Chống sốc cho con khi cha mẹ 'đường ai nấy đi'

30/03/2017 - 09:33
Phải chứng kiến cảnh cha mẹ 'đường ai nấy đi' là điều không dễ chấp nhận với con trẻ. Nếu phụ huynh không có phương pháp nuôi dạy, giáo dục và định hướng cho con trong thời điểm khó khăn này thì sẽ dễ dẫn đến sự lệch lạc về nhân cách và lối sống của trẻ.
Đừng chỉ trích 'người cũ' trước mặt con

Có nhiều nguyên nhân khiến cho cuộc hôn nhân của hai bạn không thể tiếp tục. Ngay cả khi lý do của chuyện đổ vỡ là do “nửa kia”, thậm chí bạn chỉ là “nạn nhân”, thì cũng đừng tiêm nhiễm vào đầu con những ấn tượng xấu về “nửa kia” của bạn.

Đây là hạ sách để tranh thủ sự đồng cảm từ phía con. Vì trước mắt, con trẻ có thể dễ dàng trở thành đồng minh của bạn, nhưng về lâu dài, “chiến thuật” này sẽ thất bại. Lời khuyên dành cho bạn là hãy khuyến khích trẻ gìn giữ những hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về cha/mẹ, điều này giúp trẻ định hướng tốt hơn về nhân cách, tương lai sau này. Thay vì tìm cách chia cắt tình cảm của bé với cha/mẹ, bạn nên tạo cơ hội để bé được gặp gỡ, gần gũi cha hoặc mẹ.
Cha mẹ ly hôn là một thiệt thòi đối với con trẻ. Ảnh minh họa:internet
Bù đắp cho con

Cha mẹ ly hôn là một thiệt thòi lớn đối với con cái. Không ít trường hợp trẻ mắc bệnh tự kỷ hoặc tự ti về bản thân hay những rối loạn về tâm lý vì gia đình tan vỡ. Vậy nên gần gũi với con, thể hiện sự quan tâm và yêu thương con là điều các bậc cha mẹ cần làm để bù đắp những tổn thương, mất mát mà con phải gánh chịu. Song, điều này không có nghĩa là đáp ứng mọi yêu cầu của con, nhất là về tài chính, bởi đứa trẻ sẽ nghĩ rằng nó có quyền được hưởng mọi thứ.

Tránh dùng con làm 'vũ khí'

Có không ít bậc cha mẹ vì lý do nào đó, như muốn chia tài sản hay muốn níu kéo cuộc hôn nhân vốn đã không thể hàn gắn, đã mù quáng đổ lỗi cho con hoặc coi con trẻ như “công cụ” , "vũ khí" để đánh đổi. Sai lầm này chỉ khiến cho con bạn gánh chịu thêm những tổn thương không đáng có mà thôi.

Có thể sự thật về cuộc hôn nhân tan vỡ này rất tàn nhẫn hay phũ phàng thì bạn cũng không nên bộc bạch hết với con. Con bạn còn quá nhỏ để tiếp nhận và hiểu được những điều bạn nói. Để giữ tâm hồn trong sáng của bé thì bạn hãy tìm một lý do đơn giản nào đó giải thích cho con hiểu vì sao cha và mẹ không thể chung sống như trước đó, ví dụ: Bố mẹ không hợp nhau, bố mẹ cần có cuộc sống mới cho riêng mình vì cuộc sống cũ không còn phù hợp nữa…
 Hãy giải thích cho con hiểu, ngay cả khi cha mẹ không còn chung sống với nhau thì tình cảm dành cho con vẫn nguyên vẹn như xưa. Ảnh minh họa: internet
 
Khẳng định tình yêu thương

Hãy giải thích cho con hiểu rằng, ngay cả khi cha mẹ không cùng chung sống với nhau thì tình cảm dành cho con vẫn nguyên vẹn như xưa. Bạn nên thể hiện bằng hành động, những mối quan tâm dành cho con, nhớ đến sở thích của con, hiểu được những điều con muốn và không muốn cũng như những suy nghĩ của con - đây chính là cách tốt nhất để gửi đến con trẻ thông điệp này.

Tôn trọng quyết định của con

Ép buộc trẻ theo ý muốn của mình, bắt trẻ làm những việc trái với lẽ phải hoặc theo ý muốn của bạn sẽ khiến bạn bị “mất điểm” trong mắt con. Tôn trọng quyết định của con trẻ cũng có nghĩa là bạn đang tôn trọng chính bản thân mình. Thật tệ hại nếu bạn dùng đến đòn roi hoặc những lời đe dọa để “lái” con theo ý muốn của mình. Điều ấy chỉ khiến cho con thêm sợ bạn và dần nới rộng khoảng cách giữa bạn với con. Hãy hỏi ý kiến con trước khi đưa ra quyết định cuối cùng; gần gũi, chia sẻ quan điểm, suy nghĩ của bạn với con và phân tích cho trẻ hiểu vì sao bạn phải lựa chọn chia tay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm