"Chồng chỉ giúp vợ làm việc nhà khi... không có mẹ ở đó"

Hải Yến
13/07/2022 - 11:51
"Chồng chỉ giúp vợ làm việc nhà khi... không có mẹ ở đó"

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, quan niệm "Việc nhà là việc của phụ nữ", "Nam giới không nên làm việc nhà" đã ăn sâu vào nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây là rào cản phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hiệu quả vào thị trường lao động.

Tại hội thảo "Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam" do Trung tâm Phân tích và Dự báo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (CAF), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, bà Trần Thị Bích Loan, Vụ phó Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho rằng, thực tế nhiều người mẹ vẫn quan niệm việc nhà là việc phụ nữ phải làm, không thể để người đàn ông làm việc nhà. Vì thế, nhiều chị em đã tâm sự, nếu chồng muốn làm giúp thì phải khi không có mẹ ở đó. Tư tưởng này đã ăn sâu vào các thế hệ phụ nữ lớn tuổi.

Vụ phó Vụ Bình đẳng giới nhấn mạnh phải thay đổi quan điểm "nam giới là trụ cột trong gia đình, nam giới phải là người kiếm tiền, nam giới phải gánh vác gánh nặng về kinh tế, còn phụ nữ phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc gia đình", nhất là khi do tâm lý, sức khỏe, công việc của nam giới chưa đạt được mà phải gồng mình thể hiện vai trò trụ cột trong gia đình.

Đặc biệt, hội thảo cũng đưa ra kết quả của cuộc nghiên cứu mới nhất tại tỉnh Hà Giang và Lai Châu cho thấy, với khuôn mẫu "Việc nhà và chăm sóc con cái là việc của phụ nữ", thì cứ 10 người dân tộc thiểu số thì có 7 người đang giữ khuôn mẫu này. Với khuôn mẫu "Nam giới không nên làm việc nhà - việc nhà và chăm sóc con cái không phải là việc của đàn ông" thì có 51,5% đồng tình với quan sát rằng đa số nam giới hiện nay không làm việc nhà; 27,4% cho rằng nam giới không làm việc nhà vì sợ bị chê cười vì làm việc nhà.

"Chồng chỉ giúp vợ làm việc nhà khi... không có mẹ ở đó" - Ảnh 1.

"Việc nhà và chăm sóc con cái là việc của phụ nữ" - cứ 10 người dân tộc thiểu số thì có 7 người đang giữ khuôn mẫu này. Ảnh minh họa

Phụ nữ dân tộc thiểu số dành 5 giờ /ngày cho các công việc không lương

Ở Việt Nam, theo nghiên cứu tổng quan, phụ nữ dành khoảng 20,1 giờ mỗi tuần cho công việc chăm sóc không lương, gần gấp đôi thời gian của nam giới dành cho công việc này (10,7 giờ mỗi tuần). Đáng chú ý, trong cộng đồng dân tộc thiểu số, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn. Trung bình mỗi ngày một phụ nữ dân tộc thiểu số dành khoảng 5 giờ cho các công việc chăm sóc không lương. Chỉ tính giá trị kinh tế của công việc chăm sóc không lương, trung bình một phụ nữ dân tộc thiểu số đóng góp khoảng 2,7 triệu đồng vào thu nhập hàng tháng của hộ gia đình, tương ứng khoảng 52,4% tổng thu nhập của hộ...

Điều này trở thành một trong những trở ngại để phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tham gia hiệu quả vào thị trường lao động.

Về thực trạng sử dụng các dụng cụ hỗ trợ nấu nướng ở vùng dân tộc thiểu số, phần lớn người dân vẫn sử dụng bếp kiềng để đun nấu. 50% hộ gia đình hiện đã có bếp ga, nhưng người dân địa phương chỉ dùng bếp ga để nấu cơm trưa (khi không có thời gian). "Chúng tôi muốn tiết kiệm tiền nhưng quan trọng hơn là muốn tiết kiệm ga vì đường rất khó đi lại mà phải ra tận ngoài trung tâm xã mới có ga nên không thể đi lấy ga thường xuyên" - người dân ở thôn Xuân Chiểu, Hà Giang chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, đầu tư vào cải tiến bếp và các thiết bị gia dụng hỗ trợ công việc chăm sóc không lương như bếp điện bếp ga, ấm điện, nồi cơm điện có tác động trực tiếp đến việc giảm thời gian của phụ nữ dành cho công việc chăm sóc không lương .

"Chồng chỉ giúp vợ làm việc nhà khi... không có mẹ ở đó" - Ảnh 2.

Gánh nặng của công việc chăm sóc không lương đang là trở ngại để phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tham gia hiệu quả vào thị trường lao động

Về dịch vụ chăm sóc trẻ em tại cộng đồng dân tộc thiểu số, ngoài việc thiếu điểm trường, thiếu nhóm lớp, thiếu giáo viên, thiếu dịch vụ bán trú, cơ sở vật chất... do không có bếp ăn hoặc không thuận tiện để vận chuyển bữa ăn từ trường chính tới các điểm trường cũng là yếu tố dẫn đến việc trẻ không đến trường và nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở những nơi này phải ở nhà trông con.

Tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang có tới 16/33 điểm trường tại các xã chưa tổ chức ăn trưa tại lớp. Về khoảng cách đến trường, khoảng cách xa nhất được ghi nhận là khoảng 10 km từ hộ gia đình đến điểm trường gần nhất. Khoảng cách trung bình dao động từ 0,7 km đến 1,9 km.  

Các dịch vụ chăm sóc và cơ sở hạ tầng cơ bản khác cũng không khả quan hơn. Đáng lưu ý, độ bao phủ của dịch vụ nước sạch tại nhà còn thấp ở các vùng dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên (lần lượt là 49% và 46%). Theo đó, tỷ lệ /tiếp cận được với nước sạch tại nhà của các dân tộc sống ở khu vực này cũng ở mức thấp, chỉ khoảng 23%. Khảo sát ở Hà Giang và Lai Châu cũng cho kết quả tương tự với khoảng 21,2% số hộ gia đình có nước sạch đến tận nhà. Và phụ nữ vẫn là người chịu trách nhiệm chính trong hoạt động đi lấy nước cho gia đình.

Từ đó, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị, cần truyền thông mạnh mẽ để thay đổi các định kiến xã hội liên quan tới phân công lao động giữa nam giới và nữ giới.

Nhà nước cần giảm tải trách nhiệm công việc chăm sóc không lương cho hộ gia đình bằng cách đầu tư thỏa đáng vào cơ sở hạ tầng và những dịch vụ xã hội, từ đó giảm đáng kể gánh nặng của phụ nữ. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần ưu tiên đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng có trách nhiệm giới, đáp ứng cho nhu cầu giảm thời gian thực hiện công việc chăm sóc không lương.

Cùng với đó, cần đầu tư cho các dịch vụ chăm sóc như trường mẫu giáo, cơ sở chăm sóc người già, người khuyết tật là giải pháp tái phân bổ lại nguồn lực cho công việc chăm sóc không lương, góp phần tăng thời gian làm các công việc tạo ra thu nhập của phụ nữ dân tộc thiểu số;

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm