Chọn nghề theo kiểu tình yêu sét đánh là hỏng

02/04/2018 - 15:32
Chọn ngành nào phù hợp khả năng, dễ xin việc, lương cao… luôn là những băn khoăn khiến cả con cái và cha mẹ đều đau đầu. Thí sinh nên đặt bút lựa chọn ngành nào để điền vào hồ sơ đăng ký, khi kỳ thi đang đến rất gần?

Xử lý xung đột giữa bố mẹ và con cái

Chọn ngành nghề phù hợp là vấn đề thường gây ra mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ. Không ít phụ huynh tỏ ra áp đặt khi buộc con mình phải theo nghề này, nghề kia bởi đơn giản họ nghĩ là phù hợp với con, vì họ hiểu con mình.

Nhưng đôi khi không như vậy! Điều này được TS tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng – giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ rất thật trên một diễn đàn trực tuyến về tư vấn nghề nghiệp mới đây, rằng cha mẹ không thể làm hộ con việc chọn nghề. Điều họ có thể làm là đồng hành, hỗ trợ và định hướng thật tốt cho con.

Phụ huynh và học sinh tham gia ngày hội tư vấn nghề nghiệp mới đây tại Hà Nội. Ảnh: D.H

 

TS Bích Hồng chia sẻ, cha mẹ nào cũng muốn con cái học giỏi, sớm có công việc ổn định về sau. Nhiều người còn đặt kỳ vọng rất lớn vào con mà không nghĩ rằng đấy là gây áp lực cho con. Tôi từng gặp nhiều bố mẹ cảm thấy rất khó khăn trong việc lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm và những vấn đề trong cuộc sống, học đường của con cái” - TS Hồng nói.

Với lựa chọn nghề nghiệp của con, nữ tiến sĩ đưa ra lời khuyên, cha mẹ nên có cái nhìn thực tế, tránh kỳ vọng quá nhiều vào con, mong muốn của cha mẹ phải phù hợp với sở trường, khả năng của con cái. Ví dụ, con mình hát hay, muốn trở thành ca sĩ nhưng cha mẹ lại ép con vào học ngành bác sĩ thì không phù hợp nên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về sau.

Nữ chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất là càng sớm càng tốt, cha mẹ nên định hướng và khơi dậy những sở thích, tiềm năng để con có thể phát triển năng khiếu của mình. Vai trò của cha mẹ là người định hướng nhưng phải tôn trọng những mơ ước, quyết định cuối cùng của con.

Thí sinh hãy hiểu chính mình

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng, việc chọn nghề của thí sinh cần chú ý đến 3 yếu tố quan trọng: Thứ nhất, cần nắm bắt được nhu cầu xã hội, xu hướng phát triển của ngành nghề đó trong những năm tới. Thứ hai là năng lực, sở trường của mình có đáp ứng ngành nghề đó không. Thứ ba là ngành nghề đó có đúng với những hoài bão, ước mơ của mình hay không? Nếu các em chọn đúng thì cơ hội phát triển nghề nghiệp cao, dễ thành công.

“Các em cần xác định và hiểu chính mình, sở thích và đam mê của mình, từ đó chọn từ 2 đến 3 ngành nghề để tập trung hướng nghiệp thay vì chọn số lượng nhiều “lấy được”. Không phải cứ đỗ trường nào là vào đại trường đó, để rồi sau một thời gian lại bỏ ngang sẽ rất lãng phí” – ông nhấn mạnh.

Còn theo ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An, ông ví von việc chọn nghề của thí sinh giống như chọn… người yêu, hay chọn vợ, chồng. Bởi chọn lựa càng kỹ bao nhiêu thì càng hạnh phúc bấy nhiêu.

ThS tâm lý Đào Lê Hòa An có những lời khuyên xác đáng cho thí sinh về lựa chọn nghề nghiệp

“Tôi biết vẫn có nhiều bạn chọn theo kiểu tình yêu sét đánh hay theo bạn bè. Chọn nghề không khéo, như kiểu bị tình yêu sét đánh là “chết”. Vì thế, các em cần tìm hiểu kĩ về ngành nghề và hướng đi tương lai” – ông chia sẻ.

Lời khuyên của ThS Hòa An với các thí sinh là chọn nghề cần dựa vào phù hợp với năng lực, tức khả năng làm nghề đó thực sự tốt. Có bạn thích đi du lịch nên chọn hướng dẫn viên. Sở thích chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để làm hướng dẫn viên du lịch, bạn còn cần sức khoẻ và cần yếu tố khác.

“Vậy làm sao biết được khả năng của mình? Trước hết, các bạn hãy làm các trắc nghiệm khách quan và hỏi những người xung quanh... Từ kết quả đó sẽ cho những thông tin về tính cách, xu hướng nghề nghiệp. Sẽ có những cách giúp các bạn không từ bỏ sở thích nhưng vẫn chọn theo khả năng" - Th.S An hướng dẫn.

Ông lấy ví dụ, bạn có năng khiếu kinh doanh nhưng lại thích ca hát. Cả 2 đều có khả năng. Khi đó, bạn vẫn chọn kinh doanh nhưng sẽ tham gia CLB âm nhạc trong trường để phát huy sở thích. Khi ra trường, bạn vừa làm kinh doanh vừa hoạt động văn nghệ như nghề tay trái. Hoạt động phong trào giúp bạn có nhiều mối quan hệ. Như vậy là đáp ứng cả 2 nguyện vọng nhưng luôn tôn trọng khả năng trước.

Điều quan trọng thứ 3 là nhu cầu nhân lực về ngành nghề đó trong tương lai như thế nào bởi ngành này hiện tại “hot” nhưng vài năm nữa sẽ không còn như vậy.

“Không có ngành nghề nào “hot” mà quan trọng là con người có “hot” trong ngành nghề đó hay không. Quyết định cuối cùng là do chính các bạn lựa chọn” - ThS Hòa An nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm