Chiến tranh khiến trẻ nhỏ biết nói từ 'chạy' đầu tiên

25/04/2019 - 18:10
Chiến tranh đã khiến biết bao gia đình chia ly, là những tháng ngày khiến đất rung, ngói tan, gạch nát. Ngay cả những đứa trẻ chưa biết đi cũng bị ám ảnh đến nỗi mỗi khi nghe tiếng máy bay là giơ tay đòi bố mẹ bế và nói chạy… Tất cả những hình ảnh đó được tái hiện sinh động thông qua triển lãm trưng bày “Tìm lại ký ức” do Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp thực hiện, tại TPHCM.
Trưng bày “Tìm lại ký ức” nhằm phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt trong dịp Kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019).
 
 
a5.jpg

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - bệnh viện lớn nhất Miền Bắc bị máy bay B-52  ném bom tàn phá vào lúc 4 giờ sáng ngày 22/12/1972

 

Trưng bày “Tìm lại ký ức” đã tái hiện lại cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội, Hải Phòng những ngày cuối năm 1972 sau thời khắc máy bay B-52 của Mỹ rải thảm bom, quân và dân ta đã vượt qua mất mát, đau thương để chiến thắng. Giúp người chưa từng trải nghiệm chiến tranh biết thêm nhiều câu chuyện thời chiến đầy bất ngờ và giàu tính nhân văn.
 
Điều đặc sắc của trưng bày tại đây là bên cạnh những hành ảnh thực về cuộc chiến, trưng bày còn trích dẫn lại những câu chuyện cảm động của các nhân chứng thời chiến, khiến người xem như đang trực tiếp trò chuyện cùng các nhân chứng và cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh.
 
Báo Phụ Nữ Việt Nam xin được dẫn lại một số lời trích cảm động như: Cái nỗi lo nó thấm sâu vào từng thớ thịt, trong mỗi giấc ngủ. Đêm ngủ, tôi mặc tất cả áo ấm cho Phong, để nhỡ phải xuống hầm thì con không bị cảm lạnh. Con trẻ thời chiến khổ thế. Phong sinh năm 1966, sinh ra đã bom đạn như thế rồi. Thằng bé nói rất sớm, chín tháng đã nói sõi. Ngoài “bố, mẹ” thì từ đầu tiên nó biết là “chạy”. Mỗi khi nghe máy bay, Phong bảo “ú…ú…”, bắt chước tiếng máy bay, rồi gọi: “Mẹ…mẹ…bố…bố…chạy…chạy…chạy…” rồi giơ tay đòi bế. Trích lời bà Trịnh Thanh Năng, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam.
 
a1.jpg

Bà Trịnh Thanh Năng, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam và người con của mình

Trích lời bà Phạm Thị Viễn, tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động: Chiến tranh phá hoại của Mỹ đã cướp đi cả cha và mẹ của chị em chúng tôi. Năm 1967, trên đường đi chợ mẹ tôi đã nhường hầm trú ẩn cho một cháu bé, bà bị trúng bom bi vào sọ não mất ngay tại cửa chùa Linh Ứng. Bản thân tôi lúc ấy cũng bị một viên bom bi sượt qua cổ phải nhập viện. Ngay sau đó, tôi đã nộp đơn xin vào đội tự vệ của nhà máy.

 

a2.jpg

Bà Phạm Thị Viễn, tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, quấn khăn tang trực chiến bên mâm pháo 

Tối ngày 22/12/1972, ở vị trí pháo thủ số một, tôi và anh chị em tự vệ nhà máy đã bắn rơi một máy bay F-111A. Đêm 26/12, khi tôi đang trực trên trận địa thì ở nhà, cha tôi bị bom B-52 sát hại! Lo việc chôn cất cha xong, tôi lại tiếp tục lên trận địa trực chiến, cho đến khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

Trích lời ông Vũ Văn Viễn, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội: Trong những năm chiến tranh phá hoại, hệ thống loa truyền thanh của chúng tôi thông báo cho dân khi máy bay địch đến. Tôi ghi lại từng ngày, từng giờ một, từ năm 1964 đến 1972, tất cả là 924 lần báo động. Hai lần tôi nhận được cái giấy cảm ơn, không biết của ai. Một cái viết: “Không có loa của Bác, nhà tôi bây giờ không còn toàn vẹn".
 
a3.jpg

Người dân nghe thông báo về tình hình trận chiến Điện Biên Phủ trên không và Hội nghị Paris từ loa truyền thanh trên phố Hàng Khay, Hà Nội năm 1972 

Ký ức về Hà Nội, Hải Phòng những ngày cuối năm 1972 là hình ảnh: Đất rung, ngói tan, gạch nát. Những cuộc chia ly, mất đi người thân bởi bom đạn, sự ám ảnh về thời khắc máy bay B-52 ném bom rải thảm chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí những người đã trải qua.

Trưng bày còn là dịp để người dân Việt Nam thêm tự hào khi đã lập nên một kỳ tích của thế kỷ XX, là dịp để phi công Mỹ nhớ lại một khoảng lặng trong cuộc đời, giúp mỗi người hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, cùng góp sức xây dựng thế giới hòa bình.
 
Một số hình ảnh trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh:
 
a4.jpg

Ga Hàng Cỏ Hà Nội bị máy bay B-52 đánh sập vào 13 giờ ngày 21/12/1972

a6.jpg

Lời trích của bà Trịnh Thanh Năng, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam 

a7.jpg

Trẻ em chơi đùa bên những gian nhà tạm ở phố Khâm Thiên, đầu năm 1973

a8.jpg

Năm 1972, Hà Nội có 40 vạn hố tránh bom cá nhân và 90.000 hầm trú bom tập thể. Mỗi người dân có ít nhất 3 hầm trú ẩn: Ở nhà, cơ quan và trên đường phố

a9.jpg

Lực lượng dân quân đang luyện tập chiến đấu 

a10.jpg

Nhân dân tu sửa hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, năm 1972 

a11.jpg

Chiến sĩ tự vệ Nhà máy thiết bị Bưu điện Hà Nội củng cố hầm hào và bện con dúi bằng rơm làm nắp hầm trú ẩn

a12.jpg

Khoảnh khắc đoàn tụ xúc động của tử tù Côn Đảo - chiến sỹ tình báo Lê Đình Thức và mẹ sau ngày Giải phóng Miền Nam, tháng 5/1975

a13.jpg

Niềm hạnh phúc của anh Nguyễn Minh Sang khi gặp lại vợ, chị Nguyễn Thị Hà tại điểm trao trả tỉnh Quảng Trị sau 13 năm bị giam trong các nhà tù Mỹ,Ngụy

a14.jpg

Phi công Mỹ được trao trả tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, ngày 12/2/1973

a15.jpg

Niềm vui tột cùng của các chiến sỹ bị giam trong nhà tù Mỹ - Ngụy khi được trở về trong vòng tay chào đón của Bộ đội quân giải phóng, năm 1973

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm