pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chông chênh người trẻ
Ảnh minh họa
Mất việc làm vì dịch Covid-19
Phạm Thị Thanh Thảo (sinh năm 1997, quê Quảng Nam) tốt nghiệp đại học cuối năm 2019 và xin được việc làm ở Vinpearl Nam Hội An. Niềm vui có việc làm chỉ được nửa năm thì dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Công việc của Thảo vì thế cũng bị gián đoạn, thu nhập bấp bênh. Có lúc Thảo phải ở nhà 5 tháng liền mà không xin được việc làm. "Công việc bên em chủ yếu phục vụ cho khách du lịch đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc mà giờ không có khách. Ở quê em thì cơ hội việc làm không có nhiều. Thời gian ở nhà đợi việc, em thường phụ ba mẹ đi chăn bò, cắt cỏ. Hàng xóm cứ nói ra nói vào, chê em không có việc làm. Những lúc như vậy em cảm thấy rất áp lực, tủi thân", Thanh Thảo chia sẻ.
Để tránh mang tiếng "đi học ra trường mà lại thất nghiệp", Thanh Thảo phải chấp nhận xa quê, xa gia đình, ra Đà Nẵng xin làm một công việc trái ngành được học. Thanh Thảo mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để cô có thể tiếp tục theo đuổi công việc yêu thích của mình là du lịch.
Thiên tai cuốn đi cơ hội lập nghiệp tại quê hương
Còn với Trần Hồng Thảo, chủ trang trại Flowerland (Bình Thủy, TP Cần Thơ), chông chênh khi mới lập nghiệp của cô bắt nguồn từ biến đổi khí hậu. Quê của Hồng Thảo ở Thanh Hóa, một vùng đất chịu nhiều thiên tai, bão, lũ. Những thiệt hại do thiên tai gây ra khiến Hồng Thảo không tìm thấy sự ổn định để theo đuổi công việc yêu thích của mình là trồng và kinh doanh cây sen đá. Vì vậy, Hồng Thảo quyết định xa quê, vào TP. Cần Thơ để lập nghiệp.
"Cảm giác chông chênh với em trong những ngày đầu xa quê là nỗi cô đơn nơi đất khách. Vừa nhớ nhà vừa không biết dựa vào ai, nhiều hôm, em thấy bạn bè ở đây được ở cạnh bố mẹ mỗi ngày, được quây quần bên mâm cơm gia đình, em chợt nghĩ không biết bao giờ mình mới được như các bạn? Không biết bao giờ mới tìm được sự vui vẻ như vậy? Toàn những câu hỏi không có lời giải đáp. Xa nhà, những lúc đau ốm, em phải tự xoay xở. Bố mẹ đau ốm, em cũng không thể chăm sóc. Em ước gì quê hương Thanh Hóa của mình cũng có điều kiện khí hậu thuận lợi như ở Cần Thơ, để em có thể lập nghiệp ngay trên quê hương của mình", Trần Hồng Thảo cho biết.
Con gái lớn của tôi đang là sinh viên năm thứ nhất. Ở thời đại công nghiệp 4.0, tôi thấy giới trẻ khá tự tin trong giao tiếp, làm việc qua mạng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy sự chông chênh về giá trị sống, về cách khẳng định bản thân. Ví dụ, khi gặp vấn đề sức khỏe, con tra thông tin trên mạng để tự mua thuốc mà không cần sự tư vấn từ cha mẹ. Nhiều trẻ cứ loay hoay tìm cách khẳng định mình, “phớt lờ” sự có mặt của bố mẹ. Thế mới có chuyện nhiều con bị stress, trầm cảm khi tự tạo áp lực cho mình, giấu kín cảm xúc của mình, thiếu sự chia sẻ với người thân”.
Chị Nguyễn Thu Trang (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Nỗi lo bị cạnh tranh bởi hệ thống "siêu thị Bản Vẽ"
Sự ra đời của hệ thống "siêu thị Bản Vẽ" với 40 cửa hàng trên toàn quốc mở ra cơ hội cho người tiêu dùng. Thay vì phải mất vài chục triệu đồng để có 1 bản vẽ thiết kế kiến trúc, giờ đây khách hàng chỉ cần bỏ ra dưới 10 triệu đồng là có được 1 bản vẽ hoàn chỉnh tại hệ thống này.
Còn đối với Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh viên ngành Kiến trúc Cảnh quan, trường ĐH Kiến trúc TPHCM, sự ra đời của hệ thống này đặt ra thêm một thách thức cạnh tranh đối với sinh viên mới ra trường như cô. "Lâu nay người ta thuê kiến trúc sư thường ngại thuê người trẻ vì sợ người trẻ ít kinh nghiệm. Khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Có thể kể đến hệ thống siêu thị Bản Vẽ. Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho chúng em nhiều hỗ trợ trong công việc nhưng nguy cơ đào thải cũng rất cao. Nếu như trước đây, kiến trúc sư toàn vẽ bằng tay thì bây giờ vẽ bằng máy, sản phẩm đẹp hơn, chất lượng hơn. Nhưng công nghệ hiện đại đòi hỏi người làm phải cập nhật liên tục các phần mềm mới, xu hướng mới. Nếu không chịu học hỏi, trau dồi liên tục thì mình rất dễ bị tụt hậu, bị đào thải và bị thay thế", Hồng Vân chia sẻ.
(Còn nữa)