pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạm hoãn cung thỉnh, chiêm bái Xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức

Không gian Việt Nam Quốc Tự đã được thiết kế, thực hiện để tôn trí, chiêm bái xá lợi Trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức - một trong những sự kiện tâm linh thuộc chương trình chính thức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại TPHCM - Ảnh: H.Đ

Hình ảnh xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức. (Ảnh: Báo Giác Ngộ)
Theo đó, thông báo cho biết: "Nhân duyên chưa hội đủ nên việc cung thỉnh, chiêm bái Xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức về Việt Nam Quốc Tự theo Đề án Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 chưa được diễn ra vào sáng nay - 3/5".
Trong kế hoạch ban đầu, Xá lợi trái tim của nhà sư nổi tiếng được đưa từ nơi bảo quản ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TPHCM trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1, về Việt Nam Quốc tự ở đường 3/2, quận 10 để người dân chiêm bái từ 13h30 ngày 3/5.
Được biết, đến chiều 2/5, đã có 1.088 phái đoàn với gần 50.000 người đăng ký chiêm bái Xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự. Riêng chiều 3/5, buổi đầu tiên dự kiến mở cửa chiêm bái đã có gần 10.000 người đăng ký trực tuyến và đặt lịch thời gian mong muốn theo đoàn, trong đó có nhiều phái đoàn trên 1.000 người.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM là đơn vị được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ định thực hiện việc cung thỉnh, tôn trí và chiêm bái Xá lợi Đức Phật tại chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh) và Xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự.
Xá lợi trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức và Xá lợi Đức Phật (đưa về Việt Nam từ Ấn Độ sáng 2/5) là hai sự kiện tâm linh chính thức thuộc chương trình Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 và là chương trình nhận được sự quan tâm của đông đảo tăng ni, phật tử, tín đồ Phật giáo.

Cận cảnh bảo tháp tôn trí Xá lợi của Đức Phật đang được tôn trí tại chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TPHCM)
Hòa thượng Thích Quảng Đức, tên khai sinh Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Vào ngày 11/6/1963, ông đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư đại lộ Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám) ở Sài Gòn, nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân, phật tử.
Những bức ảnh chụp lúc hòa thượng tự thiêu đã nhanh chóng gây tiếng vang khắp thế giới, góp phần kết thúc đàn áp Phật giáo và kết thúc chiến tranh tại Việt Nam. Sau khoảng 15 phút an nhiên thiền định trong biển lửa, nhục thân của hòa thượng Thích Quảng Đức được thỉnh về chùa Xá Lợi làm tang lễ, sau đó được cung thỉnh về thiêu tại Đài hỏa táng An dưỡng địa ở Phú Lâm (Sài Gòn).
Sau khi nhục thân biến thành tro thì quả tim vẫn còn. Quả tim lại được đưa trở lại lò thiêu trong nhiều giờ liền nhưng vẫn không cháy, trở thành một khối rắn như đá với hình dáng nguyên vẹn. Chư tôn đức trong Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo đã quyết định cung thỉnh trái tim bất diệt của Bồ tát trở về chùa Xá Lợi để tôn thờ.
Sau đó, xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được đưa về Việt Nam Quốc Tự rồi gửi bảo quản tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM. Trước lễ Phật Đản 1964, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã suy tôn Hòa thượng Thích Quảng Đức là Bồ Tát.
Tại nơi ông từng tự thiêu, được chính quyền, Thành hội Phật giáo TPHCM đã khánh thành công viên tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức vào ngày 18/9/2010. Tên của ông cũng được đặt cho một con đường ở quận Phú Nhuận.