Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội): “Làm công tác Hội phải năng động và có tâm”

Bài và ảnh: An Khê
15/12/2019 - 07:56
Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội): “Làm công tác Hội phải năng động và có tâm”
Gặp chị Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ Loa mới thấy bên trong dáng vẻ nhỏ nhắn, năng động ấy là những nỗ lực phi thường. Nhìn vào thành tích chị đã đạt được trong 10 năm qua, có thể khẳng định những việc chị làm vì phụ nữ, trẻ em, vì cộng đồng không hề nhỏ. Chị cho rằng, làm công tác Hội thì ngoài năng động cần phải có tâm.

Hồ hởi "khoe" giải thưởng tập thể Hội LHPN xã Cổ Loa có thành tích xuất sắc trong thực hiện "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em" năm 2019, chị Hường cho biết, bảo vệ phụ nữ và trẻ em là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác phụ nữ. Đây không những là niềm tự hào của cả tập thể mà còn của cá nhân chị khi trong những năm qua, chị đặt nhiều tâm huyết vào công tác này.

Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cổ Loa: “Làm công tác hội phải năng động và có tâm” - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)

Ngay từ đầu năm 2019, chị đã cùng chị em trong xã chủ động kết hợp với CLB Võ thuật của Bình Định Gia Lam Hồng mời võ sư về dạy cho các em những kỹ năng cơ bản để phòng tránh bị lạm dụng, bắt cóc, một vấn nạn mà trẻ em đang đối mặt. Hội đã phối hợp cùng trường THCS Cổ Loa tập huấn cho các em mỗi buổi một tiết bằng phương pháp trực quan, thực hành tại chỗ. Từ đó, mô hình này đã được chị đề xuất lên phòng giáo dục huyện, phối hợp Hội LHPN huyện Đông Anh triển khai tới tất cả các trường trên toàn huyện.

Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cổ Loa: “Làm công tác hội phải năng động và có tâm” - Ảnh 2.

Chị đã có 10 năm làm công tác phụ nữ

Hội LHPN xã cũng phối hợp với thanh tra liên ngành để kiểm tra vệ sinh ATTP và truyền thông đến cán bộ, hội viên về đảm bảo vệ sinh ATTP. "Trên địa bàn có hai trường mầm non và một trường tiểu học, tôi cùng đoàn thường xuyên đến kiểm tra bữa ăn học đường, đặc biệt là sữa học đường phải kiểm tra lô sản xuất và hạn sử dụng", chị Hường cho biết.

Là người có trách nhiệm và làm việc bằng cái tâm, cho nên việc gì chị cũng phải làm cho tròn, làm cho đến nơi đến chốn. Những năm gần đây, các phong trào "Đoạn đường nở hoa" hay cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", chị cũng phải lên kế hoạch cùng chị em trong chi hội bám sát chỉ đạo của thành phố, huyện, xã. Trong xã có gần 4.000 hội viên, phụ nữ, 17 chi hội, trong đó 15 chi hội nông nghiệp, 2 chi hội trường học cho nên việc phổ biến và triển khai các chương trình hành động đến từng chị em vô cùng vất vả.

Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cổ Loa: “Làm công tác hội phải năng động và có tâm” - Ảnh 4.

Chị Hường và các hội viên, phụ nữ xã Cổ Loa

Chị Hường cho biết, khó khăn nhất là công tác tập hợp chị em tham gia các hoạt động của Hội, bởi nhiều chị em phải đi làm vệ sinh công nghiệp theo ca, phụ nữ trung niên thì bận lo làm kinh tế, trẻ hơn thì lo việc con cái. Các hoạt động của Hội, chỉ có thể tập trung được vào ngày thứ 7 và chủ nhật, chủ yếu vào buổi tối. Tuy nhiên, chị vẫn phải có kế hoạch để tập trung chị em tổ chức các hoạt động phù hợp với thời gian của họ.

"Các hoạt động của hội triển khai cũng phải phù hợp với chị em. Khi chọn đoạn đường nở hoa thì giao luân phiên mỗi tổ chăm sóc một tuần. Trong tổ, các chị em lại phân công nhau luân phiên, làm sao để vẫn đảm bảo công việc của chị em, đồng thời tuyến đường hoa vẫn phải được chăm sóc không bị đứt đoạn. Các hoạt động của chi hội cũng vậy, cũng phải chọn vào những ngày nghỉ để tổ chức, như thi kéo co, thi văn nghệ, các trò chơi dân gian để làm sao cho có nhiều chị em tham gia nhất. Để chăm lo đời sống của chị em phụ nữ thì cả vật chất, tinh thần, sức khỏe đểu phải có kế hoạch", chị Hường cho biết.

Những người dân xã Cổ Loa đã quen với nụ cười ấm áp và rạng rỡ của chị Hường khi chị tham gia mọi công tác vì quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và những hoạt động vì môi trường, vì cộng đồng, nhưng ít ai biết rằng, bản thân chị cũng trải qua những vất vả đời thường để từ đó vươn lên, trở thành tấm gương sáng cho nhiều phụ nữ noi theo.

"Hai vợ chồng tôi có ba cháu, cháu thứ hai sinh 2006 bị bệnh bại não nằm một chỗ từ khi mới sinh ra đến năm mười tuổi thì mất. Con gái lớn sinh năm 2001 đang học đại học năm thứ nhất của trường Đại học Kinh tế quốc dân, con thứ hai năm nay vào lớp một. Tôi đã từng trải qua nhiều khó khăn vất vả cả về kinh tế lẫn nỗi đau tinh thần. Tuy nhiên, để làm được công tác phụ nữ thì bản thân mình cần phải nỗ lực vượt qua hoàn cảnh trước đã thì mới có thể giúp đỡ được người khác. Cho đến ngày hôm nay, cuộc sống cũng tạm ổn. Tôi rất hạnh phúc khi có được một người chồng thấu hiểu, con cái yêu thương. Lúc tôi bận công tác Hội, chồng và con là người giúp đỡ hầu hết mọi công việc nhà cửa, cơm nước…", chị Hường xúc động chia sẻ.

Ở cương vị Chủ tịch Hội LHPN xã, đối tượng chị tiếp xúc chủ yếu là chị em phụ nữ, mỗi người một hoàn cảnh. Bởi thế, chị luôn trăn trở làm thế nào để giúp phụ nữ và trẻ em có được cuộc sống tốt nhất, đặc biệt là chị em phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc giúp đỡ phụ nữ, trẻ em còn phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ của Hội, nếu làm tốt, đoàn kết, đồng lòng thì sẽ nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Hiểu được điều đó, chị luôn động viên chị em cán bộ Hội sống như người một nhà, hỗ trợ nhau và hỗ trợ chị em trong xã bằng cái tâm của mình.

Với những kết quả đã đạt được, Hội LHPN xã Cổ Loa đã có 9 năm được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen, một năm được Hội LHPN Hà Nội tặng bằng khen.

Năm 2019 là "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em", với sự dẫn dắt của chị Hường, Hội LHPN xã Cổ Loa đã đạt được giải thưởng tập thể vì thành tích xuất sắc trong thực hiện "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em". Cá nhân chị được Hội LHPN Hà Nội và Huyện uỷ Đông Anh tặng bằng khen, giấy khen.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm