Chu Nhật Quang - Hoạ sĩ trẻ đam mê làm tranh sơn mài

Anh Minh
15/08/2024 - 20:51
Chu Nhật Quang - Hoạ sĩ trẻ đam mê làm tranh sơn mài

Họa sĩ Chu Nhật Quang đang hoàn thiện một bức tranh sơn mài

Tháng 10 tới, hoạ sĩ trẻ Chu Nhật Quang (sinh năm 1995) sẽ "trình làng" bằng một triển lãm tranh sơn mài ở Hoàng thành Thăng Long. Là cái tên hoàn toàn mới trong làng hội hoạ nhưng 4 năm qua, anh miệt mài ở xưởng vẽ và triển lãm sắp tới có 50 tác phẩm sơn mài của anh.

Chu Nhật Quang chia sẻ, anh sinh ra trong gia đình có 2 thế hệ gắn bó với văn hóa truyền thống: Ông nội anh là NSND Chu Mạnh Chấn, một họa sĩ có niềm đam mê với việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa làng quê Bắc bộ thông qua nghệ thuật sơn mài; bố anh là NSƯT Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long - nghệ sĩ có niềm say mê với nghệ thuật rối nước. Khi nghỉ hưu, ông còn vẽ rất nhiều tranh và đặc biệt mạnh ở mảng tranh chân dung, tranh vẽ phong cảnh, con người.

Người chỉ lo... vẽ

Truyền thống gia đình đã ảnh hưởng rất lớn đến Chu Nhật Quang, nhất là ở cách chọn đề tài, cùng tuổi thơ thẫm đẫm trong văn hóa truyền thống - đó là bệ phóng để anh dấn thân vào con đường vẽ tranh sơn mài đầy gian khó.

"Sơn mài cuốn hút tôi như thỏi nam châm, khiến tôi không thể rời ra khỏi giá vẽ. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, của công nghệ 4.0, của trí tuệ nhân tạo AI có thể tạo ra những bức tranh sống động theo chất của sơn dầu, màu nước. Nhưng với sơn mài thì không thể, bởi nó là tác phẩm duy nhất và chính người họa sĩ không thể vẽ lại bức thứ hai giống hệt thế", Chu Nhật Quang chia sẻ.

Chu Nhật Quang - Hoạ sĩ trẻ đam mê làm tranh sơn mài- Ảnh 1.

Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang

Mẹ Quang, bà Hồ Cẩm Thạch, chia sẻ rất xót con, bởi vào thứ 7, Chủ nhật, Quang cũng không đi chơi mà chỉ lo vẽ, mà sơn mài thì khác hẳn với các dòng tranh khác, làm ra một bức tranh là một lần vất vả, trải qua 8-11 bước, bước nào cũng vất vả, khó nhọc mới ra được bức tranh đẹp.

Có 8 năm được đào về mỹ thuật tại Mỹ và Úc, phong cách nghệ thuật của Chu Nhật Quang hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại. Những gì hiện lên tác phẩm của anh đều rất Việt Nam với hình ảnh làng quê Bắc bộ bình dị và sâu lắng, từ mái đình cong cong, những ngôi nhà nép mình dưới chân núi, chiếc cổng làng cổ kính… song màu sắc lại rất "Tây".

Hoạ sĩ Thành Chương cũng đã xem tranh của Chu Nhật Quang và bày tỏ mong đợi Quang sẽ gặt hái được những thành công trong nghề nghiệp.

"Sinh ra và lớn lên trong một gia đình như thế nên sự phát triển của Quang như là máu thịt, bản chất, cốt lõi tư duy nghệ thuật cộng với bài bản học tập khiến khi xem tranh của Quang sẽ biết ngay là cội nguồn dân tộc này, văn hóa này được hòa trộn một cách dung dị, tự nhiên. Qua tranh người ta cũng thấy cá tính của họa sĩ dù rằng còn ít tuổi và đam mê với nghề, nghề này rất cần đam mê" - họa sĩ Thành Chương nói.

Chu Nhật Quang - Hoạ sĩ trẻ đam mê làm tranh sơn mài- Ảnh 2.

Họa sĩ Chu Nhật Quang (thứ 2 từ trái sang), cùng đồng nghiệp vẽ tranh sơn mài

Vẽ tranh sơn mài khổ lớn vừa khó vừa đắt. Khó bởi ở đó đòi hỏi khả năng khái quát, làm chủ được bố cục, đề tài, điều này không dễ dàng với bất kỳ họa sĩ nào, chứ chưa nói tới tác giả trẻ như Chu Nhật Quang, bởi để hoàn thành một tác phẩm sơn mài, người họa sĩ phải trải qua 8-11 công đoạn phức tạp, từ phác thảo bố cục tranh, vẽ trên vóc, mài, rồi đánh bóng tranh…

Đặc biệt, ở khâu cuối cùng - mài tranh, đòi hỏi người họa sĩ phải hết sức tỉ mỉ, cẩn trọng. Nếu mài non tay, màu sắc của bức tranh không được như mong muốn, không mang lại vẻ đẹp của tranh. Nhưng nếu mài quá tay, thủng vóc, lại phải vá, rất khó và tốn kém.

Bên cạnh đó, chi phí để có một bức tranh cũng rất đắt, để vẽ một bức tranh, họa sĩ phải dùng tới cả quỳ vàng, quỳ bạc, rồi các họa cụ khác như vóc, màu… Thế mà Chu Nhật Quang "chào sân" nghệ thuật với khối lượng đồ sộ - 50 tác phẩm toàn khổ lớn khiến Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khâm phục trước sáng tạo vượt trội và cả sự dấn thân.

Có đam mê sẽ có tác phẩm đẹp

"Chu Nhật Quang lựa chọn đề tài, cách vẽ không bị ảnh hưởng bởi thị trường, không vì thị hiếu người mua mà thay đổi mình. Quang vẽ theo tinh thần dấn thân của một người trẻ đam mê lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với niềm đam mê nghệ thuật - phẩm chất không chỉ riêng Chu Nhật Quang mà bất cứ họa sĩ nào cũng cần, tôi tin cậu ấy sẽ là họa sĩ đáng để chúng ta chờ đợi những tác phẩm mang tính thời đại tiếp tục ra mắt công chúng", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định.

Dịp 10/10 tới, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ trưng bày 50 tác phẩm sơn mài tại Hoàng thành Thăng Long. Anh cũng đang ấp ủ những dự định xa hơn cho nghề nghiệp và đam mê của mình, đem tranh sơn mài ra thế giới, đến với những người yêu hội họa cả nước để cùng có dịp thưởng lãm những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống.

Chu Nhật Quang - Hoạ sĩ trẻ đam mê làm tranh sơn mài- Ảnh 3.
Chu Nhật Quang - Hoạ sĩ trẻ đam mê làm tranh sơn mài- Ảnh 4.
Chu Nhật Quang - Hoạ sĩ trẻ đam mê làm tranh sơn mài- Ảnh 5.

Một số tác phẩm của họa sĩ Chu Nhật Quang

Hiếm họa sĩ nào trưng bày tác phẩm sơn mài tại không gian như Hoàng thành Thăng Long, bởi không gian quá rộng lớn, cũng không có phòng chuyên biệt treo các tác phẩm, điều đó sẽ khiến người thưởng lãm không tập trung.

Song, Chu Nhật Quang có lý do của mình, anh muốn những tác phẩm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại phải được đặt trong không gian - dù không kỳ vĩ lớn lao, không đẹp đẽ rực rỡ, song di sản Hoàng Thành Thăng Long có một giá trị đặc biệt mà những di sản khác ở Việt Nam không có, đó là giá trị văn hóa lịch sử của chiều dài ngàn năm văn hiến của Thủ đô.

Điều đó cũng như những cảm nhận của anh về cuộc sống hôm nay, thông qua những bức hoạ: Dù sống trong môi trường đô thị hóa và nhịp sống hiện đại vẫn luôn duy trì liên kết chặt chẽ gắn kết với quê hương, và quê hương với hồn cốt dân tộc sẽ là bệ phóng để người trẻ sáng tạo và thành công.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm