Nữ giám đốc doanh nghiệp nhỏ mong "gỡ khó" hậu Covid

Trần Lê
22/06/2020 - 10:00
Nữ giám đốc doanh nghiệp nhỏ mong "gỡ khó" hậu Covid
"Là chủ một doanh nghiệp quy mô nhỏ nên tôi rất mong muốn các kênh hỗ trợ chính thống đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi thì chúng tôi mới có cơ hội vay vốn hay tiếp cận được với các Chính sách hỗ trợ hậu Covid-19 từ nhà nước", chị Ngọc Ánh, Giám đốc một công ty du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp vì dịch Covid-19, chia sẻ

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề do dịch bệnh, nhiều công ty du lịch trong nước lao đao. Có cách nào để hỗ trợ, gỡ khó cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực du lịch?

Trải lòng dưới đây của chị Ngọc Ánh (Giám đốc công ty du lịch MKT) sẽ giúp bạn hiểu hơn về những khó khăn họ đã và đang phải vượt qua.

"Phải đến cuối năm 2022 may ra mới hồi phục được"

Trước Covid-19, cụ thể là từ cuối năm 2019, công ty tôi đã dự đoán năm nay là một năm cất cánh. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều booking từ khách hàng. Với một doanh nghiệp mới thành lập được khoảng 3 năm như công ty tôi thì đây là tín hiệu rất mừng.

Đặc thù của công ty tôi là chỉ làm dịch vụ với khách từ Châu Âu vào Việt Nam (chúng tôi chuyên về thị trường Pháp), khách sang rất đông. Cao điểm du lịch là từ tháng 11 năm ngoái đến hết tháng 4 năm nay. Đầu năm 2020, chúng tôi đã gấp rút chuẩn bị các kế hoạch đón khách. Và chúng tôi cũng có rất nhiều tour đã chốt vào cuối năm nay nữa.

Khi dịch Covid-19 đến, vẫn là lúc khách của chúng tôi đang và chuẩn bị vào Việt Nam. Chúng tôi vừa làm vừa lo. Vừa trấn an khách, vừa lo tìm chỗ thăm quan thay thế cho các điểm đóng cửa. Vừa giao dịch báo tin hàng ngày cho các hãng gửi khách cho chúng tôi và vừa lo hủy các tour không thể thực hiện được khi Chính phủ quyết định đóng cửa biên giới với khách nước ngoài.

Có thể nói thời điểm đó, chúng tôi không yên giấc được chút nào, liên tục cập nhật tình hình và chạy đua với dịch. Cũng may, công ty của tôi không bị một đoàn nào phải dính cách ly nên cũng đỡ hơn nhiều với các đồng nghiệp khác của tôi.

‘Chính sách hỗ trợ hậu Covid-19 không dành cho doanh nghiệp nhỏ’ - Ảnh 1.

Thị trường du lịch Inbound đóng băng vì dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Trong một thời gian ngắn, mọi thứ đóng lại trước mắt chúng tôi. Ban đầu khi mới có dịch ở Trung Quốc và xuất hiện ở vài nước Châu Á thôi, tôi rất lạc quan. Nhưng khi dịch lan ra toàn thế giới thì quả thực tôi đã nhìn thấy muôn vàn khó khăn.

Để nói so sánh thời điểm trước Covid-19 và thời điểm hiện tại thì quá dễ dàng. Trước đây, chưa có dịch, chúng tôi vô cùng bận rộn. Cũng là ăn không ngon ngủ không yên nhưng là để lo cho các đoàn vào dồn dập, lo kiểm soát chất lượng dịch vụ tới khách hàng. Và bận rộn nhận những booking mới cho giai đoạn cuối năm, cập nhật sản phẩm cho năm tới, trả lời yêu cầu của khách hàng liên tục.

Nhưng bây giờ thì chúng tôi hoạt động cầm chừng. Số lượng nhân sự đi làm đã cắt giảm. Thời lượng làm việc mỗi tuần cũng không còn nhiều. Cho đến thời điểm bây giờ, chúng tôi liên tiếp nhận được những email của khách hàng đòi hủy tour cuối năm nay và hỏi bao giờ thì Việt Nam mở cửa trở lại. Thú thật là chúng tôi cũng không biết đến bao giờ mới hết dịch và bao giờ khách quốc tế mới được phép quay trở lại. Phần vẫn muốn khách đừng hủy tour để có thể cuối năm chúng tôi vớt vát được chút nào hay chút ấy, phần thì lại lo sợ dịch mà chưa hết thì có mở cũng không an toàn.

Theo dự đoán của cá nhân tôi, để khách Châu Âu quay lại thì cũng phải đến đầu năm 2021 và để lượng khách như cũ thì phải đến cuối 2022 may ra mới hồi phục được. Tình hình vô vàn khó khăn với ngành du lịch của chúng tôi.

Chị Đỗ Ngọc Ánh, Giám đốc công ty du lịch MKT

Giải quyết những khó khăn trước mắt

Trước mắt, cũng như nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch khác, chúng tôi buộc phải giảm giờ làm và giảm lương nhân viên. May mắn là công ty tôi nhỏ, nhân sự còn chưa nhiều nên cũng đỡ phần nào gánh nặng chi phí. Chúng tôi cố gắng duy trì nhân sự để đến khi nào có khách quay lại sẽ không phải tuyển nhân sự mới.

Để thêm thu nhập trong giai đoạn này, mặc dù là công ty chỉ làm Inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) nhưng chúng tôi đang thử sức tiếp cận thị trường khách nội bằng cách lựa chọn những sản phẩm uy tín mà chúng tôi đã trải nghiệm cho khách Tây và được đánh giá cao để giới thiệu tới khách nội. Đây là nguồn thu duy nhất tại thời điểm hiện tại của chúng tôi, cũng là để có việc làm cho đỡ chán.

‘Chính sách hỗ trợ hậu Covid-19 không dành cho doanh nghiệp nhỏ’ - Ảnh 3.

Thị trường khách nội là nguồn thu duy nhất của công ty chị Ngọc Ánh tại thời điểm hiện tại. Ảnh minh họa

Tôi cũng đã tìm hiểu qua các chính sách hỗ trợ hậu Covid-19 của Chính phủ nhưng tôi có cảm giác nó không dành cho các công ty nhỏ như chúng tôi. Để tiếp cận được cũng cần nhiều thủ tục lằng nhằng lắm. Nên chúng tôi không còn mong đợi gì cả.

Với gói vay ưu đãi của ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, cùng với lý do như trên, rất khó để chạm được tới những gói vay ưu đãi ấy. Tôi có hỏi rất nhiều người bạn làm trong ngân hàng, họ cũng nói là chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn thôi, vì dù sao nó cũng có tính đảm bảo hơn.

‘Chính sách hỗ trợ hậu Covid-19 không dành cho doanh nghiệp nhỏ’ - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ mong được tiếp cận với các gói vay ưu đãi. Ảnh minh họa

Tôi có tham khảo chính sách hỗ trợ ở môt số nước khác thì thấy rất đơn giản. Ví dụ ở Singapore, bạn tôi nói chuyện, chỉ cần bạn làm trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề (du lịch là một ví dụ) thì dù tài khoản ngân hàng bạn vẫn có nhiều tiền, bạn vẫn được Chính phủ hỗ trợ, không cần phải qua nhiều thủ tục hay điều kiện phức tạp gì. Đối với các doanh nghiệp, chính phủ hỗ trợ lương cho công nhân viên và giảm chi phí thuê văn phòng... cắt giảm các loại thuế nhà, thuế doanh nghiệp, chi phí cầu đường (ERP)... Đặc biệt, đối với ngành du lịch thì Singapore Tourism Board hỗ trợ 1.000 đô la Singapore cho mỗi hướng dẫn viên. Và còn nhiều ưu đãi khác mà Chính phủ xử lý rất nhanh chóng và triệt để.

Là chủ một doanh nghiệp quy mô nhỏ nên tôi rất mong muốn các kênh hỗ trợ chính thống đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi thì chúng tôi mới có cơ hội vay vốn hay tiếp cận được với các Chính sách hỗ trợ hậu Covid-19 từ nhà nước.

Những giải pháp nào giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hậu Covid-19? PNVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm