Chủ động về chính sách, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ ngân hàng

08/05/2019 - 15:07
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh ứng dụng Fintech, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng… là những nội dung quan trọng đã và đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm 2019.
Chủ động và linh hoạt về chính sách tiền tệ
 
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2019, phát biểu tại diễn đàn “Toàn cảnh ngân hàng 2019: Để ngân hàng Việt vươn xa” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức diễn ra sáng 7/5 tại Hà Nội, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tập trung vào 3 nhóm mục tiêu chính.
 
nguyenthihong.jpg
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân.

 

Thứ nhất, NHNN sẽ tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%.
 
Thứ hai, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
 
Thứ ba, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
 
Đại diện NHNN cũng cho biết sẽ theo sát diễn biến tăng trưởng tín dụng để kịp thời định hướng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hạn chế phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
 
Đối với tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu.
 
Đặc biệt, đối với hoạt động thanh toán, NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân. Đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS), áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ...
 
Xóa ‘độc canh tín dụng’
 
Nhận xét về hoạt động của NHNN trong thời gian qua, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng NHNN có vẻ còn hơi chậm đối với Fintech và kinh tế số.
 
“Không chỉ đơn thuần Fintech là sáng tạo khởi nghiệp. Có hai điều rất quan trọng là câu chuyện cạnh tranh phát triển hệ thống ngân hàng. Việt Nam đang rất muốn làm là câu chuyện thanh toán không dùng tiền mặt nhưng vẫn chưa có nhiều khởi sắc, trong khi Ấn Độ thực hiện vấn đề này rất nhanh, hệ thống thanh toán cực kỳ phát triển. Điều này cũng là công cụ chống tín dụng đen, đảm bảo cam kết của Việt Nam với APEC, là tài chính toàn diện, người dân có quyền tiếp cận dịch vụ tài chính với giá phải chăng nhất”, TS Thành nhận xét.
 
nhnn2.jpg
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cho rằng điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2018 là ổn định vĩ mô lạm phát tăng trưởng, lãi suất tỉ giá ổn định trong bối cảnh cuối 2017 đầu năm 2018, tỉ giá chịu áp lực lớn từ tình hình quốc tế lẫn một phần trong nước.

 

Theo TS Võ Trí Thành, điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2018 đó là ổn định vĩ mô lạm phát tăng trưởng, lãi suất tỉ giá ổn định trong bối cảnh cuối 2017 đầu năm 2018, tỉ giá chịu áp lực lớn từ tình hình quốc tế lẫn một phần trong nước. Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành cho rằng, trước mắt NHNN vẫn còn thách thức là có những tình huống xấu nhất trong vài năm tới có thể xảy ra. “NHNN đã định hướng trò chơi thị trường vào những lĩnh vực ưu tiên, có giá trị gia tăng tốt hơn, do đó giảm cầu tín dụng nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn phải nghiên cứu kỹ hơn nữa”, TS Thành nói.
 
Ở góc độ chuyển đổi cấu trúc ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng đã đến lúc cần chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi tín dụng, nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử.
 
Theo bà Hòa, điểm mấu chốt là trong hoạch định chiến lược phát triển dịch vụ phải rõ ràng, chú trọng phát triển các kênh cung ứng dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ số, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển mạnh các kênh dịch vụ phi tín dụng.
 
Đồng thời, ngân hàng cần phải nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng cải thiện thái độ phục vụ, đổi mới quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng thương mại cần được ưu tiên trong thời gian tới với những nội dung cụ thể như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản phẩm, dịch vụ, vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc trên di động.
 
“Ngân hàng cần phải áp dụng các biện pháp an ninh, tiêu chuẩn bảo mật mới, tiên tiến phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới. Phải làm sao xây dựng chuẩn thẻ chíp nội địa và triển khai kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp tại Việt Nam với lộ trình thích hợp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ”, bà Hòa cho biết thêm.

 Tăng bậc xếp hạng

 

Trong năm 2018, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp, tạo dư địa cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đảm bảo kiểm soát lạm phát chung theo đúng mục tiêu, năm 2018 ở mức 3,54%. Mặt bằng lãi suất ổn định, thị trường ngoại tệ và tỷ giá ổn định, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong môi trường ổn định, chủ động trong xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh. Tín dụng tăng trưởng hiệu quả, vốn ngân hàng tập trung cho sản xuất kinh doanh. Trong hoạt động thanh toán, ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ (CMCN 4.0), qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Tháng 8/2018, Moody’s đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam được nâng từ “ổn định” lên “tích cực” đã phản ánh những cải thiện về chất lượng tài sản (chủ yếu do tiến trình xử lý nợ xấu diễn biến tích cực), thanh khoản ổn định, lợi nhuận của nhiều ngân hàng cải thiện... Sự tích cực đó đã được duy trì đến thời điểm tháng 11/2018 theo đánh giá của Moody’s.

 

Mới đây, ngày 5/4/2019, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poors (S&P) đã công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”. Đây là lần đầu tiên sau 9 năm (kể từ tháng 12/2010) giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P đã quyết định thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm