Mới cưới, có nhiều hành động vô tâm của chồng khiến chị uất nghẹn. Chồng ham nhậu nhẹt, bạn bè đến mức để chị một thân một mình lọ mọ tìm đường về nhà trong đêm tối. Chồng cũng chẳng bao giờ biết thể hiện tình cảm, quan tâm đến vợ khiến chị vô cùng tủi thân. Đôi lúc chị nghĩ, hình như mình lấy “nhầm chồng”.
Thế nhưng, chị không đổ lỗi cho số phận. Chị luôn nghĩ, chồng chị vẫn giữ thói “hư” như một số người đàn ông độc thân, sống và làm theo ý thích của mình mà không biết lo lắng, quan tâm đến vợ con, gia đình, không hạ thấp cái tôi để vun vén hạnh phúc gia đình.
Chị bắt đầu dùng “chiến thuật” để “cải tạo” chồng. Để “trị” căn bệnh nhậu nhẹt của chồng, chị dắt con đi chơi 2-3 ngày những hôm chồng đi nhậu. Chị cũng đưa ra bằng chứng anh bị bạn nhậu nói xấu. Dần dần, anh không còn hứng thú với chuyện nhậu nhẹt nữa.
Để chồng biết quan tâm đến vợ con, biết trân trọng, không ngại nói lời yêu thương với vợ, chị mượn facebook của chồng và like những nhân vật “truyền cảm hứng” để học được từ họ những tư tưởng tích cực. Hàng ngày, đọc những bài viết của những “ông chồng quốc dân”, anh đã biết cách chơi với con, biết gia đình là quan trọng nhất, biết thường xuyên thể hiện tình cảm với vợ.
Chị cũng thường xuyên khen ngợi chồng trước mặt con rằng bố rất tuyệt vời, rất yêu mẹ, yêu các con, rất trách nhiệm, biết chăm sóc gia đình, biết cố gắng, học hỏi, tất cả vì gia đình, vì các con… Trước sự ghi nhận của vợ, chồng chị luôn hành động và thể hiện đúng như những điều chị khen ngợi. Chị cũng xuýt xoa khi chồng nấu ăn ngon khiến anh luôn tranh việc nấu ăn với vợ. Suốt mấy năm áp dụng “chiêu” này, chị hầu như không phải vào bếp. Chồng chị hào hứng trong việc chăm sóc gia đình và tươi cười nhiều hơn. Chị và chồng cảm nhận niềm hạnh phúc mỗi ngày một nhiều hơn.