“Truyện ngắn Chí Phèo xứng đáng để tồn tại trường kỳ”

06/12/2017 - 17:19
Đó là khẳng định của TS Trịnh Thu Tuyết- nguyên giáo viên Ngữ văn THPT Chu Văn An (Hà Nội) - trước đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) hiện hành.
Ông Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) mới đây đăng bài viết đưa ra luận chứng để khẳng định, “Chí Phèo” không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh. Hiện bài viết của tác giả này đang dậy sóng dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Truyện ngắn "Chí Phèo" chuyển thể thành phim 


Khó chấp nhận việc loại Chí Phèo khỏi chương trình

Chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam, TS Trịnh Thu Tuyết cho biết, bà cảm thấy khó chấp nhận trước ý kiến của một nghiên cứu sinh ở Ausatralia về việc loại tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình học do có tác động xấu đến nhận thức của học sinh.

Không đồng tình với ý kiến trên, TS. Trịnh Thu Tuyết đồng thời cho biết bà tuyệt đối không đồng tình việc loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi CT-SGK phổ thông hiện hành.

“Thế giới hiện đại ngày càng có thêm các tiến bộ trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, tiến bộ trong văn học có khác với tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Những tác phẩm đã được khẳng định giá trị sẽ tồn tại vĩnh hằng, những giá trị đích thực sẽ luôn được làm mới trong tầm đón nhận của mỗi thời đại nối tiếp. “Chí Phèo” luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kì tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó” - TS Tuyết nhấn mạnh.

Theo bà, cách nhìn nhận của tác giả Sóng Hiền không liên quan gì đến văn chương mà na ná lời tuyên án của… công tố viên. Bà đưa ra những luận điểm “phản bác” lại bài viết của tác giả Nguyễn Sóng Hiền.

Sự quy nạp thiếu logic

Trước khẳng định của tác giả Sóng Hiền về việc Chí Phèo không thể đại diện cho những người nông dân với lý do “mang tiếng cho nông dân mình quá. Chẳng lẽ nông dân mình chỉ toàn là con rơi?”, TS Trịnh Thu Tuyết cho biết, đây là một sự quy nạp rất thiếu logic. Bởi trong văn học, một đặc điểm riêng nào đó trong cuộc đời, tâm lý, tính cách... của một cá thể không nhất thiết xuất hiện trong tất cả tầng lớp họ đại diện.

TS Tuyết cũng cho rằng, Chí Phèo tới năm 20 tuổi vẫn là anh canh điển điền nghèo khổ và lương thiện, có ước mơ. Bị vợ ba Lí Kiến bắt bóp chân, Chí vừa làm vừa run, hắn chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì, Chí hiểu rằng 20 tuổi, người ta không là đá nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt. Biết phân biệt giữa tình cảm chân chính với những ham muốn xấu xa, biết khinh những hành vi không chính đáng, đó là biểu hiện của một con người có ý thức về nhân phẩm, có lòng tự trọng và đó cũng là biểu hiện rõ nhất của một con người lương thiện.

Sau khi nhà tù thực dân và thủ đoạn độc ác của bọn cường hào ác bá trong mảnh đất "quần ngư tranh thực" biến anh Chí lương thiện của dân làng thành Chí Phèo - bị hủy hoại nhân hình thành "con vật lạ", bị hủy hoại nhân tính thành "con quỷ dữ", Chí Phèo đã bị đẩy ra khỏi cộng đồng người lương thiện.

2 nhân vật chính trong "Chí Phèo" đã đi vào nghệ thuật tạo hình.

 

Khao khát hoàn lương sau khi gặp Thị Nở càng cho thấy, trong đáy cùng của tiềm thức tăm tối, Chí Phèo vẫn mơ hồ đau đớn vì sự tha hoá - nguyên nhân khiến hắn cô độc, con người khốn khổ ấy ý thức được cô độc còn đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau, vẫn khao khát trở về với cộng đồng "bằng phẳng và thân thiện của những người lương thiện" nhờ sự "mở đường" của Thị Nở.

Hắn tuyệt vọng "ôm mặt khóc rưng rức" khi Thị Nở khước từ, khi cánh cửa hoàn lương đóng lại trước mắt. Hắn hoàn toàn có thể dữ hơn quỷ dữ để trả thù cuộc đời, nhưng chính sự thức tỉnh của nhân tính đẩy Chí Phèo tới một kết thúc bi thảm: Không thể làm quỷ, chẳng được làm người, Chí chỉ còn cách tìm tới cái chết, chống lại sự tha hoá bằng chính cái chết. Con người như thế, tốt hay xấu không thể nói một từ giản đơn, hời hợt.

Trước luận điểm Chí Phèo “không phải sản phẩm của xã hội” với mấy lý do mà cho rằng là rất… lạ, TS Thu Tuyết khẳng định tác giả đã nhầm lẫn trong nội hàm ý nghĩa khái niệm “xã hội” khi bài viết đồng nhất những người nông dân nhân hậu của làng Vũ Đại bao bọc, cưu mang Chí Phèo với cái xã hội tàn ác, phi nhân tính “ưu ái” Chí!


Tiến bộ trong văn học khác với tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Những tác phẩm đã được khẳng định giá trị sẽ tồn tại vĩnh hằng...

Cần ứng xử với văn chương cho xứng đáng với văn chương

Người đề xuất loại bỏ tác phẩm “Chí Phèo” cho rằng: “Trong bất kỳ xã hội nào, hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Chí đã phạm pháp. Dù về mặt nhận thức, hắn không ý thức hành vi của mình, nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần phê phán. Mà cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở thì càng phải lên án và phê phán thích đáng hơn. Chúng ta không thể và không nên bảo vệ những hành vi trái pháp luật. Điều đó chẳng khác gì cổ suý cho lớp trẻ để bắt chước làm theo”!

Trước ý kiến này, TS Thu Tuyết nhấn mạnh, điều này không liên quan gì đến văn chương mà na ná lời tuyên án của công tố viên. Không ai cảm văn, đọc văn theo cách đó. “Lúc đầu, Chí Phèo đến với Thị Nở bằng bản năng sinh vật của một gã đàn ông say rượu, bằng tính cách du côn của một thằng lưu manh vừa ăn cướp, vừa la làng. Nhưng rồi, tình thương yêu mộc mạc, chân thành của Thị Nở đã đánh thức phần Người, phần lương thiện vẫn còn sót lại đâu đó trong con quỉ dữ làng Vũ Đại” - bà phân tích.

Và cuối cùng, trước khẳng định của tác giả Sóng Hiền, rằng “ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ, cho dù nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hoá nó là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá”, TS Trịnh Thu Tuyết cũng cho rằng đây là cách đọc tác phẩm theo kiểu xã hội học dung tục từ thế kỷ trước.

Theo bà, phải lưu ý mấy chi tiết: Sau khi Thị Nở bỏ đi, Chí lôi rượu ra uống, nhưng càng uống càng tỉnh, càng tỉnh càng đau đớn cho bi kịch cùng đường tuyệt lộ! Và sau đó, Chí cầm dao đi với ý định trả thù hai cô cháu Thị Nở, nhưng rồi “quên” không rẽ vào nhà Thị Nở mà đi thẳng tới nhà Bá Kiến...

“Có thể thấy, Chí Phèo đã làm theo sự mách bảo sâu xa trong tiềm thức, đó là nỗi căm hờn với kẻ thù độc ác nhất trong cuộc đời mình. Không ai cổ suý cho hành động này, nhưng cũng không ai cho rằng, đó chỉ là hành vi của một kẻ côn đồ say rượu. Chúng ta cần trân trọng những giá trị văn hoá đích thực! Cần ứng xử với văn chương cho xứng đáng với văn chương!” - TS. Trịnh Thu Tuyết nói.

Giới thiệu bài viết của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền 

“Ở khía cạnh văn học, tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao có thể được đáng giá là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, đứng trên góc độ giáo dục, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ lại.

Liệu có nên vẫn tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không, khi mà bản thân tác phẩm "Chí Phèo" không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?

Để minh chứng cho những nhận định trên, tôi xin phân tích một cách khách quan và logic về tác phẩm này.

Chí Phèo đại diện cho ai?

Nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hoá. Nhưng theo tôi, đây là một nhận xét phiến diện và mang tính áp đặt.

Nếu xem xét kỹ toàn bộ tác phẩm, chúng ta đều có thể nhận thấy rằng Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Xuất thân không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục, Chí được nhặt về nuôi và đi ở hết nhà này đến nhà khác.

Nếu là đại diện cho tầng lớp nông dân thì thật mang tiếng cho nông dân mình quá.

Bản thân một đứa trẻ bị bỏ rơi đã mang cho mình số phận thiệt thòi, huống chi lại được sinh ra trong một xã hội lạc hậu và đầy rẫy bất công ấy.

Vậy, Chí đơn giản chỉ là một đứa trẻ không được giáo dục, và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội ấy.

Chí là người tốt hay xấu?

Khi còn là đứa trẻ, Chí vẫn là một đứa trẻ tốt. Chí không có ruộng nên năm 20 tuổi phải đi làm canh điền cho Bá Kiến.

Rõ ràng, trong xã hội ấy người ta vẫn nhận nuôi Chí, cho ăn, cho công việc. Có thể thấy, Chí vẫn được xã hội đó đón nhận và thừa nhận như một thành viên. Chí đã được ưu ái.

Tuy nhiên, sau khi làm thuê cho Bá Kiến, Chí bị ghen và bị đẩy đi tù 7, 8 năm. Nhiều học giả cho rằng điều này phản ánh sự áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến và địa chủ với tầng lớp bần nông như Chí. Nhưng xin thưa, nếu không sống ở xã hội đó mà xã hội có văn minh hơn đi nữa, những đứa trẻ bị bỏ rơi như Chí cũng khó để đón nhận được sự đối đãi công bằng từ xã hội. Thậm chí còn bị ngược đãi và lạm dụng, vì thân cô thế cô không ai bảo vệ.

Sau khi ra tù, Chí biến thành con người khác, một người xấu, hay một con quỷ. Chí uống rượu say, rạch mặt ăn vạ, đòi nợ thuê, phá phách, xin đểu, đốt quán...

Một đứa trẻ không cha, không mẹ, không được giáo dục bị đẩy đi ở tù liệu ra tù nó có thể trở thành người tốt không? Và chính lúc say Chí cũng chửi cái đứa nào đã đẻ ra mà không nuôi Chí chứ đâu chửi cái xã hội đang sống.

Đơn giản, Chí không phải là một sản phẩm của xã hội đó. Chí chỉ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh ở bất kỳ xã hội nào khác. Vì vậy, không thể quy chụp rằng Chí bị xã hội phong kiến lưu manh hoá, hay bị cường hào ác bá làm hại.

Lạ lùng thay, nhiều nhà phê bình và học giả còn hình tượng hoá cái cảnh Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở, và xem đó như sự thức tỉnh tính thiện trong con người Chí.

Trong bất kỳ xã hội nào, hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Chí đã phạm pháp. Dù về mặt nhận thức, hắn không ý thức hành vi của mình, nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần phê phán. Mà cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở thì càng phải lên án và phê phán thích đáng hơn. Chúng ta không thể và không nên bảo vệ những hành vi trái pháp luật. Điều đó chẳng khác gì cổ suý cho lớp trẻ để bắt chước làm theo.

Nhiều nhà phê bình còn cường điệu hoá cho cặp đôi Chí và Nở, xem như là một biểu tượng xứng đôi vừa lứa. Đó dường như không phải là chủ ý của nhà văn. Chí là một tên tội phạm, một kẻ lưu manh, còn Thị Nở là cô gái đáng thương, một người thiểu năng về nhận thức, ở mãi với Chí bảy ngày mới nhớ ra rằng phải về hỏi dì.

Như vậy, Nở là người bị hại, bị Chí lợi dụng lúc ngủ say để cưỡng bức. Vậy thì tại sao chúng ta có thể ghép đôi cho một kẻ lưu manh với cô gái vô tội? Chưa kể sau này, Nở lại mang bầu và lại ôm thêm nỗi khổ vào thân. Dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu.

Chí đáng thương hay đáng lên án?

Số phận của Chí là một số phận đáng thương, vì khi sinh ra đã phải chịu thiệt thòi và bất công. Nhưng chúng ta cũng kịch liệt phê phán và phản đối những hành vi lưu manh, thú tính của hắn.

Và ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ, cho dù nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hoá nó là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá.

Nhưng xin thưa, đó là sự quy chụp và áp đặt khiên cưỡng. Chí đã giết người trong lúc say, đó là hành vi không phải của một con người. Cho dù ở bất kỳ xã hội nào, những hành động đó đều đáng bị lên án và cách ly ra khỏi đời sống xã hội”.

Nguồn: Dân Trí

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm