Chồng dễ dãi khiến vợ phải sắm ‘vai ác’

07/12/2016 - 08:00
Hồi còn con gái, chị rất hiền. Lúc 'cưa' chị, anh bảo: 'Anh thương nhất là cái nết dịu dàng của em, chứ như mấy cô gái ghê gớm, nghĩ đến thôi anh đã thấy sợ'. Ấy thế mà cưới nhau về thì cái sự dịu dàng của chị cứ dần dần biến mất.

Sống với anh, chị luôn phải “sắm vai ác”!

Mấy tháng sau đám cưới cưới, căn hộ chung cư của anh chị chưa hoàn thiện nên vợ chồng phải tá túc nhà ông bà ngoại. Cứ mỗi lần chị ré lên là mẹ chị lại cau mày. Rồi bà lôi con gái ra giáo dục lại: “Nói chuyện với chồng phải nhẹ nhàng”, “Chồng con hiền lành đấy, chứ không thì…”. Chị thở dài ngao ngán. Chồng chị đúng là hiền thật, anh chẳng nói to với ai bao giờ.

Cưới nhau được 1 tuần thì anh kêu hết tiền, chị hỏi: “Hôm trước em để trong ví anh 5 triệu đồng, tiêu gì mà hết nhanh vậy?”. Anh khẽ đáp: “Trả tiền nhậu với bạn, đi uống rượu mà chúng nó quên mang ví”. Chị vặn lại: “Quên ví thì cũng không thể hết veo 5 triệu được?”. Anh gãi đầu: “Ừ thì… nhậu mấy lần!”. Chị gào lên: “Thế xưa nay toàn anh chi à?”. Anh cười: “Chúng nó đều khó khăn, mình có tiền thì mình trả”. Chị tức sôi ruột, căng mắt ra nhìn cũng chẳng thấy người bạn nào của anh “khó khăn”. 

Trong khi bạn chồng đều đi xe máy xịn, nhà cao cửa rộng, lương tháng mấy chục triệu, còn anh “có điều kiện” thì vẫn đi xe máy cũ mèm. Bảo sao chị không bực? (Ảnh minh họa)

Có tháng, chị chờ đợi mỏi mòn vẫn chưa thấy chồng đem lương về. Lúc chị hỏi thì anh đáp: “Anh quên mất. Có đứa em gọi điện hỏi mượn tạm, đúng 1 tuần sau nó trả”. Hơn 1 tuần mà chưa thấy tăm hơi, chị sốt ruột giục chồng điện đòi thì anh ngại. Cả tháng chờ đợi chẳng thấy trả nợ, cũng không thấy đứa em kia khất lại với anh chị một lời. Chị bực, gọi điện đòi thì vợ chồng nó trơ mặt lý sự: “Bọn em vay của anh, nếu cần thì anh đến mà đòi”. Hôm sau, anh đến, không biết nghe vợ chồng nó nói gì lại tiu nghỉu về, thở dài với vợ: “Chúng nó xin khất, chưa có tiền trả em ạ”.

***

Anh chị sinh 2 cô con gái. Chị muốn sớm luyện cho các con các công việc và ứng xử… Thứ nhất là để cho con rèn kỹ năng, chủ động trong cuộc sống, thứ 2 là để chúng có ý thức trách nhiệm.

Thế nhưng nói đi nói lại, chồng chị cũng không hợp tác. Nhiều lần, chị đã giao cho các con làm bài tập nhưng thoáng thấy bóng bố, chúng nó sà vào lòng xin đi chơi là anh lại gật đầu. Chị giao cho con lớn nấu cơm chiều nhưng 7 giờ về nhà vẫn thấy con nằm xem hoạt hình. Chị bực mình quát thì anh chen vào can. Anh thủng thẳng bảo: “Con chưa nấu thì em nấu, làm gì mà phải ầm ĩ lên?”, chị nghẹn họng… Dần dần lũ trẻ sinh ra nhờn.

Các con lấy bố ra làm lá chắn cho ý thích của mình, cho những việc chúng không muốn làm hoặc lỗi lầm mà chúng phạm phải (Ảnh minh họa)

Đỉnh điểm, hôm đó con gái thứ 2 không làm bài tập về nhà nhưng khi lên lớp, nó lại nói dối. Cô giáo phê vào vở của con bé tội “dối trá” và gọi điện báo phụ huynh. Chị giận lôi con ra xử lý, không ngờ con bé trợn mắt, quát lại mẹ. Tim chị đau quá, chỉ biết ngồi khóc. Đúng lúc này thì chồng chị về, anh cứ đứng im lặng một hồi lâu, rồi anh bảo: “Con rửa mặt, bố chở con đi học”. Con bé hậm hực quay lại phòng đóng sầm cửa. Chị ngồi đó, cô đơn trong chính căn nhà mình.

***

Chị cẩn thận dán từng mẩu giấy nhớ lên cánh cửa tủ lạnh, quay lại dặn dò 3 bố con những việc cần thiết rồi kéo vali ra cửa, lên taxi đi thẳng đến sân bay. Đây là chuyến công tác dài đầu tiên chị nhận từ sau ngày cưới. Chị muốn nhân chuyến, chị sẽ đi tìm sự dịu dàng, yên tĩnh trở lại. Để sau lưng một khoảng lặng, chị mong rằng, anh có thể sớm bắt được cùng nhịp với chị trong “bản nhạc” cuộc sống này!

Cuộc sống chung rất cần những nguyên tắc, trách nhiệm, quy định và mỗi thành viên trong gia đình phải điều chỉnh bản thân để thích nghi và làm cho cuộc sống chung ấy ngày một tốt đẹp hơn. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm