Chớ chủ quan khi bị bầm máu trên da

Bài, ảnh: Hoàng Duy
05/11/2022 - 10:29
Chớ chủ quan khi bị bầm máu trên da

Điều trị sớm sẽ dự phòng được tình trạng đau mạn tính và biến dạng khớp. Ảnh minh họa

Bé Trần Thanh Hải (2 tuổi) ở TP Hải Phòng có biểu hiện như da bị bầm máu mà không do va đập hay ngã. Ban đầu, gia đình bé Hải nghĩ rằng do con mình nô nghịch nên bị bầm tím vài chỗ. Nhiều ngày sau, bé Hải quấy khóc, kêu đau ở khuỷu tay, đầu gối. Hiện tượng này bắt đầu tăng lên và kéo dài khiến bé ngủ không yên giấc.

Khi gia đình đưa bé Hải đến bệnh viện địa phương khám, các bác sĩ đã cho bé chuyển lên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để khám và điều trị. Tại đây, bé được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh Hemophilia A, một thể bệnh Hemophilia phổ biến do thiếu yếu tố đông máu VIII.

Bệnh máu khó đông (hay còn gọi là Hemophilia) là bệnh chảy máu di truyền do giảm hoặc bất thường chức năng yếu tố VIII (Hemophilia A) hoặc yếu tố IX (Hemophilia B). Gene quy định tổng hợp yếu tố VIII và IX nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X, di truyền lặn. Vì vậy, đa số người bệnh là nam giới, còn nữ giới mang gene bệnh. Hemophilia là bệnh di truyền, tuy nhiên có khoảng 1/3 số bệnh nhân không phát hiện được tính chất di truyền. Những trường hợp này được coi là do đột biến chuyển gene bình thường thành gene bệnh và gene bệnh này cũng di truyền cho thế hệ sau.

TS. BS. Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương), cho biết, biểu hiện của bệnh rất đa dạng: Chảy máu bất thường, tự nhiên hoặc sau phẫu thuật có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, cơ và khớp thường hay bị chảy máu hơn, khiến nhiều người nhầm tưởng là bệnh của cơ, khớp. Chảy máu khớp thường gặp nhất ở bệnh nhân Hemophilia. Đây là loại chảy máu nguy hiểm vì khi tái phát nhiều lần gây ra biến dạng khớp, teo cơ. Chảy máu khớp có thể xuất hiện tự nhiên hoặc sau chấn thương. Nếu điều trị muộn sau 4 giờ thì cảm giác đau có thể tăng lên, khớp sẽ sưng và việc điều trị sẽ kéo dài hơn. Trẻ lớn có thể nhận biết được chảy máu khớp trước khi đau và sưng xảy ra với cảm giác gai châm hoặc kiến bò trong khớp.

"Điều trị sớm sẽ dự phòng được tình trạng đau mạn tính và biến dạng khớp. Chảy máu trong cơ cũng thường gặp và xuất hiện tự nhiên hoặc sau chấn thương. Những cơ hay bị chảy máu là: Cẳng chân, đùi, cánh tay và chảy máu cơ gây ra sưng đau", bác sĩ Mai cho biết.

Một dấu hiệu quan trọng trong chảy máu cơ là cảm giác đau, nóng, ngứa ran hoặc tê bì. Nếu không được điều trị sớm, cơ sẽ bị phá huỷ và có thể gây liệt.

Xuất huyết não có thể xuất hiện tự nhiên hoặc sau chấn thương, ví dụ bị ngã hoặc đập đầu vào vật cứng. Triệu chứng chảy máu não có thể xảy ra ngay hoặc vài ngày sau chấn thương, bao gồm: dễ kích ứng, ngủ gà, đau đầu, lú lẫn, nôn, buồn nôn, nhìn đôi… Tất cả những sang chấn ở đầu đều nghiêm trọng và cần được điều trị sớm để tránh chảy máu não và các hậu quả của chúng. Chảy máu ở mặt, cổ và ngực có thể được coi là nghiêm trọng vì sưng nề có thể gây chèn ép đường thở.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai chia sẻ thêm, nhiễm trùng cũng có thể làm sưng cổ và đôi khi khó có thể phân biệt hiện tượng sưng là do nhiễm trùng hay do chảy máu. Tất cả các trường hợp sưng cổ đều được coi là do chảy máu và phải được điều trị.

Ngoài ra, bệnh nhân còn bị chảy máu ở các vị trí khác trên cơ thể như dưới da. Chảy máu từ vết đứt tay, đứt chân hoặc xước da có thể kéo dài và hồi phục sau vài ngày mà không cần điều trị. Chảy máu miệng, lợi và mũi cũng thường gặp. Bệnh nhân cũng có thể bị xuất huyết tiêu hoá. Tỉ lệ bệnh nhân Hemophilia bị xuất huyết tiêu hóa gặp nhiều gấp 5 lần so với người bình thường. Khi bị chảy máu, người bệnh cần được tiến hành điều trị kịp thời. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh nhân có thể xuất hiện các biến chứng như tổn thương não, các khớp bị phá hủy, nhiễm trùng nội tạng, đe dọa tính mạng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm