Bên lề cuộc họp này, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết: Phiên họp lần này, cả 2 phía chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động đã hiểu nhau hơn và có trách nhiệm chung, cũng như nhận thức rất rõ việc tăng lương tối thiểu sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp.
Theo ông Quảng, 2 bên cũng hiểu rõ “tăng lương tối thiểu cũng là động lực cho người lao động cống hiến cho doanh nghiệp nhiều hơn”. Trước khi bỏ phiếu chốt phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hy vọng 2 bên sẽ chốt được mức đề xuất tối thiểu là từ 5,6% đến 6,5%.
Còn phía đại diện giới chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết sẽ có tính toán và điều chỉnh mức đề xuất lương tối thiểu vùng một cách phù hợp cho giới chủ sử dụng lao động; cho nên “chúng tôi cần có sự thương lượng kỹ hơn để bảo đảm 2 bên hiểu nhau và chốt được mức đề xuất tăng lương tối thiểu”.
Trước khi chốt phương án đề xuất tăng lương, đại diện VCCI cho biết đã đề xuất mức mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 1% đến 2%. Vị đại diện này băn khoăn: “Năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tụt 4 bậc, từ 74 thành 77. Chúng ta đang hội nhập, độ mở nên kinh tế rất cao, chúng ta cũng cần nâng cao năng lực canh tranh cho doanh nghiệp để chúng ta trụ lại được trên sân nhà. Nếu không tính kỹ vấn đề này thì nền kinh tế và người lao động sẽ thua thiệt”, ông Phòng nói.
Sau 3 tiếng đồng hồ họp kín, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đã thông tin kết quả được cho là “tích cực với sự thương lượng thiện chí của các bên và đạt được mức đề xuất là khá lạc quan”.
Theo đó, phương án được chốt là đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức 5,5%.
Ông Doãn Mậu Diệp cho biết thêm, trong bối cảnh có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của Việt Nam, chiến tranh thương mại; đồng thời nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng hơn và cạnh tranh quyết liệt hơn trên trường quốc tế. Cộng đồng doanh nghiệp không phải là không mong muốn cải thiện đời sống, thu nhập của người lao động, nhưng ngoài mong muốn cải thiện đời sống của người lao động họ còn phải tiếp tục phải nâng cao năng lực cạnh tranh để có điều kiện tích lũy để đầu tư, mở rộng sản xuất.
Tuy vậy, ông Diệp khẳng định: “Cần nhấn mạnh là chúng ta đang bàn đến mức tiền lương tối thiểu trong năm 2020 chứ không phải là bàn về các vấn đề sẽ tác động đến doanh nghiệp”.
Sau một thời gian thương lượng rất thiện chí giữa các bên, phương án được chốt là đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức 5,5%.
Theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng hiện hành áp dụng từ ngày 1/1/2019, tiền lương tối thiểu vùng đã tăng thêm từ 160.000 đồng - 200.000 đồng trên 4 vùng lương so với năm 2018. - Vùng 1 là 4.180.000 đồng (tăng thêm 200.000 đồng so với mức của năm 2018). - Vùng 2 là 3.710.000 đồng (tăng thêm 180.000 đồng so với mức của năm 2018). - Vng 3 là 3.250.000 đồng (tăng thêm 160.000 đồng so với mức của năm 2018). |