pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chiều con sao cho đúng?
Ảnh minh họa
Hỏi: "Vợ chồng tôi tranh cãi với nhau suốt ngày về việc chiều chuộng con và không chiều chuộng con. Tôi thì bảo vệ quan điểm: Con hư tại mẹ chiều chuộng nên kiên quyết không chiều chuộng con. Còn chồng tôi thì ngược lại, anh ấy luôn cho rằng con cái cần phải được chiều chuộng. Bởi tuổi thơ anh lớn lên không được cha mẹ chiều chuộng nên muốn bù đắp. Bản thân tôi hồi bé cũng đâu được bố mẹ chiều nhưng tôi luôn thấy nhờ sự nghiêm khắc của cha mẹ mà tôi mới nên người như ngày này. Mong nhà văn Hoàng Anh Tú có thể cho vợ chồng tôi nghe ý kiến của anh", Mine Phạm (Hà Nội).
Câu chuyện về chiều chuộng con hay nghiêm khắc với con tôi đã từng chia sẻ không dưới 2 lần trên chương trình "Café Sáng" với VTV3 mà tôi làm chuyên gia. Quan điểm của tôi vẫn là cha mẹ nên chiều chuộng con cái. Nhưng chiều sao cho đúng? Chiều thế nào con sẽ hư? Cha mẹ lỡ chiều con quá đà rồi giờ phải làm sao?
Tôi cho rằng tất thảy câu trả lời đều xoay quanh 2 tiếng: Trách Nhiệm. Là trách nhiệm với những gì cha mẹ đã chiều con. Là hãy biến những chiều chuộng của cha mẹ thành trách nhiệm của con cái, con cái phải có trách nhiệm báo đáp những sự chiều chuộng đó. Đừng để việc chiều chuộng của cha mẹ thành sự mặc nhiên, mặc định trong suy nghĩ của con cái.
Yêu thương thì không có giới hạn nhưng chiều chuộng thì có giới hạn. Yêu thương thì miễn phí nhưng chiều chuộng thì có thu phí. Thứ phí mà các con phải trả là sự thấu hiểu trở lại với cha mẹ.
Những đứa trẻ hư đều là những đứa trẻ không chịu thấu hiểu cha mẹ. Chúng chỉ đòi hỏi cha mẹ đáp ứng cho chúng mọi thứ như sự mặc định: Cha mẹ thì phải thế. Nếu cha mẹ không đáp ứng có nghĩa là cha mẹ hỏng, cha mẹ tệ. Và chúng trừng phạt cha mẹ bằng việc bỏ ăn, nằm lăn ra đất ăn vạ, không thèm nói chuyện với cha mẹ, bỏ nhà đi bụi.
Thậm chí, có những đứa trẻ chọn cái chết để cha mẹ phải hối hận suốt đời. Tất cả những đứa trẻ hư đều bắt nguồn từ việc chúng chưa bao giờ nghĩ đến cha mẹ, chưa bao giờ thấu hiểu cha mẹ, luôn cho rằng cha mẹ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đáp ứng chúng.
Giới hạn của chiều chuộng là đừng chiều chuộng không giới hạn. Cha mẹ cần xây dựng những nguyên tắc và phải giữ vững những nguyên tắc ấy. Đừng hôm nay cha mẹ vui thì các con được tha hồ vi phạm nguyên tắc.
Hôm nay cha mẹ đang khó ở, làm đúng cũng vẫn la mắng con, con xin cái gì cũng từ chối, không cần biết đúng sai. Đừng khiến con cái phải nhìn nét mặt cha mẹ để sống. Là cha mẹ phải xây dựng những nguyên tắc và chính mình phải đảm bảo những nguyên tắc đó được thực thi đúng đắn.
Chiều chuộng cái đúng nguyên tắc, đừng chiều chuộng một cách vô nguyên tắc. Con làm được điều gì hãy ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng. Con làm sai thì phải cắt thưởng và sai nghiêm trọng thì phải có phê bình và trách phạt. Đừng dung túng cái sai chỉ vì "trẻ con thì biết cái gì đâu" hay "nó còn bé chưa hiểu".
Chiều chuộng con kiểu dung túng, thỏa hiệp sẽ khiến con coi cái sai là cái đúng. Bởi cha mẹ có nói gì đâu? Lũ trẻ lớn lên, ngoài những tích lũy kiến thức còn là xây dựng hệ thống giá trị, nhận biết đúng- sai nữa.
Và cuối cùng, chiều chuộng càng không phải nghĩ ra mục tiêu cho con rồi cha mẹ làm mọi thứ để giúp con đạt được mục tiêu đó một cách dễ dàng. Nhiều cha mẹ đã làm vậy, con học kém, thay vì đốc thúc con học, giúp con ôn luyện, tăng cường kiến thức thì cha mẹ lại chọn đi đường ngắn hơn, đến gặp giáo viên với cái phong bì để xin điểm cho con.
Con ra trường không có mục tiêu gì hết, cha mẹ lại chạy đôn chạy đáo nhờ vả bạn bè, chỗ quen biết xin cho con một chỗ làm. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn đi hỏi chồng, hỏi vợ cho con. Nhiều "đứa trẻ" 40 tuổi đầu vẫn ở nhà cha mẹ cho, hàng tháng vẫn có "lương" từ cha mẹ dưới danh nghĩa: Ông bà cho tiền nuôi cháu. Chiều chuộng như vậy là hủy hoại tương lai của con mình.
Hãy cùng con xây dựng mục tiêu. Chiều chuộng con là cho con không gian để con lớn, con tự quyết được tương lai của con. Chiều chuộng con là hỗ trợ con đứng trên vai người khổng lồ chứ không phải làm thay con. Chiều chuộng con là thế chứ không phải là ép con phải theo nghề của cha mẹ chỉ bởi cha mẹ có cửa sẵn sàng cho con, con đỡ phải vất vả.
Hy vọng những gợi mở này của tôi sẽ giúp vợ chồng bạn tìm ra cách chiều con sao cho đúng!