua đồ tặng mọi người vào dịp về Tết sắp tới. Chỉ tưởng tượng tới vẻ mặt tự hào của bố, vẻ hớn hở của con bé em, cả mẹ... Chắc mẹ sẽ vờ mắng yêu khi thấy con gái mẹ dù đi học xa vẫn nghĩ về gia đình như vậy.

Tôi dựng xe trước cửa hàng, lựa lựa chọn chọn một lúc, không quên thỉnh thoảng đưa mắt nhìn chiếc xe mini Nhật phía ngoài. Dù gì, nó cũng là phương tiện sử dụng thường xuyên nhất, đáng giá nhất của tôi ấy chứ. Thấy nhiều bộ đồ vừa ý quá, cái áo sẫm màu này chắc sẽ hợp với khổ người mập mạp của bố đây, còn cái màu nhạt kia sẽ hợp với mẹ... Chợt hoảng hồn, không tin nổi vào mắt mình khi chiếc xe bốc hơi nhanh không tưởng. Chỉ chưa đầy một phút, khi tôi ghé mắt trông nó. Tôi chạy vội ra, thấy chân mình cứng ríu lại, cảm giác như cổ họng mình đắng ngắt. Nhìn quanh quất, không kịp rồi, tên trộm đã biến mất không biết ngả nào. Có lẽ những câu hỏi dò dồn dập và bộ mặt tôi đáng thương lắm, mọi người xung quanh nhìn theo ái ngại và thương cảm. Người đàn bà bán quán cà phê gần đó chép miệng: "Tui đâu biết, thấy thằng nhóc áo đen dắt xe đi, cứ tưởng của nó. Ai dè... Mà sao cô không khóa? Bọn xì ke phố này nhiều lắm, trộm nhanh như sóc". Tôi nói như thanh minh: "Cháu khóa rồi ấy chứ ạ". Mà thanh minh bây giờ thì đâu được gì nữa. Tôi gần như òa khóc. Rồi vẫn hy vọng, tôi níu lấy một anh đi ngang, gần như năn nỉ sự giúp đỡ. Anh chàng nhiệt tình, dắt xe máy, rồ ga. Tôi trèo lên, hai tay chắp trước ngực thành khẩn. Chỉ cầu mong chiếc xe đạp cực kỳ yêu quý sẽ không bỏ tôi mà đi nhanh đến vậy. Chiếc xe đó, mẹ mua hồi đầu năm học, sau khi chiếc xe trước bị mất ở ký túc xá. Đi chưa đầy 3 tháng, vậy mà...

Đường tôi đi chỉ một chiều nhưng cứ một đoạn là gặp một con đường cắt ngang và biết bao những con hẻm to nhỏ khác nhau nằm hai bên. Tôi vẫn hy vọng, hy vọng một cách thiếu suy nghĩ, cậy nhờ anh bạn chở vòng quanh cả mấy con đường. Anh bạn nhiệt tình thỉnh thoảng hỏi thăm tôi dăm ba câu, mồ hôi rịn cả lưng áo. Cỡ chừng ba chục phút. Cái hy vọng của tôi tắt dần. Cũng chẳng thể khóc òa cho sự đã rồi. Chẳng có bụt nào hiện lên mà hỏi "vì sao con khóc", rồi dỗ dành bằng cách chìa xe ra cho tôi đi cả. Anh bạn dừng xe bên quầy nước mía sát đường, nhìn tôi, hỏi một cách quan tâm: "Bây giờ, em tính sao?". Tính sao? Còn sao trăng nỗi gì, đường nào nó cũng đã ở nơi nào đó, không còn trong tay tôi. Buồn tiếc cũng chẳng ích gì. "Anh biết chỗ nào bán xe cũ không? Rẻ thôi, bởi em không đem nhiều tiền". Tôi cũng không ngờ mình có thể bình tĩnh mà tính nhanh đến vậy. Thực chất, rõ là tôi đang rất cần xe. Sinh viên, ngoài đi học còn đi dạy kèm, tôi không thể cuốc bộ hết những nơi mình muốn đến. Anh bạn nhìn tôi cảm thông: "Có lẽ ra Cầu Bông, khu đó nhiều xe. Em đi bây giờ luôn hả?". "Dạ, phiền anh...". "Chao, phiền hà gì, giúp được người khác trong lúc người ta cần mình cũng hạnh phúc chứ em". Tôi thấy lòng nhẹ nhõm đi phần nào. Nếu vừa lúc nãy tôi quy tội cho cái thành phố này là đầy lọc lừa và cướp giật, thì giờ trước mắt tôi là một nhân chứng sống về lòng tốt đấy chứ.

* * *

Tôi ngán ngẩm nhìn những chiếc xe nằm san sát nhau, thấy chẳng có cái nào hài lòng như cái tôi đã có. Khi mất đi những cái rất đỗi quen thuộc, lạ thay mới thấy nó ý nghĩa và tốt đẹp biết bao, không gì có thể thế chỗ. Ông bán hàng tít con mắt một mí lại, nói ra chiều an ủi, nhìn tôi với vẻ không rõ là đang cảm thông hay đang vui sướng. Đếm đi đếm lại trong túi thấy còn mấy trăm ngàn vừa lãnh nhuận bút và tiền ăn cho tới cuối tháng. Cộng lại, cũng chưa bằng giá cái xe tôi định mua. Chợt thấy lo. Đeo thêm một cái xe tốt nữa, rồi mai mốt sao dám chắc nó sẽ không bị cuỗm mất. Anh bạn nhìn tôi, rất thành thật: "Em cứ mua đi, còn thiếu bao nhiêu vậy?". Tôi ngại ngần. Ông bán xe cười giả lả: "Thiếu một trăm thôi à, cậu cho cô bạn cậu mượn tạm. Là sinh viên nên tui để cái giá bèo nhất có thể cho rồi đấy". Anh bạn đưa thêm tiền cho lão chủ, lão xởi lởi trao xe, dặn với theo: "Cô giữ cẩn thận nhé, kẻo mất". Nói để tỏ ra thương cảm thôi, thực bụng, chắc gì lão muốn vậy. Nếu không có xe ăn cắp bán cho lão để lão buôn đi bán lại thì cửa hàng kiểu này sập tiệm sớm. Anh bạn trao xe cho tôi. Tôi hỏi xin địa chỉ để mai mốt quay lại gửi tiền thiếu. Anh chìa tấm cạc ra: "Lúc nào có, em đưa cũng được, không cần phải vội". Tôi vâng dạ và cảm ơn rồi hẹn gặp trong ngày không xa...

Chiếc xe đạp bị mất - Ảnh 1.

Hình minh họa

Tôi gửi xe vào nhà xe khu ký túc, nhờ người giữ xe phun lại số xe, lại phải bắt đầu kể lể cảnh ngộ. Thấy mệt quá. Giá mà sáng nay tôi đừng đi đâu. Hay chỉ giản đơn là không đi con đường ấy. Người giữ xe nhìn tôi dò hỏi: "Chiếc xe đó còn mới, vậy mà...". "Vâng, mẹ em mới mua hồi tháng 9". "Tiếc nhỉ. Xe Nhật nhập khẩu mà không cẩn thận là vậy"... Tôi ngán ngẩm. Còn cách nào cẩn thận hơn khi mà tôi đã khóa nó lại rồi. Chẳng lẽ tôi phải đề xuất ý kiến với các nhà sản xuất xe làm sao để biến hóa cái xe tài tình tới mức, lúc cần có thể xếp lại, cho vào túi xách cất giữ?!

Tôi đi dọc lên cầu thang, gặp cậu bạn cùng lớp đi từ trên xuống. Hắn gõ cốp một cái trên đầu. Bình thường, tôi sẽ đáp trả và "tổng sỉ vả" dăm câu. Nhưng hôm nay, thấy bải hoải, chẳng muốn động chân động tay gì. Tôi chỉ gắng gượng cười chào xã giao, mặt không giấu nổi vẻ ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước. Hắn quay ngoắt lại, nhìn với vẻ ngạc nhiên: "Mất sổ gạo hả?". Nếu tôi có sổ gạo như ngày xưa mà mất còn đỡ tệ hơn. Chao, cái xe bị mất ngót nghét cả ba triệu đồng, lại thêm tiền mua xe mới, tổng cộng bằng tiền ăn dăm bảy tháng của tôi chứ ít gì. Tôi lầm lũi đi lên. Cậu bạn chạy theo hốt hoảng: "Sao, chuyện gì vậy?". Nhìn cái vẻ thật tình của hắn, tôi càng tội nghiệp hơn... cho mình. Mím chặt môi, tôi đáp cụt lủn: "Mất xe". "Cái xe biển số bốn bảy ấy hả?". "Ừ". Gã chưng hửng bất ngờ. Mới hồi sáng đi học, gã còn nhìn số (ký hiệu) xe đạp của tôi mà chọc: "Cho hỏi khí không phải, xe bốn bảy của quý bà là ở quý... tỉnh nào vậy?". Rồi phá lên cười. Chỉ cách đây vài tiếng đồng hồ...

Tôi viết vào nhật ký của mình. Quên mất cái lối viết những việc tốt, việc xấu làm trong ngày. Tôi kể lể ngay chuyện mất xe, chửi rủa thằng ăn cắp cả trang giấy mà không hết bực. Thấy tức cái thành phố tôi trọ học, luôn bị bọn chích choác rình rập chôm đồ khắp nơi. Rồi tự an ủi mình một cách lạc quan: biết đâu, cái kẻ ăn cắp xe của tôi, hắn cũng chỉ mong có vài bi để qua cơn nghiện. Hắn lấy xe của tôi, tôi thì mất xe, còn hắn tiếp tục mất cả cuộc đời cho ma túy. Nghĩ như vậy, thấy mình giống... AQ quá. Nhưng trong nhiều trường hợp, có cách nhìn nhận theo phép thắng lợi tinh thần của AQ, thấy mình đỡ bi kịch đi ấy chứ. Đôi khi, ta cần phải học những cái mà ta xem thường hay cho đó là dở hơi, bởi biết đâu có lúc ta lại cần tới nó. Tôi càng đỡ buồn hơn khi nghĩ tới anh bạn nhiệt tình giúp đỡ mình giữa trưa. Áo đẫm mồ hôi, anh chở tôi đi lòng vòng các con đường và cho tôi vay tiền mà không cần biết tôi là ai! Thấy niềm tin của mình được củng cố lại nhờ một người lạ.

* * *

Vài ngày sau, tôi trở lại chỗ mất xe hôm nọ. Chưa dừng xe đã nhận ra anh bạn đang nhấc bổng chiếc xe đạp đỏ qua con hẻm ngay bên cạnh. Anh không nhìn thấy tôi. Tôi dừng xe. Vừa kịp dựng xe thì một cô bé từ nhà sách cũ kế đó hớt hải chạy ra. Cô bé mặt cắt không còn giọt máu, giọng ríu lại. Mất xe? Cô bé nhìn quanh quất, như cô-bé-tôi tội nghiệp hôm nào vậy. Tôi sực nhớ tới chiếc xe anh bạn kia vừa tấp khuất bên con hẻm. Nhìn cô bé hỏi dò: "Xe em màu đỏ hả?". Cô bé mắt sáng rỡ lên hy vọng, nhìn tôi líu tíu: "Dạ, dạ, chị thấy ở đâu không?". Nhanh như cắt, tôi chỉ về con hẻm sát bên cạnh: "Em qua hẻm đó xem, lúc nãy, chị thấy...". Tôi lấp lửng rồi ngoảnh về phía anh bạn mà tôi từng rất cảm động, rất biết ơn... Một đôi mắt nhìn tôi vừa như ngạc nhiên lẫn bất ngờ và hậm hực đe dọa.

Tôi quay ngoắt xe, nhấn pê đan thật nhanh, hòa vào dòng người hối hả. Trong phút chốc, thấy sợ cho... sự an toàn của chính mình. Sự đời, biết bao điều khó lường, khó ngờ tới. Về tới nhà, tôi mới kịp hoàn hồn, nằm úp mặt xuống gối khóc rưng rức.

Tội nghiệp cho cô-bé-tôi. Không phải tôi khóc vì chiếc xe đạp bị mất mà khóc vì một niềm tin bị vỡ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm