Chính sách “ngày đèn đỏ” và thách thức từ định kiến

Kim Nguyên
10/06/2022 - 10:31
Chính sách “ngày đèn đỏ” và thách thức từ định kiến

Hầu hết phụ nữ gặp vấn đề về sức khỏe trong ngày hành kinh nhưng cố chịu đựng và tham gia làm việc - Ảnh: Getty

Hầu hết phụ nữ gặp vấn đề đau đớn trong ngày hành kinh đều cố vượt qua và đi làm do cảm thấy miễn cưỡng khi nói về các triệu chứng liên quan đến kinh nguyệt với cấp trên. Đưa ra chính sách cho phụ nữ hưởng chế độ nghỉ ngày “đèn đỏ” là một tiến bộ nhưng bản thân chính sách này cũng khiến phụ nữ gặp nhiều áp lực trước nguy cơ gia tăng kỳ thị.

Đầu năm 2020, Jessie, một biên tập viên 28 tuổi ở thành phố New York, đã ngất xỉu tại cơ quan chỉ ba tháng nhận việc mới. Jessie biết hôm đó có thể là ngày mình hành kinh, nhưng cô cần có mặt tại văn phòng để quay video vì nhóm thiếu người.

Jessie không xin nghỉ phép vì cho rằng hành kinh không được xem là bệnh. Khi bắt đầu thấy đau, chuột rút dữ dội ở bụng và lưng dưới, cô uống ibuprofen và cố gắng tiếp tục làm việc. 15 phút sau, cơ thể Jessie nặng nề và yếu ớt, cô được dìu vào nằm và sau đó đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, Jessie chỉ đơn giản muốn về nhà và nằm nghỉ. Nếu được cơ quan tạo điều kiện có thể nghỉ việc hoặc làm việc tại nhà khi đau, cô sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

Trên thực tế, nhân viên tại một số công ty được hưởng chế độ nghỉ ngày "đèn đỏ", cho phép những người có các triệu chứng kinh nguyệt hoặc mãn kinh khó chịu có thể làm việc từ xa và hưởng một số ngày nghỉ phép có lương, bên cạnh kỳ nghỉ phép có lương hoặc nghỉ do đau ốm bắt buộc.

Chế độ nghỉ ngày "đèn đỏ" trên thế giới

Trên thế giới, nghỉ phép ngày "đèn đỏ" đã tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trong ít nhất một thế kỷ. Liên Xô đưa ra chính sách quốc gia vào năm 1922, Nhật Bản vào năm 1947 và Indonesia vào năm 1948, nhưng nó vẫn ít phổ biến ở nhiều nền kinh tế lớn, bao gồm cả Mỹ, nơi Jessie sống. Hiện nay, phong trào ủng hộ nghỉ ngày "đèn đỏ" đang phát triển, khi ngày càng nhiều công ty trên khắp thế giới bắt đầu quan tâm đến vấn đề sức khỏe này. Tuy nhiên, nó cũng bị một số người chỉ trích về vấn đề công bằng, cho rằng có thể làm tăng kỳ thị về kinh nguyệt hơn nữa.

Trong khi một số phụ nữ trải qua chu kỳ kinh nguyệt bình thường, nhiều người khác, đặc biệt là những người mắc các chứng bệnh như lạc nội mạc tử cung hoặc rối loạn tiền kinh nguyệt có thể bị chuột rút, đau lưng và đau nửa đầu. Hầu hết phụ nữ đều cố vượt qua cơn đau và đi làm do cảm thấy miễn cưỡng khi nói về các triệu chứng liên quan đến kinh nguyệt với cấp trên.

Chính sách “ngày đèn đỏ” và thách thức từ định kiến - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Kết quả cuộc khảo sát vào năm 2021 từ Victorian Women’s Trust and Circle In, một nhà cung cấp phần mềm nhân sự tại Melbourne, Úc, cho thấy: 70% trong số 700 người khảo sát cảm thấy không thoải mái khi nói với quản lý về các triệu chứng mãn kinh trong khi 83% cho biết kết quả công việc bị ảnh hưởng tiêu cực. Điều này có xu hướng trầm trọng hơn khi không có các chế độ nghỉ vào ngày hành kinh, nguyên nhân thường khiến phụ nữ bỏ qua các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Úc là một trong những quốc gia trên thế giới áp dụng các chế độ nghỉ ngày "đèn đỏ" và ưu tiên quyền lợi này. Thị trường lao động Úc thu hẹp do đại dịch, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang tìm cách để giữ chân nhân tài và nghỉ phép là một đặc quyền có thể giúp giữ cho người lao động trung thành và gắn bó. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp cũng thấy được những lợi ích từ chính sách nghỉ ngày "đèn đỏ". Kristy Chong, Giám đốc điều hành của Modibodi, một công ty sản xuất nội y tại Balmain (Úc), đã đưa ra chính sách 10 ngày nghỉ phép có lương cho nhân viên vào tháng 5 năm ngoái. "Bằng cách hỗ trợ phụ nữ với những quyền lợi này, bạn đã trao quyền để họ thực sự muốn làm việc và nỗ lực hết mình".

Nguy cơ gia tăng kỳ thị và những thách thức

Tuy nhiên, chế độ nghỉ ngày "đèn đỏ" vẫn còn phức tạp và vướng phải nhiều hoài nghi. Đặc biệt, một số người lo ngại điều này có thể cản trở bình đẳng giới tại nơi làm việc vì những nhân viên trong chu kỳ hành kinh sẽ được đối xử khác biệt.

Theo Gabrielle Golding, giảng viên tại Trường Luật Adelaide của Nam Úc, việc quan trọng hóa cơ thể phụ nữ có thể thúc đẩy những định kiến cho rằng họ là những nhân viên có năng lực thấp hoặc không có khả năng làm việc khi hành kinh. Melissa Dobman, một nhà tâm lý học tổ chức, cũng lo ngại rằng phụ nữ có thể quá "xúc động" nếu thảo luận về các triệu chứng kinh nguyệt trong văn phòng.

Ngay cả khi chế độ nghỉ ngày "đèn đỏ" được đưa ra thì cũng phải cho người lao động cảm thấy họ đang ở trong một môi trường có thể tận dụng quyền lợi này. Thực tế cho thấy như ở Nhật Bản, ngay cả những người có chế độ bảo hiểm cũng tránh nghỉ vào ngày hành kinh do "xấu hổ và kỳ thị", hoặc cho rằng điều đó có thể cản trở sự nghiệp, trừ khi họ cảm thấy cấp trên thực sự ủng hộ.

Tuy nhiên, việc nghỉ phép có lương hoặc lựa chọn làm việc tại nhà vào ngày "đèn đỏ" không phải là chính sách phổ biến tại các doanh nghiệp. Những người bận rộn như nhân viên dịch vụ buộc phải lựa chọn giữa nghỉ phép và tiền lương. "Quyền được nghỉ việc hưởng lương cần được quy định trong một quy chế áp dụng rộng rãi, có nghĩa là phụ nữ thuộc nhiều thành phần kinh tế xã hội sẽ có cơ hội được nghỉ phép", Golding nói.

Người lao động với các triệu chứng đặc biệt liên quan đến kinh nguyệt có thể hoàn toàn rời bỏ thị trường lao động. Ví dụ, nhân viên trải qua thời kỳ mãn kinh có nguy cơ bỏ việc đáng kể, theo một nghiên cứu năm 2021 do Ngân hàng Standard Chartered của Vương quốc Anh công bố. Báo cáo cho thấy, 25% trong số 2.400 người tham gia trả lời cho biết những triệu chứng mãn kinh cũng như việc thiếu hỗ trợ từ cơ quan và đồng nghiệp khiến họ dễ bỏ việc hơn. 22% khác cho biết những yếu tố tương tự khiến họ có nhiều khả năng nghỉ hưu sớm hơn.

Nguồn: BBC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm