Khi nhớ lại thời gian diễn ra Đại hội, đối với bản thân tôi có cảm giác lắng đọng với những kỷ niệm khó quên. Cảm giác đó không chỉ là do lần đầu tiên tôi được điều hành một Đại hội lớn với 135 đại biểu chính thức và hơn 20 đại biểu mời mà còn là nhận thức, sự quan tâm của hội viên, phụ nữ đối với Đại hội phụ nữ các cấp.
Ngày diễn ra Đại hội, các đại biểu chính thức từ các các thôn bản xa xôi nhất của huyện phải dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống dân tộc, đi bộ qua dãy núi để đến dự Đại hội. Dù vất vả nhưng tất cả đại biểu đều về dự đầy đủ, nô nức như một ngày hội lớn. Tại Đại hội nhiệm kỳ trước, tôi nhận thấy nhiều chị em còn rụt rè, e ngại, không chủ động tham gia ý kiến đóng góp vào các văn kiện trình Đại hội. Nhiều chị em chưa nói lưu loát tiếng phổ thông, nên càng ngại ngần tham gia góp ý.
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu phụ nữ huyện Bắc Mê lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 |
Đến Đại hội nhiệm kỳ này, các đại biểu người Mông, Dao, Tày... đã có nhận thức và khí thế khác hẳn. Chị em đã chủ động, mạnh dạn chia sẻ, nói lên những khó khăn, mong muốn của bản thân, gia đình. Vì thế, không khí Đại hội không chỉ là sự trang nghiêm mà còn rất sôi nổi thảo luận. Vùng miền núi huyện Bắc Mê còn nhiều khó khăn, điều kiện tự nhiên, giao thông không thuận lợi, đời sống chị em phụ nữ còn bấp bênh. Những vấn đề được chị em mạnh dạn đưa ra thảo luận tập trung vào những hoạt động dạy nghề, phổ biến kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng, tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của địa phương; hay cách chăm sóc, nuôi dạy con để trẻ không bị suy dinh dưỡng... Điều đáng mừng là không ít chị em người dân tộc thiểu số nơi đây đã có những trăn trở về đời sống kinh tế gia đình, biết chú ý hơn tới việc tham gia các hợp tác xã và chủ động tìm hiểu các nguồn vốn vay để tìm hướng sản xuất, nuôi trồng. Đây chính là một bước tiến lớn, nâng dần vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong mỗi gia đình cũng như cộng đồng nơi địa đầu của Tổ quốc.
Chính vì thế, qua mỗi kỳ đại hội, Ban Chấp hành Hội LHPN huyện cần phải đặt ra các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể, sát với tình hình của địa phương, đáp ứng được nhu cầu, mong muốn thiết thực của chị em phụ nữ các dân tộc tại địa phương.