pnvnonline@phunuvietnam.vn
Sự thật về việc uống mật ong thường xuyên sẽ gây hại cho gan
Ảnh minh họa
Mật ong là một chất ngọt do ong tạo ra từ mật hoa của các loài thực vật có hoa. Có nhiều loại mật ong khác nhau nhưng nhìn chung loại thực phẩm này chứa nhiều calo và carbohydrate nhưng lượng vi chất dinh dưỡng khá nhỏ như kali, sắt, kẽm, canxi, magie.
Tuy nhiên, mật ong rất giàu chất chống oxy hóa và đã được chứng minh là có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn. Do đó, mật ong thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị các vấn đề hô hấp như ho, đau họng. Ngoài ra, mật ong cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, chữa lành vết thương.
Có một điều đáng lưu ý, vì mật ong có hàm lượng đường khá cao, do đó có một số nguồn thông tin cho rằng uống nhiều mật ong sẽ gây hại cho gan. Vậy sự thật là uống mật ong có hại cho gan không?
1. Uống mật ong có hại cho gan không?
Không thể phủ nhận rằng mật ong có những lợi ích nhất định như hỗ trợ điều trị đau họng, ho, tốt cho sức khỏe đường ruột, chống viêm và cũng có một số nghiên cứu trên động vật cho thấy mật ong có thể bảo vệ gan nhưng khi dùng với liều lượng phù hợp. Nếu bạn lạm dụng mật ong, điều này có thể làm gánh nặng cho gan, lâu ngày cũng có thể gây ra một số vấn đề ở gan.
1.1. Lợi ích của mật ong đối với gan
Theo Livestrong và Netease, mật ong có một số công dụng nhất định đối với gan như:
- Bảo vệ gan khỏi các chất độc hại
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Evidence Based Complementary and Alternative Medicine năm 2013, các nhà nghiên cứu đã đưa một loại độc tố gan mạnh vào những con chuột có và không sử dụng mật ong. Những con chuột không sử dụng mật ong bị tổn thương gan đáng kể, biểu hiện bằng việc tăng men gan. Tuy nhiên, mật ong đã bảo vệ gan và thận của nhóm chuột còn lại khỏi độc tố và cải thiện cholesterol của chúng.
Các tác giả đưa ra giả thuyết rằng hoạt động chống oxy hóa của các hợp chất phenolic trong mật ong có thể chịu trách nhiệm cho tác dụng bảo vệ gan này.
- Chống lại tổn thương tắc nghẽn mật
Mật là chất lỏng tiêu hóa được tạo ra trong gan, đi qua các ống dẫn mật đặc biệt và tích tụ trong túi mật để giúp bạn tiêu hóa thức ăn. Các vấn đề phổ biến như sỏi mật, viêm hoặc thậm chí khối u có thể chặn các ống dẫn mật và gây tổn thương gan.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tiêu hóa Thế giới vào tháng 6 năm 2008, khi cho chuột bị tắc ống dẫn mật sử dụng mật ong, mật ong có thể giúp bảo vệ gan khỏi bị tổn thương.
- Cải thiện khả năng kiểm soát glucose của gan
Mật ong có thể có lợi cho gan theo cách có thể cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Gan cùng với tuyến tụy, đóng vai trò kiểm soát lượng đường trong máu và bệnh tiểu đường có thể gây rối loạn chức năng gan.
- Giảm gánh nặng cho gan do rượu
Nhiều loại enzyme hoạt động trong mật ong có thể tham gia vào quá trình phân hủy rượu khi rượu xâm nhập vào cơ thể, từ đó giúp giảm gánh nặng cho gan và giảm sự kích thích của gan do rượu.
Ngoài ra, mật ong có thể tăng tốc độ hiệu quả phân hủy rượu nên giúp người say tỉnh táo nhanh hơn.
1.2. Tác hại của mật ong đối với gan khi sử dụng quá nhiều
Thông thường, mật ong sẽ không gây hại cho gan mà còn có lợi. Nhưng do mật ong có hàm lượng đường cao nên khi bạn sử dụng quá nhiều, lúc này lợi không thấy đâu mà bạn chỉ thấy hại. Đặc biệt, những người có một số tổn thương sẵn có ở gan, việc lạm dụng mật ong sẽ càng làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Dưới góc độ phân tích thành phần, đường có trong mật ong là loại đường đơn giản, dễ dàng chuyển hóa thành glucose sau khi ăn. Gan là nơi trao đổi chất của ba chất dinh dưỡng chính của cơ thể là đường, chất béo và protein.
Đối với những người có gan kém, đặc biệt là những người bị xơ gan, tế bào gan đã bị tổn thương, việc ăn quá nhiều đường đơn thì một lượng lớn đường sẽ được xử lý. Chuyển hóa đường chắc chắn sẽ làm tăng gánh nặng cho gan và không có lợi cho việc phục hồi chức năng gan.
Hơn nữa, lượng đường trong mật ong có thể gây rối loạn chuyển hóa đường khi bạn ăn quá nhiều, biểu hiện là bệnh tiểu đường ở gan, khiến việc điều trị bệnh gan càng khó khăn hơn. Vì vậy, những người có gan kém nên ăn ít mật ong hơn.
Gan nhiễm mỡ có uống mật ong được không?
Người bị gan nhiễm mỡ nên hạn chế uống mật ong. Nguyên nhân hình thành gan nhiễm mỡ chủ yếu là do chức năng chuyển hóa chất béo của gan bị suy yếu và mỡ tích tụ. Sự phân hủy và tổng hợp của đường trong mật ong sẽ tạo ra chất béo. Nếu hình thành thói quen uống nước mật ong lâu ngày, tổng lượng mỡ trong cơ thể sẽ tăng lên, điều này tất nhiên sẽ gây bất lợi cho quá trình phục hồi của gan nhiễm mỡ.
Viêm gan B có uống được mật ong không?
Theo Medicalnewstoday, người mắc bệnh viêm gan B có thể sử dụng một số thực phẩm tự nhiên để hỗ trợ cải thiện tình trạng, trong đó có lời khuyên nên bổ sung ancaloit - chất này có trong mật ong, ca cao, trà và cà phê.
Tuy nhiên, như đã đề cập, mật ong có lượng đường cao nên mọi người không nên sử dụng quá nhiều. Người bị viêm gan B không cần kiêng mật ong nhưng không nên sử dụng thường xuyên.
2. Những ai không nên dùng mật ong?
Một số trường hợp sau nên cẩn trọng khi sử dụng mật ong, đặc biệt khi sử dụng thường xuyên:
- Trẻ dưới 1 tuổi: Mật ong có chứa vi khuẩn Clostridium có thể gây ngộ độc cho trẻ.
- Người không dung nạp fructose: Chứng không dung nạp fructose là tình trạng thiếu enzyme tiêu hóa fructose. Ăn quá nhiều mật ong có thể gây tiêu chảy nặng.
- Người mắc bệnh tiểu đường: Mật ong có hàm lượng đường cao nên người bị tiểu đường ăn vào sẽ dễ bị tăng đường huyết.
- Người mắc bệnh gút: Mật ong chứa 40% fructose, và fructose, khi người bệnh gút ăn loại thực phẩm này sẽ làm giảm khả năng bài tiết axit uric của thận, dẫn đến nồng độ axit uric trong máu tăng cao.
- Gan nhiễm mỡ hoặc xơ gan: Như đã đề cập, những trường hợp này nên hạn chế hoặc thận trọng hơn khi sử dụng mật ong, đặc biệt không nên sử dụng liên tục và trong thời gian dài.
Trên đây là những giải đáp cho vấn đề: "Uống mật ong có hại gan không?". Nhìn chung, việc sử dụng mật ong với liều lượng vừa đủ sẽ không gây hại cho gan, nhưng nếu bạn sử dụng thường xuyên và lâu dài, gan có thể bị quá tải và dẫn tới các tổn thương. Đặc biệt, những người có bệnh lý về gan sẵn, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung mật ong vào chế độ ăn uống.