pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chủ tịch Hà Nội lý giải bệnh nhân Covid-19 vẫn tăng dù “buổi sáng không ghi nhận ca bệnh nào”?
"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"
Đến sáng ngày 13/4, Hà Nội đã công bố xuất hiện 117 ca dương tính với Covid-19 nhưng theo số liệu của Bộ Y tế thì con số này mới chỉ dừng ở 112 ca. Vì sao lại có chuyện này?
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giải thích, ở giai đoạn 1 của dịch Covid -19, Bộ Y tế cho phép Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội xét nghiệm loại trừ; sau đó Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ xét nghiệm lần 2 và Bộ Y tế công bố ca bệnh. Nhưng ở giai đoạn 2 này, Bộ Y tế đã cho phép CDC xét nghiệm khẳng định. Từ cơ sở này, Hà Nội đã quyết định công bố ca bệnh luôn sau khi có kết quả xét nghiệm của CDC bởi độ trễ của thông tin sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng dịch.
Chủ tịch UBND TP dẫn chứng: "Nếu như ca bệnh Bộ Y tế công bố chiều 12/4 thì Hà Nội đã thông báo từ chiều 11/4. Đến sáng 12/4, nhân dân không thấy thông tin, rồi báo chí đưa tin sáng không có ca bệnh theo thông báo của Bộ Y tế... Như vậy sẽ dẫn đến chủ quan, không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, các đơn vị liên quan cần thay đổi cách làm, bởi nếu không đồng bộ, không nhất quán về thông tin, sẽ làm người dân phân tâm. "Nếu những vấn đề phù hợp với khoa học dịch tễ và thực tiễn thì chúng ta cần mạnh dạn sửa ngay". Chủ tịch UBND TP đề nghị.
Về ca bệnh 243 ở Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nguồn gốc lây nhiễm của ca bệnh này chưa hẳn ở là Bạch Mai. Người này hôm 12/3 đưa vợ đến khám tại Khoa Miễn dịch dị ứng - Bệnh viện Bạch Mai. Chủ tịch UBND TP nêu rõ: "Chúng tôi rà soát những người có liên quan đến Bạch Mai thì mới ra bệnh nhân 243 và từ bệnh nhân này mới ra các bệnh nhân khác mới ra Hạ Lôi. Chúng ta đã thống nhất quan điểm rất rõ ràng là những ai đã đến Bệnh viện Bạch Mai là có nguy cơ cao. Phải rà soát như vậy thì mới không bỏ sót trường hợp".
Nói về việc chống dịch, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, chúng phải tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".
Vì sao test nhanh và xét nghiệm RT-PCR còn sai lệch?
Đánh giá về test nhanh, ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC cho biết, thời gian qua, một số bệnh nhân xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính với covid-19 nhưng xét nghiệm khẳng định lại bằng RT-PCR thì lại dương tính.
"Những trường hợp này mới nhiễm bệnh nên chưa có kháng thể, nên kiểm tra nhanh ra âm tính. Như vậy kiểm tra nhanh chỉ là công cụ để sàng lọc tại cộng đồng, nhưng vẫn cần thiết. Do phương pháp này trả kết quả nhanh, chi phí thấp và có thể làm tại các trạm dã chiến", ông Cảm nói.
Giám đốc CDC Hà Nội cũng cho rằng, đối với các trường hợp nghi ngờ thì phải làm lại xét nghiệm RT-PCR và căn cứ vào yếu tố dịch tễ để xác định cho chính xác.
Hà Nội đã triển khai xét nghiệm nhanh đợt 1 là 14.000 mẫu. Theo chỉ đạo, đã tiến hành 128 test nhanh tại huyện Mê Linh, đồng thời cho xét nghiệm khẳng định 128 mẫu này và cho kết quả đồng bộ. Trong số 127 test nhanh tại Bệnh viện Thận Hà Nội, cũng cho kết quả tương đồng, âm tính đối với xét nghiệm RT-PCR. Như vậy, đã có tổng số 405 mẫu test nhanh và xét nghiệm khẳng định cùng cho kết quả âm tính.
Liên quan đến các ý kiến lo lắng về tình hình dịch bệnh ở cộng đồng, Chủ tịch UBND TP nói rõ quan điểm: "Cá nhân tôi cho rằng trước mắt cứ trung thành việc xác minh, làm rõ, khoanh vùng các trường hợp liên quan đến Bạch Mai cho đến Mê Linh, nếu cần chỉ mở rộng trong xã Mê Linh chưa cần đến các vùng khác bởi 10 ca dương tính ở Hạ Lôi hiện nay vẫn liên quan đến bệnh nhân 243, chưa có ổ dịch khác".
Lý giải tại sao Hà Nội lại phân tích các trường hợp F1 đến F3 trong khi các nước khác người ta tập trung vào người tiếp xúc đầu tiên với ca bệnh, Chủ tịch UBND TP cho biết: "Bởi khi xác định rõ và cách ly từ F1 đến F3 tại nhà, chính là chúng ta "chặt chân nguồn lây nhiễm". Nếu như tất cả những người có yếu tố Hạ Lôi, Mê Linh mà chỉ ở nhà, lấy mẫu xét nghiệm, chờ 14 ngày thì tôi tin là sẽ đứt chân lây nhiễm".