pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chồng giấu nhẹm chuyện xung phong vào Nam chống dịch
Ảnh minh họa
Điều mà tôi cảm thấy khó chịu nhất, đó là anh giấu tiệt tôi chuyện xung phong vào Nam. Bữa ấy, đứa bạn thân chat hỏi: "Anh Hoàng Anh vào TP.HCM để chống dịch à?", tôi bất ngờ: "Thông tin ở đâu thế?", thì nó bảo: "Tao thấy trên Facebook có ảnh anh ấy cùng các y bác sĩ đang được cắt tóc ở khuôn viên của bệnh viện để chuẩn bị cho chuyến công tác".
Tôi lặng người vì bất ngờ…
Đoàn công tác của bệnh viện có 10 bác sĩ, 40 điều dưỡng và 3 kỹ thuật viên sẽ tham gia công tác điều trị cho nhân dân TP.HCM tại bệnh viện dã chiến. Họ đang chuẩn bị tư trang, cắt tóc và ngày kia sẽ làm lễ xuất quân. Tôi giận quá, bấm điện thoại và mắng anh xối xả. Vì cớ gì mà anh cứ phải nhất quyết xung phong vào Nam trong khi tình hình dịch bệnh trong ấy đang vô cùng phức tạp. Rồi những ngày tới, tôi sẽ xoay xở thế nào với hai đứa con nheo nhóc? Anh không thấy thương tôi sao? Buông điện thoại xuống, tôi ngồi khóc nức nở. Mặc ai đó bảo tôi ích kỉ, là nhỏ nhen nhưng tôi tin rằng, ở hoàn cảnh của tôi, cũng không người phụ nữ nào hài lòng để chồng đi công tác vào nơi nguy hiểm như thế.
Tôi chợt nhận ra, anh đã sắp xếp cho chuyến công tác của mình từ lâu, chỉ là tôi không nhận ra thôi. Mấy tháng trước, anh nằng nặc bảo tôi học lái xe ô tô, mặc cho tôi luôn cảm thấy căng thẳng mỗi lần ngồi sau vô lăng. Nhưng anh khuyên: "Em cứ học, có thêm kỹ năng gì trong cuộc sống là tốt thêm tí ấy". Hoá ra, anh đã biết rằng, sẽ có lúc tôi phải tự lái xe đưa đón 2 con nhỏ khi anh vắng nhà. Tôi càng nghĩ lại càng bực mình vì anh cố tình giấu "ý đồ" của mình với tôi.
Biết tôi giận nên anh cũng tìm mọi cớ để "làm hoà". Anh tự đi siêu thị rồi vào bếp nấu những món ăn mà tôi thích. Anh sửa sang lại chiếc cửa nhà tắm bị long ra. Anh hướng dẫn thằng lớn học bảng cửu chương, bảng chia và hẹn "ngày ba về, con phải thuộc làu làu, nghe chưa?". Bé út có vẻ làm anh lo lắng nhất khi mà cô mới chập chững những bước đi đầu tiên trong đời. Thế là anh kiếm những miếng cao su để ốp hết vào những góc, cạnh của đồ vật trong nhà, để chẳng may cô út có ngã thì cũng đỡ "biêu" đầu. Xong xuôi, anh lại dặn thằng lớn: "Ở nhà phải trông em giúp mẹ. Ba đi công tác về sẽ có quà!".
Lòng tôi vẫn như có sóng dâng trào nhưng nhìn cảnh tượng đứa con gái út nằm cuộn tròn trong lòng ba ngủ một cách bình yên, tôi lại thấy rưng rưng.
***
Vì muốn tiễn anh thêm một quãng đường nên tôi chủ động đề nghị lái xe đưa anh ra sân bay. "Vợ anh lái xe "lụa" thật ý, giờ anh chỉ việc ngồi ghế phụ thôi" - anh kiếm cớ làm hoà với vợ mặc cho tôi vẫn im lặng.
Bất giác, anh nắm lấy tay tôi bảo: "Anh biết, em sẽ vất vả với lũ nhỏ. Nhưng các bạn anh đang trong đó chống dịch, có những người bố mất mà không về chịu tang được, anh không đành lòng đứng ngoài cuộc chiến này…".
Tôi giận là giận thế thôi chứ chúng tôi học cùng nhau từ những năm cấp 2, đã cùng nhau lớn lên, cùng nhau trưởng thành và sắp già đi bên nhau nên tôi là người hiểu anh hơn ai hết. Gia đình anh có một cơ ngơi đồ sộ vì thế ba mẹ chỉ mong anh theo học ngành kinh tế, để về nối nghiệp ba mẹ quản lí cơ nghiệp. Nhưng anh vẫn nhất định nộp hồ sơ thi vào trường Y với mong ước, sẽ trở thành một bác sĩ chữa bệnh cứu người. Sau này, trong ngày cưới chúng tôi, mẹ anh bảo tôi rằng: "Con lấy nó thì phải chịu sự cứng đầu của nó. Nhưng nó tốt bụng và tử tế, con à!"
Chúng tôi đã ở bên nhau 20 cái sinh nhật rồi và chỉ 3 ngày nữa là đến sinh nhật anh. Năm nay sẽ là một sinh nhật thật đặc biệt, là khi anh sẽ bận bịu ở bệnh viện dã chiến và 3 mẹ con tôi tự thổi nến chúc mừng sinh nhật anh ở phương xa.
Tiễn anh vào phòng chờ, tôi phải quay mặt đi để giấu những dòng cảm xúc đang dâng trong mình. Tôi nhắn tin cho anh: "Giữ gìn sức khoẻ nhé! Em và con luôn ở bên anh".