Chủ động hội nhập số, làm giàu từ 50 đàn ong

Bảo Minh - Vân Anh
19/07/2025 - 07:07
Chủ động hội nhập số, làm giàu từ 50 đàn ong

Chị Phạm Hồng Oanh với sản phẩm sáp ong tươi vừa khai thác

Khởi nghiệp từ 50 đàn ong bố mẹ chồng để lại, chị Phạm Hồng Oanh (xã Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã cùng chồng biến nghề gia truyền thành hướng đi kinh tế bền vững, đặc biệt tận dụng công nghệ số để phát triển.

Chị Phạm Hồng Oanh cho biết: Gia đình chị gắn bó với nghề ong đã hơn 4 thập kỷ, từ năm 1982, khi bố mẹ chồng chị làm kỹ thuật viên của trại ong Bắc Thái. Đến năm 1992, trại giải thể, ông bà mua thanh lý 50 đàn ong về nuôi tại nhà. Khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc kinh doanh của chồng chị bị ảnh hưởng. Chị Oanh quyết định cùng chồng quay về với nghề ong, bắt đầu từ số đàn được chia lại từ bố mẹ chồng.

Những giọt mật đầu tiên bán đến đâu hết đến đó, nhưng để bước vào thị trường hiện đại, vợ chồng chị nhận ra phải có thương hiệu và chuẩn hóa sản xuất. Khi siêu thị yêu cầu truy xuất nguồn gốc, bao bì và chứng nhận chất lượng, chị Oanh đã chuyển từ mô hình tổ hợp tác sang hợp tác xã (HTX). Năm 2023, chị chính thức nghỉ nghề kế toán, dành toàn bộ thời gian cho HTX Nông sản Ong Vàng, huy động các hộ liên kết để tăng quy mô và sản lượng.

Chị Oanh chia sẻ, để nghề ong trở thành sinh kế bền vững, kỹ thuật nuôi là yếu tố then chốt. Với đàn ong nội khỏe, ít bệnh, HTX vẫn duy trì kỷ luật nghiêm ngặt: Kiểm tra đàn hàng ngày, tránh ong chia đàn bay đi; chỉ giữ khoảng 5 cầu ong mỗi đàn để đảm bảo ong phủ kín cầu, giảm nguy cơ sâu bệnh; loại bỏ ngay những cầu có dấu hiệu hỏng ấu trùng. Sau mỗi mùa khai thác, HTX tập trung dưỡng đàn để tái tạo sức cho vụ sau. Nhờ cách làm này, HTX duy trì khoảng 700 - 800 đàn, mỗi năm khai thác từ 12 đến 13 tấn mật ong. Lịch vụ cũng được tính toán kỹ theo mùa hoa: từ hoa vải, nhãn vào tháng 3 và tháng 4, hoa rừng từ tháng 5 đến tháng 7, hoa táo từ tháng 8 đến tháng 9...

Thợ của HTX Nông sản Ong Vàng khai thác ong

Thợ của HTX Nông sản Ong Vàng khai thác ong

Cùng với mật ong, HTX Nông sản Ong Vàng còn khai thác phấn hoa sấy khô. Sản phẩm phụ này có giá trị từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg. Ngoài ra, đơn vị còn cung cấp con giống và chuyển giao kỹ thuật cho hộ chăn nuôi khác, mở rộng vùng nguyên liệu và tạo hệ sinh thái liên kết. Việc đa dạng hóa nguồn thu này giúp giảm rủi ro "đơn nguồn thu", đồng thời tăng giá trị trên cùng một nghề.

Năm 2024, sản phẩm mật ong rừng và phấn hoa mật ong của HTX Nông sản Ong Vàng đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đây không chỉ là "tấm vé" vào hệ thống phân phối hiện đại mà còn nâng uy tín thương hiệu, giúp HTX định giá sản phẩm tốt hơn. Hiện mật ong của HTX Nông sản Ong Vàng có giá từ 170.000 đến 300.000 đồng/lít tùy loại hoa, trong đó mật ong bạc hà là dòng cao cấp được thị trường ưa chuộng.

Sản phẩm mật ong hoa rừng của HTX Nông sản Ong Vàng

Sản phẩm mật ong hoa rừng của HTX Nông sản Ong Vàng

Điểm đặc biệt trong mô hình của chị Oanh là sự chủ động hội nhập số. Chị Oanh thường xuyên livestream trên mạng xã hội để giới thiệu quy trình quay mật, giải đáp trực tiếp cho khách hàng. "Khi người mua nhìn thấy ong thật, mật thật, niềm tin sẽ được củng cố", chị chia sẻ. 

Ngoài livestream, HTX còn sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, bán hàng qua các nền tảng trực tuyến. Đây là bước chuyển quan trọng giúp sản phẩm nông thôn tiếp cận thị trường đô thị, giảm phụ thuộc vào kênh truyền thống.

Không dừng lại ở sản xuất, HTX Nông sản Ong Vàng đang triển khai kế hoạch du lịch trải nghiệm tại vườn ong kết hợp vườn cây ăn quả, cho phép du khách tham quan quy trình nuôi ong, thử mật ngay tại chỗ. Hướng đi này được kỳ vọng sẽ tăng giá trị sản phẩm, mở rộng quảng bá và thu hút dòng khách đến với Đồng Hỷ.

Theo bà Lê Thị Yến - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Hỷ, từ câu chuyện của chị Phạm Hồng Oanh và HTX Nông sản Ong Vàng có thể rút ra những bài học quan trọng: Muốn phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng kỹ thuật vững chắc, biết đa dạng hóa sản phẩm, chuẩn hóa chất lượng để hội nhập thị trường, đồng thời tận dụng công nghệ số để tiếp cận khách hàng. Khi kết hợp những yếu tố này, một nghề truyền thống tưởng chừng nhỏ lẻ có thể trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương, mang lại sinh kế ổn định và cơ hội làm giàu cho các hộ nông dân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm