Vợ chồng Hòa - Thanh những ngày còn son rỗi. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chia sẻ này được anh Hà Cộng Hòa (SN 1992) đăng trên trang facebook cá nhân đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các chị em.
Hòa cho biết, anh đang công tác trong ngành tài chính ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, còn chị Đoàn Thị Hoài Thanh (SN 1992), vợ anh, làm cùng cơ quan, xong hiện nay Thanh đang nghỉ sinh con ở quê ngoại -tỉnh Gia Lai.
Ông bố 9x tâm sự: “Vợ con ở quê nên ngày nào mà tôi không gọi facetime cho 2 mẹ con cô ấy thì coi như đêm đó mất ngủ. Tôi nhớ vợ con lắm, cô ấy nghỉ sinh được 2 tháng rồi, có lẽ cuối tháng 5 tới, tôi sẽ đón vợ con xuống Bình Phước thôi”.
Anh Hòa kể: “Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm đó, mặc dù phải vật vã với những cơn đau đẻ, nhưng cô ấy vẫn cười rất tươi chờ tôi tới bệnh viện. Khi tôi đến bên giường, Thanh còn xoa bụng bảo "Bé Cám chờ ba về mới chịu ra đấy".
Hòa nhớ lại cảm xúc hỗn độn, khó quên trong đời mình: “Đến 8h sáng thì vợ tôi bị vỡ nước ối. Tôi đỡ vợ từ phòng chờ sang phòng sinh mà hoang mang quá. Cô ấy bắt đầu khóc vì đau dồn dập, nước ối thì lênh láng khắp sàn. Tôi thì chỉ biết vừa nắm tay vừa nói "ráng lên em".
Hoài Thanh tươi trẻ lúc mang bầu |
Đến đầu dãy phòng sinh thì cô hộ lý quát rất to: "Ai cho anh vào đây. Để thai phụ đi một mình, anh ra ngay đi". Tôi vẫn ráng đỡ vợ thêm 1 đoạn nữa. Cô ấy bảo: "Thôi anh ra đi, em tự vào được". Nhìn cô ấy bước đi khó khăn, từ phía sau tôi cũng có thể tưởng tượng được vợ đang đau như thế nào!
Một giờ trôi qua, vẫn chưa thấy vợ mình ra. Vợ người ta vào sau mà ra hết rồi, cứ mỗi lần có giường sản phụ nào được đẩy ra, tôi lại lao vào ngó mặt, nhưng vẫn là vợ người ta. Tôi bắt đầu nóng lạnh không ngừng. Nhìn sang thấy mẹ vợ ngóng con gái đến tụt cả huyết áp mà thương quá.
Lại thêm 1 giờ ngóng đợi nữa, tôi không được vào phòng đẻ, nên cũng chẳng biết phải làm sao, đành nhờ 1 chị vào khám thai xem dùm vợ tôi thế nào. 15 phút sau, chị ấy ra bảo: "Cô ấy đang quỳ dưới đất ôm bụng khóc chứ chưa đẻ".
Nước mắt tôi bắt đầu chảy. Cảm giác lúc đó không thể diễn tả. Chỉ ước, người bị đau trong cái phòng đó là tôi chứ không phải cô ấy!
Thêm 1 giờ nữa trôi qua, bác sĩ ra báo với tôi: "Vợ em khó đẻ rồi, kiệt sức rồi nhưng vẫn chưa đẻ được, bây giờ phải truyền nước để có sức đẻ, em phải ký vào đây thì chị mới truyền được". Tôi cầm ngay cây bút ghi thông tin của mình mà không còn nhớ được tên công ty mình làm là gì để ghi nữa, phải 5 giây sau mới trấn tĩnh lại được, tay vẫn run bần bật nguệch ngoạc cho xong.
Hòa - Thanh trong ngày cưới |
11h45, tôi vừa bước ta khỏi nhà vệ sinh thì mẹ vợ tôi chạy vội lại bảo: "Bác sĩ tìm con kìa, nhanh lên". Tôi chạy ào đến thì vẫn chẳng thấy vợ đâu cả. Tôi bắt đầu hoang mang tột độ, hỏi y tá: "Vợ em đâu chị?".
"Vợ em khó đẻ rồi, đồng ý mổ thì ký vào đây nhanh đi em". Tôi lại cầm cây bút đó 1 lần nữa. Chưa bao giờ tôi lại sợ chữ ký của mình như vậy.
Ký xong, tôi mới nghĩ lại, tại sao có bố mẹ vợ ở đó, vào lúc khẩn cấp như vậy mà phải tìm tôi để ký?
Cái khoảng khắc ấy, tôi mớt chợt nhận ra rằng, bây giờ tôi là người quyết định mạng sống của cô ấy, chứ không phải là cha mẹ cô ấy nữa rồi. Trong tình huống khẩn cấp như thế, vai trò của chồng còn quan trọng hơn cả người thân của cô ấy.
Vợ tôi đã chịu bao đau đớn, nguy hiểm để sinh hạ đứa con gái bé bỏng, dễ thương. Làm sao tôi có thể không yêu cô ấy nhiều hơn!".