pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trăn trở nhân 90 năm thành lập Đoàn
Đoàn viên đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên đề "Tiếp lửa truyền thống". Ảnh minh họa: Trường Hùng
Cần có hoạt động hướng nghiệp cho học sinh phổ thông
Đoàn viên Nguyễn Thị Cẩm Ly (18 tuổi), Chi đoàn lớp 12A12, Trường THPT Bắc Duyên Hà (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) sắp tới đây sẽ tốt nghiệp THPT và lựa chọn thi vào đại học.
Ở thời điểm này, cũng như các bạn đoàn viên khác trong lớp, Ly mong muốn Đoàn và nhà trường sớm tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp, đặc biệt trong thời điểm mà kỳ thi THPT Quốc gia 2021 đang cận kề.
Dựa trên cơ sở những hiểu biết về nghề nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, các bạn sẽ căn cứ vào đó để lựa chọn đăng ký xét tuyển vào đại học hay học nghề, đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, là một đoàn viên ở vùng nông thôn nên Ly còn thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử tình huống... Bởi thế, Ly mong muốn Đoàn trường ngày càng có nhiều hoạt động hướng dẫn kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho đoàn viên.
"Thời gian đào tạo có thể diễn ra vào sáng thứ 2 hoặc trở thành một nội dung trong các buổi sinh hoạt tập thể của lớp, của trường. Việc nâng cao kỹ năng sống sẽ giúp cho các bạn học sinh chủ động trong cuộc sống ngay sau khi tốt nghiệp THPT và bước vào môi trường mới", Ly chia sẻ.
Đoàn là nơi các đoàn viên được cùng nhau sẻ chia những khó khăn
Đoàn viên Nguyễn Thị Ngọc (20 tuổi), hiện là sinh viên năm 2, Học viện Báo chí - Tuyên truyền và đang sinh hoạt tại Chi đoàn Triết học K39. Ngọc cho hay, bản thân có rất nhiều điều quan tâm, bên cạnh công việc sau khi ra trường thì đó là những kỹ năng rất quan trọng như phòng chống xâm hại tình dục. Tuy nhiên hoạt động này lại chưa được Chi đoàn triển khai cho các đoàn viên trong lớp.
"Em mong có thêm nhiều buổi sinh hoạt Chi đoàn mà ở đó, các đoàn viên có thể cởi mở hơn và chia sẻ những khó khăn trong học tập, cuộc sống. Từ đó, sẽ tạo động lực để cùng nhau cố gắng", Ngọc bày tỏ.
Công tác tuyên truyền của tổ chức Đoàn cơ sở cần sáng tạo, phong phú hơn
Ra trường đã gần 3 năm, anh Trần Hoàng Long (25 tuổi, trú tại TP Thái Bình), cựu sinh viên Khoa Chủ nghĩa Xã hội Khoa học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện làm việc tại một công ty truyền thông ở Hà Nội.
Mỗi khi nhìn màu áo xanh của các bạn đoàn viên trên phố, anh Long lại nhớ về một thời tuổi trẻ với nhiều lý tưởng cao đẹp. Những năm tháng ấy, anh thường tham gia các hoạt động của Chi đoàn gắn với lễ kỷ niệm thành lập Khoa, Ngày Nhà giáo Việt Nam, chào mừng tân sinh viên...
Rồi thời gian với nỗi lo cơm áo gạo tiền và trách nhiệm với gia đình đã khiến cho lòng nhiệt huyết ấy bị lắng lại, anh Long trở nên ngần ngại đối với các hoạt động đoàn thể. "Hoặc các hoạt động Đoàn hiện giờ vẫn chưa thực sự hiệu quả, khơi gợi cảm hứng cá nhân và thôi thúc tôi phải tham gia", anh Long giãi bày.
Ngay cả nơi anh Long đang tạm trú: phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho đến giờ, anh vẫn chưa nhận được lời mời, vận động tham gia tổ chức Đoàn cơ sở ở đây.
Bởi vậy, anh Long mong muốn tới đây các tổ chức Đoàn cơ sở cần đổi mới công tác tuyên truyền, tập hợp để ngày càng thu hút các đối tượng thanh niên tham gia nhiều hơn nữa. Qua những buổi sinh hoạt chung này sẽ giúp không chỉ anh và nhiều người trẻ khác có thêm những cơ hội, nảy sinh nhiều ý tưởng mới để phát triển bản thân và thúc đẩy công việc.