Các tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng, Anh hùng Lao động
Với cây bút máy kẹp chặt bằng ngón cái và ngón trỏ, nhà văn Sơn Tùng, thương binh hạng 1/4 đã sáng tác nên một kho tàng đồ sộ với khoảng 25 cuốn sách, trong đó có 14 cuốn viết về Bác Hồ.
Bài báo “Ba nét tình người” được nhà văn Sơn Tùng viết vào thời điểm cuối năm 1972 – mười hai ngày đêm máy bay B52 của Mỹ ném bom tàn phá thủ đô Hà Nội. Trước cảnh phố Khâm Thiên tan hoang, người vợ hiền của ông đã chở ông trên chiếc xe đạp cũ đi khắp ngõ ngách tìm ra những câu chuyện xúc động có thật. Bài viết đã được đăng trên Báo Nhân Dân (ngày 5/1/1973), đánh dấu sự trở lại với văn bút Sơn Tùng. Sau này, những chi tiết chân thật của bài báo đã góp phần tạo nên chất liệu xúc động của bộ phim “Em bé Hà Nội”.
Tập truyện ngắn "Nhớ Nguồn", bản in lần đầu năm 1975, do Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ ấn hành. Gồm 9 truyện ngắn tập trung vào một chủ đề chính: những tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ của nhân dân miền Nam, đặc biệt là của các mẹ, các chị, các em nhỏ... hướng về Bác Hồ kính yêu.
Tác phẩm "Con người và Con đường", bản in lần 2, do NXB Văn hóa - Thông tin Hà Nội ấn hành năm 1993. Cuốn sách đánh dấu việc nhà văn Sơn Tùng thử sức với truyện dài về những nhân vật lịch sử trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Cuốn sách viết về bà Đặng Quỳnh Anh - xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, người cha từng theo vua Hàm Nghi đánh Tây thất bại, từ thuở bé bà Đặng Quỳnh Anh được các anh thúc bá là Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa dìu dắt vào con đường cách mạng. Bà đã sang Thái Lan hoạt động cho đến năm 1953 mới về nước.
Bản in lần thứ nhất (1981) và bản in lần thứ 2 (2001) do NXB Thanh Niên ấn hành của cuốn tiểu thuyết về danh nhân Nguyễn Hữu Tiến - người vẽ cờ Tổ quốc.
Bản in lần đầu tác phẩm "Búp Sen Xanh" được NXB Kim Đồng ấn hành với 30.200 cuốn. Bìa và minh họa cuốn sách do một người bạn chí thân của nhà văn Sơn Tùng - họa sĩ Văn Cao thể hiện. Tác phẩm về thời thơ ấu của Bác Hồ, được ra mắt bạn đọc vào ngày 15/3/1982 - nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng lần thứ V và ngày sinh nhật Bác (19/5). Tác phẩm đã được trao tặng "Giải thưởng đặc biệt" của Cuộc vận động sáng tác nhân dịp kỷ niệm 40 năm Đội TNTP Hồ Chí Minh do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.
Tác phẩm sau khi ra đời đã gây tiếng vang lớn, đưa nhà văn Sơn Tùng trở thành một trong những người thành công nhất viết về đề tài Bác Hồ. Đến nay, tác phẩm "Búp Sen Xanh" đã được tái bản 30 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Tác phẩm "Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng" do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2015, dựa trên kịch bản bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" được nhà văn Sơn Tùng viết vào năm 1990, đáp ứng mong mỏi của nhân dân cả nước về một bộ phim về cuộc đời của Bác Hồ.
Cũng trong năm 1990 nhân dịp UNESCO vinh danh Bác Hồ là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", nhà văn Sơn Tùng bất ngờ trình làng 2 tác phẩm tiểu thuyết và một truyện ký.
Bản in lần đầu tiên cuốn sách "Bông sen vàng" do Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam Đà Nẵng, Hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng ấn hành năm 1990. Nội dung tái hiện lại thời kì tuổi học trò của Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Tất Thành.
Qua đó khắc họa một diện mạo văn hóa - Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tâm hồn tỏa rộng khắp năm châu, một trái tim mang nhịp đập của thế kỷ, vị anh hùng thời đại mà Viện bảo tàng lịch sử tại Paris ghi nhận là "một trong những con người đã chi phối sự phát triển của thế kỷ hai mươi".
Bản in lần đầu cuốn sách "Trái tim quả đất" do NXB Thanh Niên ấn hành năm 1990. Nội dung tái hiện lại Chiến dịch Biên giới năm 1950 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.
Bản in lần đầu cuốn sách "Mẹ về" do NXB Phụ nữ ấn hành năm 1990. Nội dung tái hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước sau khi tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công và chuyến thăm nước Pháp với tư cách là Thượng khách của Chính phủ Pháp.
Về sau khi được tái bản (2000), cuốn sách được đổi tên với tựa đề "Bác về".
Truyện tranh "Từ làng Sen" được xuất bản năm 1990 với 6 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Lào). Cuốn sách đến nay đã được NXB Kim Đồng tái bản khoảng hơn 10 lần. Trong ảnh là bản in lần thứ 8 vào năm 2015.
Tiểu thuyết "Lõm" được NXB Thanh Niên ấn hành lần đầu năm 1992. Nội dung tái hiện cuộc chiến đấu đầy thử thách của người chiến sĩ hoạt động trong lòng địch.
Tiểu thuyết "Vườn nắng" được NXB Thanh Niên ấn hành năm 1997. Tác phẩm được nhà văn khởi bút khi tham gia chiến đấu ở mặt trận miền Nam, tái hiện lại cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam trước chính sách xâm lược tàn bạo của giặc Mỹ.
Tập truyện ngắn "Hoa dâm bụt" được NXB Thanh Niên ấn hành lần đầu năm 1999. Các truyện ngắn tập trung làm sáng rõ các chủ đề "Đi tìm ẩn tích Hồ Chí Minh", ""Chung một tình thương", "Những nhân cách".
Tập truyện ký "Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh" được ấn hành lần đầu năm 2005. Trong ảnh là bản do NXB Dân Trí ấn hành năm 2018. Cuốn sách gồm 12 truyện - "Ngày ấy Bác bảy mươi xuân", "Bác Hồ hiển hiện trong tôi", "Những phút giây bên Bác".
Tập truyện ngắn "Nguyến Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga" do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2007. Một số truyện trong cuốn sách như: "Tác giả Quốc ca gặp Quốc kỳ", "Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga"...
Tập truyện "Bác ở nơi đây" được NXB Thanh Niên ấn hành năm 2008. Một số truyện trong cuốn sách như: "Người lái xe của luật sư Lôdơbai", "Anh họa sĩ thương binh hỏng mắt",...
Tập truyện "Tấm chân dung Bác Hồ" được NXB Kim Đồng ấn hành năm 2014. Một số truyện trong cuốn sách như: "Tấm huy hiệu Bác Hồ", "Người giữ mộ"...
Tập truyện "Bác Hồ - Biểu tượng mẫu mực của tình yêu thương con người" được NXB Thanh Niên ấn hành năm 2017, hưởng ứng phong trào "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Tuyển tập thơ "Gửi em chiến nón Bài Thơ xứ Nghệ" được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2013. Trong đó nổi bật nhất là bài thơ cùng tên, được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc thành bài hát "Gửi em chiếc nón bài thơ".
Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh gồm 2 quyển của nhà văn Sơn Tùng vừa được NXB Văn học ấn hành năm 2019, 2020.
Vì "đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc", năm 2011, nhà văn Sơn Tùng đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đến thời điểm này, ông là nhà văn duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này khi còn sống.