"Chủ nghĩa khủng bố điện thoại" gieo rắc sợ hãi ở Nga
21/09/2017 - 07:19
Làn sóng “khủng bố điện thoại” thông báo nặc danh về các vụ đặt bom tại địa điểm công cộng ở Nga vẫn không có dấu hiệu suy giảm sau 12 ngày. Nga phải sơ tán hơn 200.000 người. Nga đang tiến hành để truy tìm thủ phạm.
Ngày 20/9, khoảng 100.000 người dân ở 14 thành phố, trong đó có thủ đô Moscow, đã được sơ tán sau các cuộc gọi nặc danh đe dọa đánh bom. 151 địa điểm phải kiểm tra tìm kiếm bom. Thông tin về nguy cơ “đặt bom” xuất hiện tại thủ đô Moscow, các thành phố Salekhard, Rostov-na-Donu, Volgograd, Ekaterinburg, Astrakhan và Voronezh.
Lực lượng chức năng thành phố lớn thứ 2 của Nga là Saint-Petersburg đã phải sơ tán người dân khỏi Quảng trường Cung điện sau khi có cuộc gọi báo bom. Trong khi đó tại Moscow, một số trung tâm thương mại và trụ sở chính quyền các quận ở thủ đô cũng đã nhận được tin nhắn khủng bố và buộc phải sơ tán người dân và nhân viên.
Cho đến nay, không một cuộc gọi nào được xác nhận, lực lượng chức năng không tìm thấy bất kỳ thiết bị gây nổ nào theo thông tin từ các cuộc gọi. Nguồn tin riêng của hãng tin RBK (Nga) cho biết hiện Cơ quan An ninh liên bang (FSB) đang xem xét giả thiết có một nhóm tin tặc quốc tế đứng sau các cuộc gọi nặc danh nói trên. FSB cho rằng nhóm này đã viết một chương trình riêng để tạo nên dòng các cuộc gọi điện sử dụng điện thoại IP đến các địa chỉ lựa chọn là các địa điểm công cộng. Đồng thời, FSB cũng xác định được rằng một số cuộc gọi được thực hiện từ Brussels (Bỉ). Trước đó, có thông tin thực hiện các cuộc gọi “khủng bố” có thể là tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng hoặc những phần tử từ Ukraine.
Làn sóng các cuộc gọi nặc danh gia tăng bất thường đã khiến nước Nga “đứng ngồi không yên” suốt nhiều ngày qua. Tuần trước, liên tiếp các cuộc gọi khủng bố tương tự nhắm vào các công trình công cộng của Nga. Đỉnh điểm vào ngày 13 và 14/9, hơn 140.000 người Nga trên toàn quốc phải sơ tán vì 48 cuộc gọi nặc danh. Trong ngày 13/9, riêng tại thủ đô Moscow, lực lượng chức năng đã nhận được 20 cuộc gọi thông báo có bom và hậu quả là khoảng 10.000 bị sơ tán khỏi các trung tâm thương mại lớn, nhà ga và trường đại học. 1 ngày sau, các cuộc điện thoại nặc danh đã lan đến vùng Siberia, buộc chính quyền phải sơ tán khoảng 45.000 người.
Theo nguồn tin từ Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, hơn 21.000 người tại 11 khu vực của nước Nga cũng đã phải sơ tán vào 21 giờ 30 ngày 16/9 sau khi nhận được 57 cuộc gọi đe dọa đánh bom nhằm vào các bến xe bus, nhà ga, các cơ sở hạ tầng quan trọng. Quảng trường Đỏ cũng nằm trong danh sách bị dọa gài bom.Novosibirsk và Yekaterinburg.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi tình hình là “chủ nghĩa khủng bố điện thoại”, đồng thời khẳng định tất cả các biện pháp cần thiết đã được tiến hành để truy tìm thủ phạm. Tổng thống Vladimir Putin đã được báo cáo ngay khi những cuộc gọi gây hại này bắt đầu diễn ra.
Theo luật hiện hành ở Nga, những kẻ khủng bố điện thoại sẽ bị khởi tố hình sự theo Điều 207 Bộ luật hình sự về tội "Báo cáo sai sự thật về hành động khủng bố” và phải đền bù những chi phí thiệt hại do cuộc gọi gây ra. Tại Moscow, chi phí cho một chuyến xe cứu thương trong trường hợp có tin đe dọa khủng bố qua điện thoại vào khoảng 3 800 rúp, một chuyến xe và đội chó nghiệp vụ phát hiện thiết bị nổ có chi phí khoảng 4 500 rúp, một cú điện thoại báo tin đe dọa khủng bố thất thiệt gây thiệt hại ít nhất là 18 000 rúp.
Liên quan đến trách nhiệm hình sự, kẻ khủng bố điện thoại phải đối mặt với 5 năm tù giam, nhưng thông thường, tòa án phạt tiền người vi phạm lên đến 200 nghìn rúp. Nếu người khủng bố điện thoại là một cậu học trò, cha mẹ anh ta phải trả số tiền này.