Cẩn thận khi trẻ bị sốt kéo dài khi thời tiết ngày một lạnh hơn

Châu Anh (Tổng hợp)
09/12/2024 - 13:41
Cẩn thận khi trẻ bị sốt kéo dài khi thời tiết ngày một lạnh hơn
Sốt kéo dài có thể là sốt nhẹ hoặc sốt cao kèm theo ho, đau mỏi người, nghẹt mũi, sổ mũi, biếng ăn, cáu kỉnh, mệt mỏi, đau đầu thậm chí là khó thở, đau tức ngực,... là biểu hiện của nhiều vấn đề sức khỏe cần đặc biệt chú ý.

Thời tiết trở lạnh, trẻ em (đặc biệt là nhóm trẻ dưới 5 tuổi) có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus, vi khuẩn gây bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm họng do liên cầu khuẩn, viêm tai giữa, viêm amidan,... 

Ngoài ra, sốt kéo dài cũng có thể do các bệnh khác ngoài nhiễm trùng hoặc tác dụng phụ của thuốc. Đặc trưng của các bệnh có thể khiến trẻ bị sốt kéo dài kèm theo nhiều triệu chứng khác, tùy vào nguyên nhân cụ thể gây sốt kéo dài ở trẻ là bệnh gì.

1. Trẻ bị sốt kéo dài là bệnh gì?

Sốt kéo dài là khi cơn sốt kéo dài trên 3 ngày, trẻ bị sốt kéo dài có thể là sốt nhẹ hoặc sốt cao rồi hạ xong lại bị sốt trở lại. Cha mẹ có thể đo nhiệt độ cho trẻ ở vùng nách, miệng, trán và nhiệt độ đo cao nhất là ở hậu môn. Thông thường, thân nhiệt của trẻ sẽ ở mức từ 36,5 đến 37,5 độ C. Trong đó, sốt nhẹ ở trẻ là khi thân nhiệt dao động 37,5 - 38,5 độ C; từ 38,5 - 39 độ C nghĩa là sốt vừa. Trẻ sốt bao nhiêu là nguy hiểm? Trẻ sốt cao được hiểu là thân nhiệt dao động 39 - 40 độ C và khi thân nhiệt của trẻ trên 40 độ C nghĩa là trẻ sốt rất cao, cực kỳ nguy hiểm.

Cẩn thận khi trẻ bị sốt kéo dài khi thời tiết ngày một lạnh hơn- Ảnh 1.

Trẻ bị sốt kéo dài là bệnh gì? Ảnh: ST

Lưu ý rằng, sốt không phải là bệnh, mà trẻ bị sốt là một triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Tình trạng sốt của trẻ không chỉ dựa trên nhiệt độ thân nhiệt đo được mà cần chú ý tới cả thời gian trẻ bị sốt cũng như khoảng cách giữa mỗi cơn sốt kéo dài bao lâu. Nếu sốt kéo dài và trẻ không đáp ứng thuốc hạ sốt cha mẹ cần nhanh chóng cho trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra nguyên nhân trẻ bị sốt kéo dài và điều trị theo phác đồ phù hợp. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, trẻ bị sốt kéo dài không được điều trị kịp thời dẫn tới co giật, suy hô hấp, biến chứng não thần kinh, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Do vậy việc nắm được một số nguyên nhân có thể khiến trẻ bị sốt kéo dài đặc biệt quan trọng, nhất là khi thời tiết miền Bắc đang lạnh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều virus, vi khuẩn phát triển và lây lan làm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp ở trẻ cũng tăng lên.

Cẩn thận khi trẻ bị sốt kéo dài khi thời tiết ngày một lạnh hơn- Ảnh 2.

Sốt không phải là bệnh, mà trẻ bị sốt là một triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau (Ảnh: ST)

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến cho thấy sốt kéo dài ở trẻ là bệnh gì mà cha mẹ có thể tham khảo, lưu ý rằng các thông tin này không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ:

1.1. Trẻ bị sốt kéo dài do virus

Sốt kéo dài do virus hay còn được gọi là sốt do nhiễm siêu vi. Thường thì trẻ bị nhiễm virus có thể bị sốt kéo dài liên tục tới 5 - 7 ngày. Các bệnh do virus phổ biến ở trẻ em gây sốt chẳng hạn như:

- Sốt do sốt xuất huyết: Do virus Dengue lây truyền qua đường muỗi vằn (Aedes aegypti) đốt.

Thời gian sốt do bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài từ 2 - 7 ngày tùy thuộc vào từng cơ địa cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. với nhưng cơn sốt cao đột ngột từ 39 tới 40 độ C, dù trước đó trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường. Khi trẻ bị sốt có thể khởi phát cùng các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ khác như mệt mỏi, đau nhức đầu, đau khớp, đau các cơ, đau ở 2 bên hốc mắt, đau ở vùng thượng vị, tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn...

Tuy nhiên, đối với sốt xuất huyết, có giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 4 - 7, tính từ thời điểm trẻ sốt xuất huyết bị sốt. có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm xảy ra như giảm tiểu cầu dẫn tới xuất huyết. Cha mẹ có thể thấy trẻ hết sốt hoặc cơn sốt nhẹ đi kèm theo ban đỏ dưới da. Giai đoạn hồi phục là khi trẻ ngưng sốt trên 48 giờ liên tục và trên xét nghiệm thấy tiểu cầu tăng trở lại.

- Trẻ bị sốt do virus cúm: Phổ biến là cúm A, cúm B, cúm C hoặc ít phổ biến hơn là cúm D. Bệnh cúm là bệnh thường gặp nhất ở trẻ, bệnh cúm có thể nguy hiểm đối với trẻ dưới 5 tuổi bị cúm hoặc ở người có miễn dịch kém, bệnh lý nền.

Trẻ bị sốt do bệnh cúm thường khởi phát sau 1 - 2 ngày bị lây virus cúm. Trẻ bị cúm A thường sốt cao trong 2 - 3 ngày hoặc kéo dài cơn sốt trong 5 - 7 ngày. Trẻ bị cúm B có thể bị sốt rét run kéo dài tới 5 ngày, thân nhiệt cao từ 39 - 40 độ. Trẻ mắc cúm ngoài sốt có thể có các triệu chứng bệnh cúm khác như đau mỏi cơ thể, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho, đau đầu, trẻ quấy khóc, cáu kỉnh và khó ngủ hơn.

- Bị sốt kéo dài do virus sởi: Do virus Morbili, thuộc họ Paramyxoviridae, lây truyền cấp tính qua đường hô hấp.

Bệnh sởi ở trẻ em đặc trưng bởi khả năng lây lan và có thể bùng phát thành dịch sởi cao, đặc biệt là khi thời tiết chuyển lạnh như mùa đông - xuân hoặc ở các nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa hoặc không được tiêm phòng (đủ mũi) vaccine sởi.

Hiện nay các tỉnh thành phía Nam đang có ca mắc sởi gia tăng rất nhanh gồm Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM (trên 200 ca/tuần), Cà Mau (trên 100 ca/tuần). Theo số liệu thống kê tính đến ngày 24-11, số ca dương tính sởi toàn phía Nam là 16.503 ca, trong khi đó năm 2023 chỉ 292 ca, tăng 56,5 lần.

Cẩn thận khi trẻ bị sốt kéo dài khi thời tiết ngày một lạnh hơn- Ảnh 4.

Trẻ bị sốt do bệnh sởi thường là sốt nhẹ rồi tiến triển tới sốt vừa và sau cùng là trẻ bị sốt cao. Biểu hiện bệnh sẽ không bộc phát ngay mà trẻ bị sởi sẽ trải qua giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài trong khoảng 8 tới 11 ngày hoặc lên tới 14 - 21 ngày. Bệnh sởi kéo dài tối thiểu 6 ngày rồi các triệu chứng giảm dần tới khỏi, thời gian khỏi bệnh sởi kéo dài bao lâu cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố và phụ thuộc vào thể bệnh mà trẻ mắc phải.

Ở thể điển hình, sốt cao do bệnh sởi kéo dài 3 - 4 ngày rồi mọc các nốt ban sởi màu hồng. Với sởi thể không điển hình, biểu hiện lâm sàng có thể chỉ là trẻ có các cơn sốt nhẹ trên 37 độ C một chút và thoáng qua, viêm long đường hô hấp nhẹ, phát ban ít mà không có nhiều triệu chứng rõ ràng. Chính bởi vậy mà thể này dễ bị bỏ qua dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.

- Trẻ bị sốt nhẹ kéo dài do virus Rubella, khoảng 38 độ C từ 3 - 4 ngày. Do virus Togavirus thuộc giống Rubivirus gây ra và được đặc trưng bởi những nốt ban nhỏ.

Đây cũng là một bệnh truyền nhiễm nhưng mức độ không nhiều như bệnh sởi hay bệnh thủy đậu. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 2 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc. Ngoài sốt thì trẻ nhiễm virus Rubella có thể có sốt kèm ho và sổ mũi, viêm kết mạc thể nhẹ, sưng hạch ở vùng cổ hoặc sưng hạch ở sau tai, dưới gáy kéo dài tới vài tuần.

Cẩn thận khi trẻ bị sốt kéo dài khi thời tiết ngày một lạnh hơn- Ảnh 5.

HÌnh ảnh Rubella ở trẻ (Ảnh: ST)

- Sốt do virus thủy đậu: Do virus Varicella -Zoster gây ra

Sốt do thủy đậu thường là bị sốt kéo dài liên tục khoảng 2 - 3 ngày. Sốt do thủy đậu thường khởi phát trước các triệu chứng thủy đậu khác như phát ban mụn nước do thủy đậu (còn gọi là phỏng nước) hay đau đầu, mỏi người, chán ăn xuất hiện từ 1 - 2 ngày.

Tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý, nếu trẻ bị thủy đậu và sốt cao trên 39 độ C kèm các dấu hiệu nghiêm trọng như khó thở, co giật thì cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay lập tức để tránh biến chứng.

- Trẻ bị sốt kéo dài do bệnh tay - chân - miệng: Do virus đường ruột, trong đó điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71) là thủ phạm chính gây ra bệnh tay - chân - miệng ở cả trẻ em và người trưởng thành.

Bệnh tay - chân - miệng có thể gây sốt ở trẻ từ sốt nhẹ tới sốt cao kèm theo mệt mỏi, đau rát ở nướu răng và khoang miệng; đau họng, tăng tiết nước bọt và đôi khi là cả tiêu chảy. Sau đó là sự xuất hiện của các nốt tay chân miệng ở lòng bàn tay, chân, kẽ mông, đầu gối, trong miệng,... Sốt do bệnh tay chân miệng thường kéo dài từ 4 - 12 ngày, trung bình khoảng 7 ngày thì khỏi.

Trong bệnh tay - chân - miệng, cần đặc biệt chú ý tình trạng trẻ bị sốt cao, giật mình chới với khi ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh biến chứng não nguy hiểm, cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện.

Cẩn thận khi trẻ bị sốt kéo dài khi thời tiết ngày một lạnh hơn- Ảnh 6.

Trong bệnh tay - chân - miệng, cần đặc biệt chú ý tình trạng trẻ bị sốt cao, giật mình chới với khi ngủ (Ảnh: ST)

- Trẻ bị nhiễm virus RSV (Respiratory Syncytial Virus): Là virus hợp bào đường hô hấp, chủ yếu gây viêm phế quản hoặc viêm phổi và chưa có vaccine phòng ngừa.

Sốt do nhiễm virus RSV chỉ là một trong những triệu chứng bệnh, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao kéo dài từ 5 - 7 ngày. Bên cạnh các đặc trưng ở đường hô hấp trên bao gồm mũi họng, như ho, đau họng nhẹ, sổ mũi, nghẹt mũi và ở đường hô hấp dưới gồm khó thở, thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực. Ngoài ra, trẻ nhiễm RSV có thể cáu kỉnh, biếng ăn, viêm đau tai,... Hầu hết các trường hợp nhiễm RSV sẽ tự khỏi sau 1 - 2 tuần. Lưu ý sốt cao không có nghĩa là bệnh do RSV nặng hơn nhưng nếu kèm theo thở rút lõm lồng ngực, đau khó thở thì cần đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

1.2. Trẻ bị sốt kéo dài do vi khuẩn

Ngoài do virus thì một nguyên nhân gây sốt kéo dài ở trẻ là bệnh gì phổ biến không kém chính là bị sốt kéo dài do vi khuẩn. Đối với trường hợp này, việc điều trị loại bỏ vi khuẩn sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng bệnh, bao gồm cả sốt ở trẻ.

Các nhiễm trùng do vi khuẩn thường gây sốt kéo dài ở trẻ như viêm họng liên cầu khuẩn, viêm thanh quản do vi khuẩn, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới như viêm phổi do vi khuẩn, áp-xe phổi, viêm màng phổi, viêm khí phế quản; nhiễm khuẩn đường tiết niệu; nhiễm khuẩn đường gan mật; viêm màng não do vi khuẩn; nhiễm trùng huyết.

Cẩn thận khi trẻ bị sốt kéo dài khi thời tiết ngày một lạnh hơn- Ảnh 7.

Hình ảnh viêm họng liên cầu khuẩn ở trẻ (Ảnh: ST)

Tùy theo từng vị trí nhiễm khuẩn mà triệu chứng sốt kéo dài và các dấu hiệu khác sẽ khác nhau. Cơn sốt có thể là sốt kéo dài liên tục, sốt cao trên 39 độ C.

1.3. Sốt kéo dài liên tục ở trẻ do nguyên nhân khác

Trẻ bị sốt kéo dài cũng có thể liên quan tới các bệnh lý tiềm ẩn như bệnh lao, ung thư (chẳng hạn bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ung thư thận, ung thư gan) thường là sốt nhẹ kéo dài liên tục; các rối loạn tự miễn dịch như viêm khớp, bệnh lupus, bệnh đa xơ cứng cũng có thể gây sốt.

Trẻ sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin, thuốc chống co giật hay tiêm vaccine có thể gặp phải tác dụng phụ gây sốt.

2. Trẻ bị sốt kéo dài khi nào cần gặp bác sĩ?

Để hạ sốt cho trẻ, tốt nhất nên giúp trẻ mặc quần áo thông thoáng, dùng thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn của thuốc hạ sốt và theo dõi thân nhiệt của trẻ trung bình từ 1 tiếng một lần. Chú ý bù nước khi trẻ bị sốt và cho trẻ nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất để trẻ có sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Trong nhiều trường hợp trẻ bị sốt liên tục nhiều hơn 3 ngày, đặc biệt là không đáp ứng với thuốc hạ sốt hay bị sốt rất cao trên 40 độ C thì cần cho trẻ tới bệnh viện ngay lập tức. Nhất là khi trẻ bị sốt kéo dài liên tục kèm theo nhiều triệu chứng bất thường ở da, đường hô hấp và tiêu hóa như phát ban, phù nề; khó thở, thở rút lõm lồng ngực, thở nhanh; tiêu chảy, nôn mửa, phân có lẫn máu nhầy, biếng ăn, bú kém; li bì, ngủ mê man khó đánh thức hay co giật, có các biểu hiện mất nước mà không bù nước được.

Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, bất kì cơn sốt nào đều cần được khám bác sĩ càng sớm càng tốt bởi nguy cơ nhiễm khuẩn dễ dẫn tới biến chứng cao trong độ tuổi này. Điều này không có nghĩa là trẻ nhỏ trên 3 tháng tuổi bị sốt thì không đáng lo. Cha mẹ cần theo dõi sát sao các biểu hiện bất thường khi trẻ bị sốt để phản ứng phù hợp.

Với nhiều tình trạng trẻ bị sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể kiểm tra về thời gian sốt kéo dài bao lâu, bao lâu thì sốt một lần, thân nhiệt mỗi lần sốt ở khoảng nào, có các triệu chứng nào khác ngoài sốt không, có đang dùng thuốc gì không, trẻ sẵn có tiền sử bệnh nào không,... Và chỉ định một số xét nghiệm như xét nghiệm công thức máu toàn phần, xét nghiệm nước tiểu,... để xác định nguyên nhân khiến trẻ bị sốt kéo dài liên tục là do đâu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm