Chính trường Anh nổi sóng vì Thủ tướng Boris Johnson muốn 'treo' Nghị viện

30/08/2019 - 09:36
Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã chấp thuận đề xuất từ Thủ tướng Boris Johnson về việc sẽ đóng cửa Nghị viện Anh trong thời gian tiến sát đến thời hạn Brexit từ ngày 10/9 đến ngày 14/10. Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow cho rằng 'treo' Nghị viện là xâm phạm Hiến pháp nghiêm trọng. 1,3 triệu người đã ký đơn phản đối.
boris-johnson-1.jpg
Thủ tướng Boris Johnson tiếp kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth II
Chính phủ mới của Thủ tướng Boris Johnson đã nhiều lần cam kết đưa Anh rời Liên minh châu Âu vào ngày 31/10 dù có thỏa thuận hay không. Trở ngại lớn nhất cho các kế hoạch của ông Johnson vẫn là khả năng phủ quyết từ Quốc hội. Động thái đề xuất dừng hoạt động Quốc hội 1 tháng diễn ra ngay sau khi một nhóm nghị sĩ có kế hoạch từ tuần tới sẽ bắt đầu thảo luận và trình một dự luật ngăn chặn khả năng Brexit không thỏa thuận. Do đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đề nghị Nữ hoàng Elizabeth II cho Nghị viện “tạm ngừng” hoạt động từ ngày 10/9 tới ngày 14/10 trong bối cảnh hạn chót Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) sẽ diễn ra ngày 31/10. Ông khẳng định nước Anh sẽ rời EU vào thời điểm này dù có hay không có thỏa thuận.
Trong diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng Brexit của nước Anh, Nữ hoàng Elizabeth II đã phê chuẩn kiến nghị đình chỉ Quốc hội của Chính phủ Anh. Quyết định này được cho là khá bất ngờ, khi người cai trị Vương quốc Anh thường kiên quyết từ chối can dự vào chính trị trong suốt thời gian trị vì của mình.
Quyết định này của ông Boris Johnson gây lo ngại trong chính giới Anh từ nhiều tuần nay là chính phủ của ông Boris Johnson sẽ tìm cách “treo” Nghị viện Anh trong thời gian tới nhằm triệt tiêu các tranh luận cũng như các cản trở trong việc thực thi ý định rời Liên minh châu Âu vào ngày 31/10 mà không có thoả thuận Brexit. Đây được coi là bước đi quyết liệt của ông Boris Johnson khiến nước Anh rơi vào một cuộc khủng hoảng lập hiến nặng nề. Bản thân nhiều thành viên đảng Bảo thủ lo ngại, động thái này có thể dẫn đến khả năng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng.
Các thành viên của Nghị viện Anh dự kiến sẽ quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ hè vào ngày 3/9. Tuy nhiên, động thái trên của Thủ tướng Anh Boris Johnson nghĩa là các nghị sĩ sẽ chỉ có khoảng 1 tuần để thông qua bất kỳ văn bản nào nhằm ngăn cản Brexit không thỏa thuận.
Động thái của Thủ tướng Anh khiến các chính trị gia phản đối. Chủ tịch Hạ viện Anh, ông John Bercow tuyên bố, đây sẽ là một sự xâm phạm Hiến pháp nghiêm trọng. Các đảng phái đối lập tại Vương quốc Anh cũng đã lập tức phản ứng. Chủ tịch đảng dân tộc Scotland (SNP), bà Nicola Sturgeon tuyên bố đảng của bà sẽ nhanh chóng tiến hành các bước đi để ngăn chặn hành động của ông Johnson. Thủ hiến vùng Scotland Nicola Sturgeon đã viết trên Twitter rằng: "Trừ khi Nghị viện đứng lên ngăn cản ông ấy vào tuần sau, nếu không thì ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử như một ngày đen tối cho nền dân chủ Anh".
jeremy-corbyn.jpg
Thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn (thứ 2 từ phải sang) kêu gọi lật đổ chính phủ của ông Johnson
Trên Twitter, nghị sĩ đảng Xanh Caroline Lucas đã gọi hành động của ông Johnson là "hèn nhát" khi ra quyết định "treo" Nghị viện vì biết trước rằng việc tiến hành Brexit không thỏa thuận sẽ bị nhiều nghị sĩ phản đối nếu lấy ý kiến chung. Còn thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn tiếp tục phát đi lời kêu gọi toàn bộ các đảng đối lập liên kết để lật đổ chính phủ của ông Johnson.
Biểu tình đã xảy ra tại nhiều thành phố của Anh. Nhiều nghị sĩ viết thư đề nghị được tham vấn với Nữ hoàng để thay đổi kế hoạch. Trong khi đó, một bản kiến nghị trực tuyến phản đối quyết định của Thủ tướng cũng đã thu hút 1,3 triệu chữ ký ủng hộ. Lãnh đạo Công đảng đối lập chính Jeremy Corbyn đã viết một thư đề nghị được tiếp kiến Nữ hoàng Elizabeth II để bày tỏ sự phản đối của mình. Lãnh đạo đảng Tự do Jo Swinson cũng làm tương tự.
Theo một nghiên cứu của hãng tin Reuters, tình trạng bất ổn tại Anh liên quan tới tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ tiếp tục tác động bất lợi tới thị trường chứng khoán nước này trong năm 2020 khi các nhà đầu tư tiếp tục bán tài sản của Anh. Chỉ số chứng khoán hàng đầu FTSE 100 của thị trường chứng khoán London (Anh) dự kiến đạt 7.300 điểm vào cuối năm 2019, chỉ tăng 3% so với hiện nay. Như vậy, chỉ số này ước tính sẽ tăng 8,5% trong cả năm 2019 sau khi giảm hơn 12% trong năm 2018.
 
boris-johnson-2.jpg
Biểu tình phản đối quyết định "trep" Nghị viện của ông Johnson
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Anh đã giảm 0,2% trong quý 2/2019, so với mức tăng 0,5% trong quý 1/2019. Nhiều nhà đầu tư, môi giới chứng khoán cho rằng các thị trường chứng khoán ở Anh và châu Âu sẽ có xu hướng suy giảm và biến động mạnh do khối lượng chứng khoán giao dịch sụt giảm. Theo chiến lược gia cổ phần Emmanuel Cau của Barclays European, mặc dù chính sách giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới phần nào mang lại sự hỗ trợ, song cuộc chiến thương mại “leo thang” làm tăng rủi ro suy giảm đối với kinh tế thế giới, trong khi bất ổn liên quan tới Brexit đang gia tăng và tính thanh khoản thấp có thể khiến các biến động thị trường càng mạnh hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm